Báo Đồng Nai điện tử
En

Rắn - sắc màu của bóng đêm

03:02, 05/02/2013

Với hơn 200 loài rắn đã được tìm thấy và công bố ở Việt Nam, trong đó gồm 22 loài rắn biển và 184 loài rắn sống trên đất liền đã cho thấy sự đa dạng không chỉ về số lượng mà còn chủng loại rắn phân bố khắp nơi ở Việt Nam.

Với hơn 200 loài rắn đã được tìm thấy và công bố ở Việt Nam, trong đó gồm 22 loài rắn biển và 184 loài rắn sống trên đất liền đã cho thấy sự đa dạng không chỉ về số lượng mà còn chủng loại rắn phân bố khắp nơi ở Việt Nam.

Rắn được xem như là loài động vật độc ác, quỷ quyệt và chết chóc đối với con người. Nhưng trong y học, con rắn quấn quanh cây gậy tượng trưng cho sự khôn ngoan, khả năng chữa trị bệnh và kéo dài tuổi thọ. Trong biểu tượng của ngành dược học cũng sử dụng con rắn nhưng nó quấn quanh một cái ly có chân cao. Chiếc ly tượng trưng cho chén thuốc của nữ thần sức khỏe Hygia, bên trong có chứa chất dịch được chiếc xuất từ các loại cây cỏ. Con rắn tượng trưng cho sức khỏe và sự trẻ trung. Đối với các nhà nghiên cứu bò sát loài rắn không chỉ là vẻ đẹp bên ngoài, là đối tượng nghiên cứu để phân loại, tìm kiếm, phát hiện ra những loài mới cho khoa học, mà nó còn là mắt xích sinh học cực kỳ quan trọng, đóng một vai trò cân bằng sinh thái trong hệ sinh thái của chúng ta. Thực tế cho thấy, các loài rắn ở Việt Nam chỉ có khoảng trên dưới 30 loài có nọc độc chết người, sống trên đất liền và 22 loài rắn biển. Số còn lại không phải là loài rắn độc hoặc ít độc đối với con người.

Nhân dịp năm con rắn (Quý Tỵ), Báo xuân Đồng Nai xin giới thiệu một số loài rắn có màu sắc ấn tượng được ghi lại trong thiên nhiên hoang dã ở Việt Nam. Qua đó nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học đối với thiên nhiên Việt Nam.

1. Rắn sọc đốm đỏ Oreocryptophis porphyraceus

Được xem như một trong những loài rắn có sắc màu rực rỡ nhất ở Việt Nam và cũng là loài sống ở những nơi gần với nóc nhà của chúng ta. Loài này thường kiếm ăn ở bìa rừng dọc theo các con suối thuộc vùng núi cao. Thích hoạt động vào sáng sớm hoặc hoàng hôn. Thức ăn chủ yếu là các loài lưỡng cư và thú gặm nhấm nhỏ. Đẻ khoảng 2 - 7 trứng. Trứng thuôn dài có vỏ dai màu trắng. Chính vì vẻ đẹp rực rỡ của chúng và hoàn toàn vô hại với con người đã khiến chúng bị săn đuổi ráo riết để buôn bán và nuôi làm cảnh. Hiện nay loài này đã được đưa vào Sách đỏ Việt Nam.

 2. Rắn lục miền Nam Viridovipera vogeli

Được xem là một trong những kẻ săn đêm siêu phàm và khôn ngoan nhất trong các loài rắn. Trong bóng đêm mịt mùng của các cánh rừng mưa nhiệt đới, loài rắn lục miền Nam này dùng khả năng cảm nhiệt trong đêm tối để bắt các con mồi. Nó tìm kiếm một gốc cây nhỏ cuộn tròn vào các cành cây nằm gần sát mặt đất và kiên nhẫn chờ đợi con mồi đi ngang qua. Chỉ với một cú đớp, những chiếc răng sắc nhọn của nó sẽ khiến con mồi không có cơ hội thoát thân. Đây là loài rắn độc và rất nguy hiểm không chỉ đối với con người mà ngay cả một con nai rừng.

3. Rắn lục núi Ovophis monticola

Là một loài rắn cực độc đối với các loài động vật máu nóng, nhưng kẻ mù màu này lại tỏ ra hết sức khờ khạo dưới ánh sáng ban ngày nên chúng ta rất khó có cơ hội gặp chúng. Lẩn trốn ban ngày và kiếm ăn ban đêm nơi các vũng nước nhỏ đọng trong các khu rừng thường xanh là phương cách tồn tại hữu hiệu nhất mà tổ tiên của chúng đã truyền lại. Với nhiều màu sắc thay đổi khác nhau theo từng sinh cảnh sống ở các khu vực có độ cao trên 800m. Nhưng những vệt vảy đen trên đỉnh đầu của nó rất khó để nhầm lẫn với bất cứ loài nào thuộc giống Oviphis ở Việt Nam.

4. Rắn hổ mây gờ Pareas carinatus

Ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, khi nhiệt độ ban đêm giảm xuống, cơ thể con người đã bắt đầu cảm nhận được cái lạnh của màn sương đêm buông xuống, thì cũng là lúc loài này bò ra khỏi hang nơi nó lẩn trốn ban ngày đi kiếm ăn. Những loài ếch cây Rhacophorus và các loài nhái nhỏ sẽ là những miếng mồi ngon lành của nó. Loài này rất ít gặp ban ngày nhưng rất dễ nhận diện loài rắn không độc này trong đêm với lớp vảy màu nâu nhạt, lớp vảy nằm sát phần bụng có màu nâu đậm, viền mắt ngoài màu đỏ rực khi ánh đèn phản chiếu trong đêm tối. Là loài rắn có kích thước nhỏ, nhút nhát, phân bố rộng nhưng số lượng cá thể của loài này không còn nhiều trong tự nhiên.

5. Rắn rào ngọc bích Boiga jaspidea

Được xem là nữ hoàng sắc đẹp của các loài rắn do những màu sắc, hoa văn trên cơ thể của nó được tạo hóa trang điểm hết sức hài hoà. Trong bóng đêm sự phản chiếu của các lớp vảy màu bởi ánh đèn flash càng làm nó nổi bật. Mặc dù là loài rắn không độc, nhưng nó có khả năng bắt trước một số loài rắn độc khi bị đe dọa bằng cách phình to phần đầu ra để hù dọa kẻ thù và phát ra những âm thanh đe dọa để tìm cách lẩn trốn.

 6. Rắn cườm Chrysopelea ornata

Loài rắn nhỏ có chiều dài khoảng 130cm này đầu màu xanh lục có vệt màu đen; cằm và phía trên mép màu ngà voi. Thân màu vàng xanh lục nhạt. Mỗi vảy thân trơn bóng có viền đen, vài vảy đen hoàn toàn, tạo thành vạch ngang. Bụng màu xanh lục với các chấm tròn đen kế mỗi vết khía hình V. Loài rắn nhỏ bé và nhút nhát này thường dùng chiêu thức lẩn trốn “tẩu vi thượng sách” khi gặp kẻ thù, đây có lẽ là phương pháp hữu hiệu nhất của chúng vì “biết mình sức yếu”. Là loài hoạt động, kiếm ăn ban ngày, thức ăn chính được biết đến chỉ là các loài thằn lằn nhỏ lẩn trốn trong các thảm mục thực vật. Đôi khi chúng mò vào tận các ngôi nhà hoang hay những ngôi nhà nằm sát bìa rừng để bắt những con thạch sùng nhà Hemidactylus. Thỉnh thoảng chúng ta cũng có cơ hội nhìn thấy nó gồng mình thị uy một cách mạnh mẽ khi gặp kẻ yếu hơn mình.

7. Rắn lục mắt đỏ Trimeresurus stejneger

Chậm chạp, lặng lẽ trong bóng đêm mịt mùng các khu rừng thường xanh nhưng chỉ một cú đớp của loài rắn độc này cũng có thể giết chết bất cứ loài động vật nào lớn hơn nó gấp nhiều lần. Nọc độc của nó sẽ tấn công các tế bào trong cơ thể gây phù nề, hoại tử nếu không kịp chữa trị và nếu như bạn không hiểu về tập tính, cách tấn công của nó thì đừng có dại dột mà để ống kính chụp hình cách nó 2m trừ khi bạn không muốn nhìn thấy mặt trời vào ngày hôm sau.

8. Rắn hổ đất nâu Psammodynastes pulverulentus

Đầu hình tam giác rõ rệt và do đó loài hổ đất nâu này thường bị nhầm lẫn với các loài rắn có nọc độc khác, tuy nhiên nó là loài rắn hoàn toàn vô hại. Với một đường nổi chạy dài từ mắt đến miệng, mắt to, đồng tử đứng. Thân hình trụ, vảy trơn láng. Màu nền là nâu hay đỏ nhạt, phần bụng nâu nhạt hoặc hồng chúng rất dễ nhận diện trong tự nhiên tuy hoa văn thường hay biến đổi theo sinh cảnh sống cho phù hợp với việc săn mồi và lẩn trốn kẻ thù tự nhiên. Thức ăn chủ yếu là thằn lằn và ếch và chúng săn mồi cả ngày lẫn đêm. Mỗi lứa đẻ từ 5-10 con, rắn con dài 15-18cm trông giống rắn trưởng thành. Loài này phân bố trên khắp vùng Đông Nam châu Á sang Nepal, Đài Loan và Philippines.

9. Rắn lục mắt đỏ Rhabdophis subminiatus

Rực rỡ sắc màu ở phần đầu và cổ không chỉ trang điểm thêm cho vẻ đẹp gợi tình của các chàng rắn trong mùa giao phối nhằm thu hút bạn tình mà còn giúp nó đe dọa kẻ thù vì những màu sắc “chết chóc” này. Có thể chúng vô hại với con người và một số loài động vật máu nóng khác nhưng chúng là ác mộng với các loài máu lạnh lưỡng cư trong các khu rừng. Loài này thường phân bố ở độ cao thấp và bóng đêm luôn đồng hành với nó trong việc tìm kiếm thức ăn và tìm bạn tình trong mùa giao phối. Mới đây, các nhà khoa học phát hiện ra loài này có độc được tích lũy trong cơ thể khi chúng ăn những loài có độc.

 10. Rắn lệch đầu kinh tuyến Dinodon meridionale

Chiếc lưỡi thò ra, thụt vào của hầu hết các loài rắn không chỉ nhằm mục đích đe dọa kẻ thù mà còn giúp chúng đánh hơi được con mồi, vì hầu hết các loài rắn đều là những kẻ cận thị nặng, nhất là trong đêm tối mịt mùng. và để tấn công con mồi hay tự vệ bản năng của loài rắn được di chuyển bằng cách co mình lại và phóng nhanh, mạnh ra phía trước để đớp con mồi. Dinodon meridionale cũng vậy, nó được xem là ông vua của tốc độ khi nó “xuất chiêu” một cách khó lường.

 

11. Rắn sọc quan Elaphe mandarina

Tạo hóa đã ban tặng cho loài rắn sọc quan này một sắc màu và những hoa văn đẹp nhất trong họ hàng nhà rắn ở nước ta. Loài rắn không nọc độc này có đầu không phân biệt rõ với cổ. Lưng màu hồng điều, chính giữa cổ và lưng có một dãy hình quả trám màu đen, ở giữa có vết màu vàng nằm ngang. Có một vết màu xám đen chạy ngang qua miệng, một vết thứ hai chạy ngang đỉnh đầu qua hai mắt, một vết thứ ba làm thành hình L ở gáy. Bụng màu vàng có những vết to màu xám đen nằm ngang so le với nhau. Sống ở trong rừng bên bờ suối hoặc trong bãi cỏ trên đồi, núi, ăn chủ yếu thằn lằn. Đẻ khoảng 5 - 10 trứng. Trứng thuôn dài có vỏ dai màu trắng. Vì màu sắc rực rỡ khiến chúng bị khai thác, săn bắt đến cạn kiệt phục vụ cho nhu cầu nuôi cảnh và xuất khẩu. Hiện nay loài này đã được đưa vào sách đỏ nhằm bảo vệ sự tồn tại của chúng trong hoang dã.

12. Rắn hổ xiên mắt Pseudoxenodon macrops

Kẻ ngụy trang và lừa đảo nhất trong các loài rắn ở  Việt Nam. Rắn hổ xiên mắt khi bị đe dọa, loài rắn vô hại này ngóc đầu lên và phình cổ ra để bắt chước dáng vẻ của rắn hổ mang bành Naja naja hù dọa kẻ thù. Đầu rắn khác biệt, mắt to với đồng tử tròn. Thân hình trụ có vảy gồ lên. Có một vạch màu đen trên cổ hình chữ V và đỉnh ở về phía đầu. Đâu và thân màu nâu chuyển sang xám. Có những đốm tròn màu vàng nhạt hoặc đỏ nhạt dọc theo mép bụng và các đốm tròn đen hai bên thân. Rắn hổ xiên mắt thường sống ở trong rừng rậm gần các dòng suối và ở độ cao khoảng 150 - 200m so với mực nước biển. Thức ăn chủ yếu của loài này là ếch, nhái. Mỗi lứa đẻ khoảng 10 trứng.

Phùng Mỹ Trung  - Lê Anh Tuấn

Tin xem nhiều