Để an toàn cho người đi bộ băng qua đường, Đồng Nai đã xây 3 cầu vượt tại TP.Biên Hòa, một hầm chui cho người đi bộ ở trung tâm huyện Nhơn Trạch. Thế nhưng, chỉ có cầu vượt ở gần cổng Công ty Pouchen (xã Hóa An) phát huy tác dụng, số còn lại đều rất ít người sử dụng.
Để an toàn cho người đi bộ băng qua đường, Đồng Nai đã xây 3 cầu vượt tại TP.Biên Hòa, một hầm chui cho người đi bộ ở trung tâm huyện Nhơn Trạch. Thế nhưng, chỉ có cầu vượt ở gần cổng Công ty Pouchen (xã Hóa An) phát huy tác dụng, số còn lại đều rất ít người sử dụng.
Theo thống kê, từ đầu năm 2013 đến nay, ở Đồng Nai có 30 trường hợp người đi bộ qua đường bất cẩn bị TNGT, làm chết 12 người. Đây là con số đau lòng không ai mong muốn và càng thấy rõ lợi ích của những cầu vượt, hầm chui giúp người đi bộ qua đường mà không phải giao cắt với những luồng xe cộ.
* Cầu vượt bị “chê”
Cầu vượt trên đường Nguyễn Ái Quốc, nối hai bên lề đường trước Bệnh viện tâm thần trung ương 2 và Trường Bùi Thị Xuân, được Ban An toàn giao thông (ATGT) TP.Biên Hòa tổ chức xây dựng với kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, đưa vào sử dụng hơn một tháng nay. Dù đa số học sinh của Trường Bùi Thị Xuân khi được hỏi đều nói về sự tiện lợi, an toàn của việc sử dụng cầu vượt để qua đường, nhưng thực tế khi tan trường chỉ có một phần học sinh đi qua cầu vượt, còn lại rất nhiều em chọn băng ngang dòng xe cộ ở gần dưới chân cầu để qua đường mà bất chấp nguy hiểm (vì nơi các em băng qua không có kẻ vạch cho người đi bộ).
Cầu vượt trước Trường Bùi Thị Xuân ít học sinh sử dụng. |
Quan sát thực tế của phóng viên cho thấy, đa số học sinh băng ngang đường đều đi về hướng Hố Nai (để lấy xe gửi bên kia đường, hoặc đi bộ về hướng này). Trong khi đó, muốn qua cầu vượt, học sinh phải đi vòng lại phía sau. Dù đi thêm chỉ trăm bước chân, nhưng các học sinh vẫn thấy bất tiện, nên chọn cách băng ngang đường dù biết kém an toàn hơn.
Ở khu vực này, ngoài Trường Bùi Thị Xuân còn có Trường tiểu học Tân Tiến kề bên. Cầu vượt không được đặt ở vị trí giữa hai trường này, mà đặt lệch về bên phía trái cổng Trường Bùi Thị Xuân (hướng từ trường nhìn ra), nên đa số học sinh Trường tiểu học Tân Tiến ngại đi qua cầu vượt.
Tuy nhiên, đối với những người đi bộ không phải là học sinh, đa số đều chọn cách đi lên cầu vượt để qua đường cho an toàn. Bà Trương Thị Ánh (ngụ TP.Hồ Chí Minh) cho biết, mỗi khi đưa người nhà đến chữa trị ở bệnh viện tâm thần, bà đều dắt người thân đi qua cầu vượt cho an toàn.
Ông Nguyễn Bôn, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, cho biết tỉnh rót vốn đầu tư cho công trình này nên có tham gia giám sát quá trình xây dựng. Do gặp “vướng mắc” với một số chủ sử dụng đất (liền kề với lề đường xây dựng cầu vượt), nên thời gian xây dựng phải kéo dài hơn dự kiến và cầu được đặt ở vị trí chưa “đắc địa” lắm.
* Để người đi bộ sử dụng cầu vượt
Các công trình khác, như: hầm chui bộ hành ở huyện Nhơn Trạch khánh thành đã lâu nhưng chưa đưa vào sử dụng, cũng vì vị trí đặt không hợp lý, không “hợp thời”; cầu vượt Hùng Vương (trên đường Nguyễn Ái Quốc, trước khu vực nhà cao tầng phường Quang Vinh và Trường THCS Hùng Vương) hiện rất ít người sử dụng cũng có lẽ do vị trí đặt cầu chưa thích hợp; cầu vượt ở khu vực gần Công ty Pouchen (đường Nguyễn Ái Quốc, xã Hóa An) được nhiều công nhân công ty này sử dụng, nhưng học sinh một trường tiểu học gần đó lại không đi cầu vượt, mà được nhà trường cử người chăng dây dẫn cho qua đường mỗi khi tan học. Do vậy, cầu vượt này vẫn chưa phát huy hết công năng sử dụng…
Cầu vượt gần Trường THCS Hùng Vương chỉ có một học sinh sử dụng lúc tan trường (ảnh chụp chiều 5-12). |
Dự kiến, TP.Biên Hòa sẽ xây thêm cầu vượt cho người đi bộ trước khu vực Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cầu vượt trước khu vực Trường THCS Trần Hưng Đạo và Trường tiểu học Trịnh Hoài Đức. Vì thế, việc nâng cao ý thức sử dụng cầu vượt khi qua đường (ở khu vực có cầu vượt) ở những người đi bộ là rất cần thiết.
Trước hết, tại cầu vượt trước Trường Bùi Thị Xuân, Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết, sẽ kéo dài thêm dải phân cách ở khu vực cầu vượt để ngăn học sinh tùy tiện băng ngang đường. Người dân cũng góp ý, cần hàn bít các khe hở ở các dải phân cách để người đi bộ không len ngang.
Ngoài ra, có ý kiến đề nghị cầu vượt bộ hành nên được thi công kiểu lắp ghép bằng thép để nhanh chóng thực hiện và có thể điều chỉnh vị trí khi cần thiết.
Thanh Toàn