Báo Đồng Nai điện tử
En

Những ngày hội cải lương trên đất Đồng Nai

03:02, 05/02/2013

Năm 2012, nhắc đến những sự kiện văn hóa - nghệ thuật quan trọng của tỉnh Đồng Nai, ắt hẳn không thể không nhắc đến Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra từ ngày 20-10 đến 3-11-2012 tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai.

Năm 2012, nhắc đến những sự kiện văn hóa - nghệ thuật quan trọng của tỉnh Đồng Nai, ắt hẳn không thể không nhắc đến Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra từ ngày 20-10 đến 3-11-2012 tại Trung tâm hội nghị và tổ chức sự kiện tỉnh Đồng Nai.

Ảnh: CẦM THY
 

Trong gần nửa tháng được xem như mùa hội của làng cải lương cả nước, khán giả đã được xem 27 vở diễn của 22 đơn vị nghệ thuật. Có thể nói, đất và người Đồng Nai đã có cơ hội nhìn lại tình hình hoạt động sân khấu cải lương ra sao trong mấy năm qua…

* Mỏi mắt tìm kịch bản cải lương

Không phải đến liên hoan năm nay người ta mới kêu gào về việc thiếu kịch bản cải lương. Thời bây giờ tìm được kịch bản cải lương đã khó mà tìm được kịch bản cải lương hay còn nan giải hơn. Bởi vậy, không khó hiểu khi có đến gần 90% vở diễn tham gia liên hoan phải đi mượn từ kịch nói về chuyển thể sang cải lương. Có thể kể ra như: Tiếng vạc sành (Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang), Dòng nhớ (Đoàn cải lương nhân dân Kiên Giang), Nói dối là trọng tội (Đoàn nghệ thuật Tây Ninh), Khi hoa nở trái mùa (Nhà hát cải lương Hà Nội), Vú cát (Nhà hát cải lương Việt Nam)...

Soạn giả Hoàng Song Việt từng tâm sự: Bây giờ khó có ai bền lòng với chuyện soạn tuồng cải lương. Bởi tác giả ở lĩnh vực này phải thực sự am hiểu cải lương, để viết được một kịch bản hoàn chỉnh, nhọc công mất sức rất nhiều. Viết ra rồi thì ai sẽ mua? Bán đứt kịch bản thì chẳng bao nhiêu tiền mà lấy phần trăm theo suất diễn thì thử hỏi một vở cải lương mới hiện nay diễn được bao nhiêu suất? Vì vậy, soạn giả cải lương giờ chuyển sang viết kịch nói, kịch bản phim gần hết.

Kịch bản được xem là khâu đầu tiên, quan trọng nhất của một vở cải lương. Là chất “bột” đầu tiên để “gột nên hồ”. Nhưng không phải thấy của người ta hay mà mình cứ mượn về chuyển thể rồi sẽ hay theo. Vì cải lương có những đặc trưng riêng. Vậy nên có trường hợp như vở Cơn hồng thủy (kịch bản: nhà giáo ưu tú Nguyễn Văn Phúc; chuyển thể cải lương: Võ Tử Uyên; đạo diễn: Nguyên Đạt) của Câu lạc bộ sân khấu xã hội hóa Sen Việt được đầu tư, chăm chút với nhiều thể nghiệm mới nhưng cuối cùng cũng không nhận được sự đánh giá cao của Ban giám khảo vì bị cho rằng ngay từ đầu ê-kíp đã lựa chọn một kịch bản không phù hợp với cải lương, không mang được chất của cải lương.

Thật buồn khi chứng kiến nghệ thuật cải lương đang phải sống trong cảnh nương náu tạm bợ như thế. Để cải thiện tình trạng này, các hội sân khấu từ trung ương đến địa phương cũng đang nỗ lực tổ chức các trại sáng tác. Nhưng cho đến nay gần như chưa tìm ra được kịch bản mới xuất sắc. Do khâu tổ chức của chúng ta chưa hiệu quả hay soạn giả cải lương đang quá thờ ơ?

* Phải chuyển động từ dàn dựng đến biểu diễn...

Liên hoan năm nay có vẻ ra đề bài khó khi yêu cầu các đoàn phải dàn dựng những vở diễn đề tài đương đại, mang hơi thở cuộc sống.

Vở Tiếng vạc sành của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đoạt huy chương bạc.
Vở Tiếng vạc sành của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đoạt huy chương bạc.

Nhiều đoàn tỏ ra lúng túng trong cách dàn dựng, thắt mở xoay trở các tình huống một cách chậm chạp. Rốt cuộc, kịch tính trở nên nửa vời, thiếu quyết liệt không thuyết phục người xem. Trong khi đó có những vở ham chạy theo cao trào mà quên mất chất tự sự, trữ tình của cải lương, diễn viên thoại, hành động liên tục mà quên... hát! Rõ ràng, dàn dựng một vở cải lương mang đề tài đương đại đòi hỏi người đạo diễn phải hết sức bản lĩnh. Đạo diễn phải phối hợp chặt chẽ với soạn giả để đặt bài ca, vọng cổ trong một câu chuyện hiện đại sao cho hợp lý, hợp tình. Phải có khả năng phát huy nét tinh túy, đặc sắc của cải lương trong một tiết tấu vở diễn phù hợp với tính cách và cái nhìn của công chúng thời nay, đặc biệt là giới trẻ.

Thói quen biểu diễn của một số nghệ sĩ cải lương cũng là điều đáng bàn. Nhiều nghệ sĩ vẫn còn lẫn lộn giữa diễn tuồng cổ và tuồng  hiện đại. Thoại quá điệu đàng và rề rà, hoặc giả là ồn ào quá mức theo kiểu khóc lóc thảm thiết mà không xuất phát từ nội tâm. Nhiều diễn viên vẫn còn mắc lỗi trang điểm quá đậm với trang phục lòe loẹt, diêm dúa. Tất cả những sự cường điệu thiếu tiết chế đó đã làm vai diễn thiếu chân thực và trở nên... hài hước, thậm chí là xa lạ trong mắt những khán giả hiện đại.

Vở Vượt qua tâm bão của Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai đoạt huy chương vàng.
Vở Vượt qua tâm bão của Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai đoạt huy chương vàng.

Cũng phản ánh những vấn đề gai góc trong xã hội, như: ma túy, mại dâm, chuyện bán đất đai... nhưng Mê cung (tác giả: Hoàng Song Việt - Triệu Trung Kiên; đạo diễn: NSƯT Triệu Trung Kiên) của Nhà hát cải lương Việt Nam và Tiếng vạc sành (tác giả: Trung Dân; chuyển thể: Hoàng Song Việt; đạo diễn: Quốc Kiệt)  của Nhà hát Trần Hữu Trang là hai trong số những vở diễn chiếm được cảm tình của người xem bởi cách phản ánh hiện thực rất quyết liệt nhưng hài hòa trong chất tự sự đầy suy gẫm của nghệ thuật cải lương. Điều đó có được từ ý thức làm cải lương bắt kịp nhịp sống hiện đại, phối hợp khá đồng bộ từ tác giả - đạo diễn đến diễn viên.

Nhưng những vở cải lương như thế trong hội diễn vẫn chưa nhiều. Và chưa chắc những nghệ sĩ quen làm cải lương theo kiểu cũ sẽ tâm phục với những sáng tạo đó. Vậy là vẫn còn những băn khoăn, trăn trở để tìm một lối đi cho cải lương trong cuộc sống hiện đại... Nếu không có một ai đó đủ bản lĩnh để làm cuộc thay đổi, sàn diễn cải lương vẫn sẽ mãi bế tắc trong cái vòng lẩn quẩn!

* Tấm chân tình của người Đồng Nai

Liên hoan sân khấu cải lương chỉ diễn ra sau Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc tại Huế vài tháng, nhưng hình ảnh về những buổi diễn vắng hoe khán giả có lẽ cũng khiến ban tổ chức không an lòng.

Thật bất ngờ khi từ ngày khai mạc đến bế mạc liên hoan, khán giả lúc nào cũng ủng hộ nhiệt tình bất kể suất ban ngày (9 giờ) hay suất tối (19 giờ 30). Trung bình khán giả đạt từ nửa rạp trở lên, vào những suất thi diễn có các ngôi sao cải lương thành phố, ai vào trễ không có chỗ ngồi hoặc phải kê thêm ghế phụ.

Vở Sám hối của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.
Vở Sám hối của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang.

Khán giả rất quan trọng để tạo sự hứng khởi và tiếp thêm lửa cho người nghệ sĩ trên sân khấu. Về mặt tổ chức thì người xem đông cũng tạo không khí xôm tụ cho liên hoan.

Công đầu phải kể đến là ban tổ chức địa phương của tỉnh Đồng Nai. Tỉnh đã có những hoạt động tuyên truyền khá tốt để người dân biết được thông tin và tìm đến liên hoan. Nhưng điều quan trọng và ý nghĩa hơn cả là tình cảm yêu mến cải lương của khán giả Đồng Nai. Có lẽ những ai đến với liên hoan đều là những người thực sự yêu cải lương. Họ lặng lẽ đến sớm để “xí” được ghế ngồi đẹp, theo dõi từng lời ca, nét diễn của các nghệ sĩ bằng sự say mê, trân trọng. Lúc nghệ sĩ diễn hay thì vỗ tay nhiệt tình, lúc xúc động thì lấy tay chùi nước mắt. Không thấy sự nháo nhào, lộn xộn theo cái cách mà một số fan nghệ sĩ thiếu ý thức hay thể hiện.

Khán giả Đồng Nai hết sức nhiệt tình ủng hộ các vở diễn tham dự liên hoan.
Khán giả Đồng Nai hết sức nhiệt tình ủng hộ các vở diễn tham dự liên hoan.

Chị Hiền - nhà ở Vũng Tàu, vào chăm chồng đang công tác ở Đồng Nai, tình cờ xem được một suất diễn từ liên hoan, vậy là về xin phép cho “lơ là” chồng mỗi ngày hai suất sáng, tối để coi cải lương. Bác Thanh - cán bộ hưu trí được con chở đi xem một suất, vậy là mê luôn, những lần sau lại tiếp tục bắt xe buýt đến rạp. Chú Hòa, bán vé số dạo gần nơi tổ chức Liên hoan, vì ghiền coi hát nên trong mùa liên hoan phải lấy ít vé số lại để có thời gian coi cải lương. Trước suất diễn, chú tranh thủ đi vòng vòng các hàng ghế khán giả để bán được vé nào hay vé ấy...

Tất cả những tình cảm hồn hậu đó không chỉ tạo nên hình ảnh đẹp, hiếu khách của đất và người Đồng Nai mà còn tiếp thêm cho những nghệ sĩ chân chính niềm tin nếu luôn tìm tòi, sáng tạo và làm nghề một cách nghiêm túc thì vẫn còn rất nhiều khán giả yêu mến cải lương lẩn khuất đâu đó trong cuộc sống tìm về và ủng hộ để sàn diễn cải lương có thêm sức sống, để nghệ sĩ có cơ hội ca diễn trong dòng suối yêu thương của công chúng!

Cầm Thy

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều