Báo Đồng Nai điện tử
En

Lộc Xuân!

03:02, 05/02/2013

Một sáng cuối năm 2012, theo chân PGS.TS Phạm Văn Sáng, chúng tôi có một chuyến đi thực tế lội bộ ra trò trên vùng đồi chói chang nắng và lộng gió của Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (UCS) do Sở Khoa học - công nghệ (KH&CN) quản lý. Có trực tiếp chứng kiến mới thấy “đã mắt” ở một nơi mà phải sử dụng loại xe 2 cầu mới có thể “bò” lên được, không ít người ngao ngán thì nay đã có những “lộc xuân ” đầu tiên đang hé nở.

Một sáng cuối năm 2012, theo chân PGS.TS Phạm Văn Sáng, chúng tôi có một chuyến đi thực tế lội bộ ra trò trên vùng đồi chói chang nắng và lộng gió của Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai (UCS) do Sở Khoa học - công nghệ (KH&CN) quản lý. Có trực tiếp chứng kiến mới thấy “đã mắt” ở một nơi mà phải sử dụng loại xe 2 cầu mới có thể “bò” lên được, không ít người ngao ngán thì nay đã có những “lộc xuân ” đầu tiên đang hé nở.

    PGS. TS Phạm Văn Sáng (giữa) đang giới thiệu về Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học với đối tác đến từ Nhật Bản.
PGS. TS Phạm Văn Sáng (giữa) đang giới thiệu về Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học với đối tác đến từ Nhật Bản. (Ảnh: T.L)

Cuộc lội bộ “tận mục sở thị” kéo dài tới gần 2 giờ chiều, chúng tôi vừa mệt vừa đói bụng, vậy mà anh lái xe của sở vẫn phì cười nói: “Chưa ăn thua gì đâu. Tuần nào PGS.TS Sáng về đây cũng có bữa trưa phải là… 3 giờ chiều!“.

Gian nan vỡ đất

Cuối năm 2011, lãnh đạo một Hiệp hội doanh nghiệp của Nhật Bản đến thăm UCS (huyện Cẩm Mỹ). Khi trở về, ông đi xe theo tỉnh lộ 10 ra thị trấn Long Thành. Về Biên Hòa, câu đầu tiên ông thốt lên: “Đây là con đường khủng khiếp nhất từ bé đến giờ tôi mới đi qua!”. Tuy vậy, với con mắt chiến lược, vị lãnh đạo này đã đánh giá cao địa thế cũng như phương án phát triển của UCS. 

Không chỉ ông lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản khiếp vía với con đường đi về trong những tháng ngày đầu tiên “vỡ đất” thành lập UCS , mà ngay cả nông dân thứ thiệt ở đây cũng phải ngao ngán. Ông Nguyễn Văn Lộc, nông dân chính hiệu ở xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh, hiện là chủ Doanh nghiệp Ca cao Nguyên Lộc đang thực hiện mô hình trồng ca cao dưới tán điều và tán rừng ở đây, kể: “Tháng 8-2011, tôi vô tới đây nhìn thấy khu đất này ngao ngán lắm. Cỏ Mỹ, mắc cỡ cao ngang mặt. Đã vậy lại không có đường đi, cứ phải len theo lối lô cao su cũ, mùa mưa biến vùng đất đỏ này nhão nhẹt, rất trơn trợt, sơ sẩy là trợt chân té ”. 

PGS. TS Phạm Văn Sáng cùng các cộng sự kỹ sư nông nghiệp Lê Thùy Trang và ThS. Võ Thanh Phụng trong vườn ươm giống lan Mokara.
PGS. TS Phạm Văn Sáng cùng các cộng sự kỹ sư nông nghiệp Lê Thùy Trang và ThS. Võ Thanh Phụng trong vườn ươm giống lan Mokara. (Ảnh: X.Phú)

Nay thì đã khác, khu đất 5 hécta của ông Lộc trồng cây đã rõ hình hài, bắt đầu có những nguồn thu đầu tiên. Để trồng được ca cao giữa vùng nắng gió gay gắt này, ông trồng chuối (loại chuối nuôi cấy mô do Trung tâm Công nghệ sinh học của Sở KH&CN cung cấp) vừa che mát cho ca cao vừa sớm có thu nhập, đó là cách làm nông nghiệp lấy ngắn nuôi dài. Chỉ hơn một năm sau, cuối năm 2012 tiền bán chuối thu được trên 40 triệu đồng và chuẩn bị bán chuối đợt hai khoảng 70 triệu đồng. Đến mùa khô năm 2013 thì vườn ca cao cũng bắt đầu cho trái. Theo tính toán của ông Lộc, tổng vốn đầu tư vào đây lên tới 700 triệu đồng, cứ đà này thì khoảng 3 năm sau sẽ thu hồi vốn.

PGS.TS Phạm Văn Sáng cho hay, mục tiêu phát triển nơi đây được chia thành 3 giai đoạn là: Tiếp thu (từ 2011 - 2015) - Phát triển (2015 - 2020) và Sáng tạo (sau 2020). “Giai đoạn từ 2015 - 2020, Trung tâm bắt buộc phải đưa các sản phẩm ra thị trường. Những mô hình ở đây được chuyển giao không phải cho nông dân nghèo mà là nông dân có điều kiện để làm giàu. Đến năm 2020 trở đi, đội ngũ cán bộ khoa học trẻ ở đây phải là những chuyên gia giỏi về nông nghiệp nhà màng, ca cao, hoa lan, cây ăn trái…”.

PGS.TS Phạm Văn Sáng , Giám đốc Sở KH&CN, giới thiệu đây là mô hình thực hiện theo kiểu công tư liên kết, đó là sự kết hợp giữa Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp.  UCS có chức năng tuyển chọn giống và hiện có 40 dòng ca cao được trồng khảo nghiệm để tuyển chọn ra những cây đầu dòng. Không chỉ vậy,  việc xây dựng mô hình phát triển kinh tế về cây ca cao sau này sẽ được chuyển giao cho nông dân nhân rộng làm ăn, làm giàu.

Lộc xuân hé nở

Chỉ mới khoảng 2 năm xây dựng trong điều kiện nguồn vốn đầu tư khó khăn, thiếu thốn nhưng UCS đã tạo ra những điểm nhấn bằng những mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ khá sinh động như những lộc xuân hé nở. Toàn bộ khu triền dốc men theo con suối Cả với địa hình khá phức tạp thuộc UCS đã được cho làm thí điểm nhiều mô hình. “Quan điểm đầu tư ở đây là những khu đất khó, đất xấu cho thực hiện các mô hình trước, còn lại vị trí đất đẹp nằm gần đường thì cứ để dành đấy để thu hút những dự án lớn sau này ”, PGS.TS Sáng nói.

ThS. Lê Quốc Vương, người từng được đào tạo về công nghệ cao  tại Israel, đang chăm sóc dưa lưới trong nhà màng.
ThS. Lê Quốc Vương, người từng được đào tạo về công nghệ cao tại Israel, đang chăm sóc dưa lưới trong nhà màng. (Ảnh: X.Phú)

Đứng giữa vườn cà phê ghép 2 năm tuổi rộng 4 hécta được xen canh hồ tiêu và măng cụt trải màu xanh mướt, thạc sĩ nông học Võ Thanh Phụng giới thiệu: “Khu vực này rất khó canh tác, vì là vùng đất dốc lại bạc màu và rất nhiều mối. Nếu xử lý đúng kỹ thuật,  cây cà phê vẫn phát triển tốt. Đất dốc phải dùng biện pháp tưới tiết kiệm vẫn đảm bảo độ ẩm mà không tốn công làm bồn. Trên mặt đất trồng thêm loại cỏ họ đậu vừa để giữ ẩm, chống xói mòn và có khả năng cải tạo đất”.

Không lẻ loi, đơn độc, bằng cách làm năng động, thông minh, UCS đã phối hợp với nhiều đối tác  lớn như: Trường đại học nông lâm TP. Hồ Chí Minh và Đại học khoa học tự nhiên TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm công nghệ sinh học TP. Hồ Chí Minh; Khu nông nghiệp công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm cây ăn quả miền Đông… để triển khai các mô hình nông nghiệp một cách bài bản. Đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng công nghệ khá đa dạng, như: sản xuất dưa lê, dưa leo trong nhà màng (3.000m2); lan Mokara cắt cành (5.000m2); sản xuất cà phê chồn (1.000m2); ứng dụng công nghệ cao cho cây thanh long (1 hécta); kỹ thuật tổng hợp cho cây bơ sáp (3 hécta); xoài xen chôm chôm (3 hécta); măng cụt xen trong vườn sầu riêng (6 hécta)…

Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học được xây dựng tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ với diện tích 226,8 héc ta. Trung tâm sẽ đáp ứng chức năng hạt nhân của một khu công nghệ cao chuyên ngành công nghệ sinh học và một đô thị khoa học trong tương lai, ứng dụng công nghệ sinh học hiện đại trong 3 lĩnh vực chính: Sản xuất công nghệ sinh học; sản xuất công nghiệp - công nghệ sinh học gắn với hoạt động nghiên cứu và triển khai; đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực công nghệ sinh học.

Đất lành chim đậu. Tuy mọi việc mới khởi đầu nhưng UCS cũng đã thu hút một số doanh nghiệp chuyên ngành công nghệ sinh học đến đầu tư, như: Công ty TNHH Việt Nông sử dụng 20 hécta đất đầu tư dự án “Trung tâm nghiên cứu giống cây trồng”; Công ty TNHH phát triển công nghệ nông nghiệp xanh đầu tư 20 hécta để “Sản xuất rau sạch phục vụ xuất khẩu”; Công ty cổ phần Thiên Địa Nhân đầu tư 4,5 hécta “Trồng và bảo tồn cây dược liệu” và hiện đã thử nghiệm xong một số cây dược liệu, như: vông vang, hoắc hương, mủ trôm, sâm bố chính…

Đất lành chim đậu

Không hiểu bằng cách nào, tại một vùng đất được xem là “khỉ ho cò gáy”, xa xôi và hẻo lánh, song  UCS vẫn có sức hấp dẫn các nhà khoa học trẻ đến đây,  quả là một điều kỳ diệu. Hiện UCS đã thu hút một đội ngũ cán bộ khoa học trẻ có trình độ cao, với 26 người thì có đến 12 thạc sĩ, 1 người đang là nghiên cứu sinh và 7 người khác đang học cao học…

Bác sĩ thú y Lê Thị Nga chăm sóc 16 cặp chồn đang nuôi dưỡng tại trung tâm để phục vụ cho nghiên cứu cà phê chồn.
Bác sĩ thú y Lê Thị Nga chăm sóc 16 cặp chồn đang nuôi dưỡng tại trung tâm để phục vụ cho nghiên cứu cà phê chồn. (Ảnh: K.Giới)

 Bác sĩ thú y Lê Thị Nga mới ngoài 20 tuổi nhưng đã bị mô hình nuôi chồn để sản xuất cà phê “mê hoặc” về đây. Bác sĩ Nga chia sẻ, sở dĩ chọn nơi này vì có mô hình khá mới có thể giúp mình đi tiếp trên con đường nghiên cứu khoa học sau này.

Cũng như bác sĩ Nga, ThS. Lê Quốc Vương, 32 tuổi, chuyên ngành bảo vệ thực vật, từng được đào tạo về công nghệ nông nghiệp cao tại Israel, đã làm việc nhiều nơi ở TP.Hồ Chí Minh cũng đầu quân về trung tâm. ThS. Vương đang phụ trách kỹ thuật về trồng dưa trong nhà màng. Anh tâm sự: “Nơi đây hiện tại còn khá khó khăn, nhưng về lâu dài sẽ là nơi nghiên cứu thực thụ cho lĩnh vực khoa học nông nghiệp và chắc chắn sẽ tạo ra những mô hình tốt để chuyển giao cho nông dân làm giàu”.

Nhiều thạc sĩ, kỹ sư nông học trẻ khác từ nhiều vùng, miền đất nước về đây mang đầy nhiệt huyết xây dựng, phát triển UCS xứng tầm vóc khu vực, như: ThS. nông học Võ Thanh Phụng, chuyên về cây ăn trái; kỹ sư nông học Nguyễn Hữu Thạch, chuyên về cây công nghiệp; kỹ sư nông học Lâm Thùy Trang, chuyên về hoa lan...  “Sẽ có những nhà khoa học trẻ ở UCS được vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng trong năm 2013”, PGS. TS Phạm Văn Sáng rất tự hào khi nói về điều này .

Xuân Phú - Khắc Giới

 

Tin xem nhiều