Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm Tỵ kể chuyện nuôi rắn

03:02, 05/02/2013

Mấy năm gần đây, nghề nuôi rắn ở Đồng Nai khá phát triển. Theo ông Lê Viết Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 10 trại nuôi rắn, những trại nuôi rắn có quy mô lớn tập trung ở huyện Xuân Lộc.

Mấy năm gần đây, nghề nuôi rắn ở Đồng Nai khá phát triển. Theo ông Lê Viết Dũng, Phó chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 10 trại nuôi rắn, những trại nuôi rắn có quy mô lớn tập trung ở huyện Xuân Lộc.

Hiện nay, loại rắn được nuôi nhiều trong tỉnh là: hổ trâu, rắn ráo, ri voi, hổ mang, hổ đất. Trong số đó, hổ mang, hổ đất là hai loại khá dữ dằn, có nọc rất độc. Vì vậy, người nuôi phải thật cẩn thận mới tránh được cảnh sinh nghề, tử nghiệp.

* Dồn cả gia tài vào rắn

Chúng tôi tìm đến trại nuôi rắn của anh Nguyễn Văn Hải ở ấp Suối Cát 1, xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) vào giữa trưa thế nhưng anh Hải vẫn còn mê mải dọn dẹp và cho rắn ăn. Thấy có khách đến, anh Hải mới ngừng tay và phân bua: “Dịp này rắn đang sinh sản với số lượng lớn, tôi phải tranh thủ làm cả buổi trưa mới kịp. Nghề này không thể thuê thêm thợ nên vợ chồng tôi phải thay nhau làm cho xong”.

Anh Nguyễn Lê Đức ở ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) kiểm tra trứng rắn đang ấp.
Anh Nguyễn Lê Đức ở ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) kiểm tra trứng rắn đang ấp. (Ảnh: K.Minh)

Hiện trại rắn của anh Hải có khoảng 4 ngàn con. Trong đó, nhiều nhất là rắn hổ trâu, hổ mang và rắn ráo. Công việc chăm sóc rắn nguy hiểm và đòi hỏi khá công phu nên người nuôi phải có kinh nghiệm và có máu lì mới dám làm. Chính vì thế, nghề này rất khó thuê thợ phụ. Ngoài ra, rắn tuy là động vật hoang dã, dễ sống nhưng khi đã nuôi theo hình thức trang trại nếu không chăm sóc, theo dõi kỹ dễ bị bệnh. Do đó, dù đã mở trang trại nuôi rắn hơn 2 năm và có tổng đàn tương đối lớn nhưng vợ chồng anh Hải vẫn tự mình làm không thuê thêm thợ.

Dẫn chúng tôi đi thăm các chuồng nuôi rắn, anh kể vanh vách đặc điểm của từng loài. Rắn hổ trâu, rắn ráo bản tính rất lành và không có nọc độc. Loại rắn này sau một thời gian chăm sóc chúng quen hơi người, có thể bám leo lên người. Để chứng minh cho lời mình, anh Hải cầm con rắn hổ trâu dài hơn 1m, nặng chừng 2 kg lên, con rắn cuốn lấy tay anh và vươn đầu lên thở phì phì vào cổ anh rồi trườn xuống. Trái lại, hổ mang và hổ đất khá dữ. Bị loại rắn này mổ nếu không cấp cứu kịp thời sẽ mất mạng. Hai loại rắn này phải nuôi biệt lập và khi chăm sóc chúng phải thật cẩn thận mới tránh được nguy hiểm.  Anh Hải cho biết: “Dù có kinh nghiệm nuôi rắn và phòng bị rất kỹ, nhưng vào đầu năm 2012 tôi vẫn bị một con rắn hổ mang cắn khi dọn chuồng. Hôm đó, may gia đình chuyển tôi về Bệnh viện Chợ Rẫy kịp thời mới thoát nạn”.

Nuôi rắn đòi hỏi vốn đầu tư nhiều và để có trại rắn quy mô lớn như hiện nay, anh Hải dồn cả gia tài vài tỷ đồng vào đó. Riêng tiền thức ăn cho rắn mỗi tháng hết khoảng 30 triệu đồng. Rắn nuôi sau 1 năm mới xuất chuồng, chăm sóc tốt đạt khoảng 2 kg/con, trừ chi phí còn lời 200-250 ngàn đồng/con. Cũng có thời điểm giá rắn tăng cao, anh Hải lời gần 1 triệu đồng/con.

* Dời nhà vào rẫy vì rắn

Dù đã có nhà và cửa hàng kinh doanh tương đối tốt ngay mặt tiền đường quốc lộ 1, nhưng vì mê nghề nuôi rắn nên anh Nguyễn Lê Đức đã cùng vợ dời vào tận trong rẫy sâu để ở. Hơn 4 năm trước, vợ chồng anh Đức gửi con lại cho ông bà nội để vào rẫy tại ấp Suối Cát 2, xã Suối Cát xây trại để nuôi rắn, cho dù bạn bè ai cũng cản. Bởi thời buổi này, đa số tìm cách ra mặt đường và khu trung tâm để sống, chỉ có vợ chồng anh làm ngược lại.

Anh Nguyễn Văn Hải ở ấp Suối Cát 1, xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) trong trại rắn hổ trâu.
Anh Nguyễn Văn Hải ở ấp Suối Cát 1, xã Suối Cát (huyện Xuân Lộc) trong trại rắn hổ trâu. (Ảnh: K.Minh)

Bỏ ngoài tai tất cả lời can gián của bạn bè, anh quyết tâm cùng vợ vào rẫy dựng trại nuôi rắn. Sau khi xây xong trại, vốn liếng của anh chỉ đủ mua 100 con rắn hổ trâu để nuôi. Lúc đó, nghề nuôi rắn trong tỉnh còn rất ít, kinh nghiệm lại không có nên nhiều phen anh Đức tưởng trắng tay. Nghề dạy nghề, tự mình tìm ra cách nuôi phù hợp. Mỗi tuần, anh Đức phải 2 lần lặn lội qua tận tỉnh Bình Thuận để mua cóc nhái về cho rắn ăn. Còn vào mùa khô cóc nhái ít, anh phải qua huyện Cẩm Mỹ hoặc tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu mua ếch làm mồi cho rắn . Hiện trại rắn của anh Đức có gần 1 ngàn con và anh tiếp tục mở rộng trại nuôi lên vài ngàn con. Anh Đức cho hay: “Mấy năm trước, rắn hổ trâu, hổ mang bán tại trại 800-900 ngàn đồng/kg, mỗi con rắn nuôi sau một năm tôi lời cả triệu đồng. Mấy tháng gần đây, giá rắn giảm còn hơn 500 ngàn đồng/kg, lợi nhuận chỉ bằng ¼ những năm trước”.

Anh Đức nói, do tính thích mạo hiểm nên mới chọn nghề nuôi rắn. Hiện nuôi rắn không còn lời như trước, nhưng vẫn sống được. Anh đang dự định tới đây sẽ tìm thêm một số loại rắn mới có giá trị cao để nuôi. Một số thương lái cho biết, rắn hổ trâu, hổ mang đa số được vận chuyển bán qua Trung Quốc. Thời gian gần đây, nhu cầu nhập khẩu rắn từ Trung Quốc giảm, khiến giá rắn trong nước hạ.

Khánh Minh

 

 

Tin xem nhiều