Báo Đồng Nai điện tử
En

Vườn quốc gia Cát Tiên: Nhiều loài mới được phát hiện

03:02, 05/02/2013

Rừng Cát Tiên là “điểm nóng” về đa dạng sinh học. Ở đây luôn chứa đựng nhiều điều bí ẩn thu hút các nhà khoa học đến tìm tòi, khám phá. Thời gian qua, một số loài động thực vật mới được phát hiện, càng nâng giá trị của rừng Cát Tiên thêm phong phú, đa dạng.

 

Rừng Cát Tiên là “điểm nóng” về đa dạng sinh học. Ở đây luôn chứa đựng nhiều điều bí ẩn thu hút các nhà khoa học đến tìm tòi, khám phá. Thời gian qua, một số loài động thực vật mới được phát hiện, càng nâng giá trị của rừng Cát Tiên thêm phong phú, đa dạng.

Trảng cỏ Núi Tượng - nơi bò tót thường xuất hiện.
Trảng cỏ Núi Tượng - nơi bò tót thường xuất hiện.

Nằm ở vùng Đông Nam bộ, Vườn quốc gia Cát Tiên là một trong những vườn quốc gia lớn của Việt Nam với sự góp mặt của nhiều loài động, thực vật quý hiếm, trong đó có cả những loài có nguy cơ bị đe dọa tuyệt chủng. Với nhiều dạng sinh cảnh khác nhau, bao gồm: rừng thường xanh nguyên sinh và thứ sinh đất thấp, ưu thế bởi các loài họ Dầu (Dipterocarpaceae); rừng nửa rụng lá nguyên sinh và thứ sinh với ưu thế là các loài bằng lăng (Lagerstroemia spp.); đất ngập nước với các bàu nước cùng hàng loạt sinh cảnh thứ sinh, bao gồm trảng cỏ và rừng tre nứa là điều kiện thuận lợi cho các loài động, thực vật phát triển.

Danh lục các loài động thực vật ở Vườn quốc gia Cát Tiên đã được thống kê, gồm: 1.610 loài thực vật bậc cao có mạch, hơn 400 loài nấm, 79 loài bò sát, 41 loài lưỡng cư, 348 loài chim, 113 loài thú. Loài động, thực vật thủy sinh với 125 động vật nổi, 122 động vật đáy, 168 cá. Côn trùng có 495 loài bướm (chiếm 50% số loài bướm ở Việt Nam), 295 loài kiến, 38 loài mối, 32 loài cuốn chiếu… Bên cạnh việc bổ sung và hoàn thiện danh lục, các loài mới cho khoa học cũng luôn được phát hiện.

Một số loài động thực vật quý tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Một số loài động thực vật quý tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

Trong những năm gần đây, nhiều chuyên gia của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga đã bổ sung thêm 5 loài kiến mới cho khoa học là Acanthomyrmex humilis, Cerapachys eguchii, Pheidole aspidata, Pheidole ochracea và Probolomyrmex vieti. Các nhà khoa học công bố có hơn 90 loài mới cho Việt Nam, hơn 20 chi mới (hoặc mới tách) bổ sung cho khu hệ nấm lớn Việt Nam, 1 họ mới là Bondarzwiaceae và 1 bộ mới là Bondarzewiales. Ngoài ra, còn 2 loài nấm mới là hoàng chi cát tiên (Tomophagus cattienensis) và bạch hương (Lentinula platinedodes). Chúng thường sống trong các cây gỗ mục ở rừng thường xanh và bán thường xanh. Đến năm 2011 mới đủ dữ liệu phân tích ADN để công bố những loài này trên tạp chí khoa học quốc tế.

Phụ nữ Mạ
Phụ nữ Mạ

Truyền thuyết về địa danh Cát Tiên

Trong kho tàng văn hóa của cộng đồng người Mạ ở Tà Lài, vẫn còn lưu giữ một truyền thuyết về tên gọi Cát Tiên.

Truyện kể rằng, ngày xửa ngày xưa tại vùng núi phía Tây Nam tỉnh Lâm Đồng có một chàng thợ săn người Châu Mạ, trong lúc đi săn anh ta nhìn thấy một khối trụ có màu sắc sặc sỡ, lấp lánh trông rất lạ mắt. Vốn bản tính hiếu kỳ nên thợ săn giương cung lên bắn vào khối hình trụ kỳ lạ đó thì bỗng nhiên, một dòng nước tuôn trào ra ầm ầm như dòng thác và đuổi theo người đã bắn cung. Chàng thợ săn hoảng sợ chạy như bay, còn thần nước thì tức giận tiếp tục cuộc đuổi bắt. Khi người chạy nhanh thì thần nước cũng theo nhanh và để lại nhiều vùng thác ghềnh; những lúc thấm mệt phải chạy chậm thì nước đọng lại thành những bàu nước sâu; đến khi dừng chân thì nước đọng lại, tạo thành hồ nước lớn. Bất chợt, chàng trai Châu Mạ giật mình khi thấy rất nhiều tiên nữ đang đùa vui trên một bãi cát rộng mịn màng bên một dòng suối, bên bờ từng đàn nai, hươu, tê giác nhởn nhơ gặm cỏ non, xa xa là bầy công đang xòe đuôi nhảy múa, chim, bướm cũng thi nhau bay lượn, các loài hoa thì đua nhau khoe sắc như ngày hội của núi rừng. Nhìn khung cảnh thật là thần tiên thơ mộng, hòa quyện trong thanh bình…

Địa danh Cát Tiên hình thành từ đấy. Cát Tiên có nghĩa là nơi cư ngụ của các vị thần và các nàng tiên.

Nguyễn Đình Quốc Việt (Sưu tầm)

Riêng ở Vườn quốc gia Cát Tiên thời gian gần đây đã nhân giống thành công được 50 loài, trong đó khảo nghiệm giống được 20 loài với nhiều loài quý, như các loại nấm: bạch hương, hoàng chi cát tiên, mộc nhĩ lưới, linh chi đỏ, linh chi đen, ngân nhĩ, đùi gà... Năm 2009, các nhà khoa học Đức, Nga và Việt Nam công bố loài thằn lằn chân ngón mới, đặt tên là Thằn lằn ngón Cát Tiên (Cyrtodactylus cattienensis Geissler) theo địa điểm thu được mẫu chuẩn đầu tiên ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Đặc biệt năm 2011, tạp chí của WWF thông tin việc phát hiện loài rắn lục mắt hồng ngọc (Trimeresurus rubeus) được phát hiện ở Vườn quốc gia Cát Tiên. Loại rắn này thường sống trên cây, nhưng cũng thích cư trú trong các vạt nước có cỏ, chúng thường ăn ếch, nhái.

Ngày 4-8-2005, khu hệ đất ngập nước Bàu Sấu được công nhận là vùng đất ngập nước Ramsar. Ngày 10-11-2001, Vườn quốc gia Cát Tiên được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới. Ngày 27-9-2012, Vườn quốc gia Cát Tiên được Chính phủ công nhận là khu di tích quốc gia đặc biệt. Hiện nay, Vườn quốc gia Cát Tiên đang lập hồ sơ trình UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

Rừng nguyên sinh Cát Tiên.
Rừng nguyên sinh Cát Tiên.
 Bàu Sấu ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
Bàu Sấu ở Vườn quốc gia Cát Tiên.
Các nhà khoa học đến nghiên cứu tại Vườn quốc gia Cát Tiên.
Các nhà khoa học đến nghiên cứu tại Vườn quốc gia Cát Tiên.

 Hữu Khánh

Tin xem nhiều