Báo Đồng Nai điện tử
En

Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình phải trở thành nề nếp trong sinh hoạt của cấp ủy, chi bộ

05:02, 05/02/2013

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, hầu hết các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết.

 

Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành.
Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, hầu hết các cấp ủy, tổ chức cơ sở Đảng, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần nghị quyết.

Đồng chí Trần Đình Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy cho biết: Việc Trung ương ban hành Nghị quyết Trung ương 4 “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách đang đặt ra đối với công tác xây dựng Đảng hiện nay. Trong các nhóm giải pháp để giải quyết những vấn đề cấp bách của công tác xây dựng Đảng, nhóm giải pháp về tự phê bình và phê bình, nêu cao tính tiền phong gương mẫu của cấp trên được Trung ương xác định là giải pháp quan trọng hàng đầu, căn bản, mấu chốt, là việc làm vừa cấp bách vừa lâu dài trong công tác xây dựng Đảng hiện nay, có ý nghĩa quyết định đến kết quả thực hiện Nghị quyết.

* Thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, vậy việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 đã được diễn ra như thế nào trên địa bàn tỉnh?

-  Quán triệt Nghị quyết Trung ương 4 và chỉ thị, kế hoạch của Bộ Chính trị, hướng dẫn của các ban đảng Trung ương về thực hiện nghị quyết, nhất là việc tiến hành kiểm điểm tự phê bình và phê bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với cấp ủy, tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên các cấp theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Trong đó xác định rõ mục đích, yêu cầu, phương châm, nội dung và phương pháp tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình lần này. Đồng thời chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng trong toàn Đảng bộ tỉnh xây dựng kế hoạch chặt chẽ để tổ chức triển khai thực hiện. Theo đó, công tác chuẩn bị và tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình đối với các cấp ủy, tổ chức Đảng từ tỉnh xuống cơ sở được chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ và khoa học, bám sát ba nội dung vấn đề cấp bách được nêu trong nghị quyết. Trong đó, để tiến hành kiểm điểm tập thể và cá nhân các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng đề cương kiểm điểm của tập thể và từng cá nhân, gửi lấy ý kiến và tiếp thu giải trình các ý kiến đóng góp một cách nghiêm túc. Đồng thời, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở phải xây dựng đề cương kiểm điểm của tập thể và cá nhân trước khi tổ chức lấy ý kiến góp ý.

Tính đến ngày 2-1-2013, đã có 81/81 cấp ủy, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc tỉnh; 951/954 tổ chức cơ sở Đảng và 2.909/3.168 chi bộ trực thuộc đã hoàn thành việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình. Việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình được thực hiện từ trên xuống dưới; tập thể kiểm điểm trước, cá nhân kiểm điểm sau. Tập thể và cán bộ, đảng viên nào có vấn đề nổi cộm thì cấp trên gợi ý kiểm điểm sâu các vấn đề đó. Tập thể và cá nhân được gợi ý có báo cáo giải trình và đã tập trung kiểm điểm làm rõ mức độ đúng, sai. Sau kiểm điểm, những vấn đề nào đã rõ thì kết luận ngay; những vấn đề nào chưa rõ thì giao cho cơ quan chức năng thẩm tra, xác minh và làm rõ trước khi cấp ủy kết luận.

Nhìn chung, kết quả bước đầu kiểm điểm tự phê bình và phê bình của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ tỉnh thời gian qua đảm bảo nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, đúng thực chất, không nể nang, né tránh… Qua kiểm điểm đã giúp cho các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên tự soi rọi lại mình, ý thức hơn trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

* Quyết tâm chính trị của Đảng bộ tỉnh trong việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình được thực hiện như thế nào, thưa đồng chí Bí thư Tỉnh ủy?

- Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng. Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh và căn cứ hướng dẫn của Trung ương về việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo, quán triệt thực hiện đúng phương châm, nguyên tắc trong tự phê bình và phê bình ở toàn Đảng bộ tỉnh. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình này không chỉ dừng lại ở các hội nghị, mà vấn đề quan trọng là hàng ngày, từng tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị và mỗi cán bộ, đảng viên phải tự soi rọi lại mình để thấy rõ hơn vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Luôn tạo được sự gắn bó, đoàn kết, thống nhất trong nội bộ để cùng nhau thực hiện tốt hơn nhiệm vụ chính trị được Đảng và nhân dân giao cho. Bên cạnh đó, vấn đề có ý nghĩa đặc biệt quan trọng của việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình là không chỉ thể hiện ở sự cầu thị trong quá trình kiểm điểm, trong việc sửa chữa, khắc phục yếu kém mà còn phải kiên quyết sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm đã được chỉ ra. Đây mới là kết quả và ý nghĩa thực chất của việc tiến hành kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4.

Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai Kế hoạch 69 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.
Hội nghị trực tuyến toàn tỉnh triển khai Kế hoạch 69 của Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết Trung ương 4.

Với tinh thần đó, sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình tập thể và cá nhân các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy , Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã xây dựng và ban hành Kế hoạch 89 về việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4. Trong đó xác định rõ lộ trình, thời gian và biện pháp sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm từ nay đến năm 2015. Đồng thời, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục khuyết điểm.

 Chú trọng kiểm tra, giám sát những lĩnh vực dễ xảy ra sai phạm, các cơ quan thường xuyên có quan hệ tiếp xúc với dân, với doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát cấp ủy viên cùng cấp, cán bộ thuộc diện cấp ủy cùng cấp quản lý, đảng viên là người đứng đầu, là cán bộ trong diện quy hoạch ở các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị, về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, tính tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, việc thực hiện những điều đảng viên không được làm; kiên quyết xử lý những trường hợp đảng viên, tổ chức Đảng sai phạm; chú trọng hơn nữa công tác giám sát việc khắc phục những sai phạm sau kết luận, kiểm tra và tự tiến hành kiểm tra, giám sát ở địa phương, đơn vị.

 Cùng với việc xây dựng kế hoạch sửa chữa, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm sau kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chủ trương đưa nội dung kiểm điểm, tự phê bình và phê bình trở thành nề nếp, thường xuyên trong sinh hoạt định kỳ của cấp ủy, ban thường vụ các cấp ủy và chi bộ trong toàn Đảng bộ tỉnh. Chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc khắc phục những hạn chế, khuyết điểm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là “người đứng đầu” trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Quyết tâm chính trị của toàn Đảng bộ tỉnh là phấn đấu đến hết năm 2013, khắc phục cơ bản và làm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Từ năm 2014 - 2015 và những năm tiếp theo, toàn Đảng bộ với tinh thần chủ động, tích cực để ngăn chặn có hiệu quả và đẩy lùi được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên; khắc phục rõ nét những hạn chế, yếu kém trong công tác xây dựng Đảng, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức Đảng, đội ngũ cán bộ, đảng viên, củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng bộ.

* Xin trân trọng cảm ơn đồng chí !

Phương Hằng (thực hiện)

LÒNG DÂN VỚI ĐẢNG

* Bác sĩ BÙI VĂN XỜ, Chủ tịch Hội y tế ngoài công lập, nguyên giám đốc Bệnh viện nhi đồng Đồng Nai: Không được che giấu khuyết điểm

Để cho Đảng trong sạch, vững mạnh, làm cho lòng tin của quần chúng nhân dân đối với Đảng tăng lên, tôi cho rằng, trước hết các cấp lãnh đạo phải thực sự gương mẫu, thực sự nghiêm khắc kiểm điểm bản thân trước chi bộ và trước quần chúng. Bao che, bao biện, ngụy biện che giấu khuyết điểm cho nhau không chỉ làm tổ chức Đảng đó yếu đi, mất tính chiến đấu, đảng viên mất nhiệt huyết, thiếu gắn bó với Đảng… mà còn làm gương xấu đối với quần chúng. Cho nên, để xây dựng tổ chức Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh thì trước hết, từ đảng viên bình thường đến lãnh đạo cấp cao phải biết tự phê bình và phê bình, lắng nghe và tiếp thu phê bình, nghiêm túc rút kinh nghiệm.

* Ông NGUYỄN MINH KHÔI, cán bộ hưu trí (Kp4, phường Tân Phong, TP. Biên Hòa): Kiểm điểm, tự phê bình và phê bình nên thực hiện có trọng điểm

Có người cho rằng, cho đến nay vẫn chưa nơi nào chỉ ra được “bộ phận suy thoái”, “nhóm lợi ích” dù Nghị quyết đã nói đấy là “một bộ phận không nhỏ”. Riêng tôi thì cho rằng qua đợt kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, đã có sự chuyển biến nhất định trong tư tưởng cũng như hành động. Do cơ chế, nên những chuyển biến này diễn ra chưa được mạnh mẽ, còn chậm và khó nhận ra. Nhưng tôi cho rằng, có những sự thay đổi không thể nóng vội, làm “rộp” một cái là xong mà phải từ từ, từng bước. Kinh nghiệm cho thấy, trong trường hợp này sự từ từ ấy là cần thiết, tránh được xáo trộn, đổ vỡ, mất đoàn kết nội bộ.

Tuy nhiên, Nghị quyết Trung ương 4 nhằm xây dựng và chỉnh đốn trong Đảng, triệt tiêu vấn nạn tham nhũng, cấu kết lợi ích nhóm. Mà để có điều kiện tham nhũng, cấu kết phải là những người có chức, có quyền, có vị trí trong bộ máy chính quyền. Vì thế, tôi nghĩ rằng việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình không cần tiến hành dàn trải, mà nên thực hiện có trọng tâm, trọng điểm và thực hiện chủ yếu ở nhóm cán bộ đương chức. Còn ở nhóm đảng viên hưu trí như chúng tôi, nếu cần chấn chỉnh gì về đạo đức, lối sống thì đã có sự nhắc nhở, kiểm điểm qua những cuộc họp chi bộ rồi.

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 còn nhằm kiểm điểm những gì chưa làm được, tìm ra những hạn chế, yếu kém để khắc phục. Vì vậy, đối những những Đảng bộ, cấp ủy đã tiến hành kiểm điểm rồi, cần phải có sự tiếp tục kiểm tra, đánh giá xem đã khắc phục đến đâu thì việc kiểm điểm mới đạt được ý nghĩa. Cũng cần nên sớm công bố kết quả kiểm điểm, giải pháp khắc phục để dân biết, an lòng và thêm tin tưởng vào đường lối, chính sách và quyết tâm đổi mới, làm trong sạch của Đảng.

* Đảng viên trẻ NGUYỄN NGỌC TRÚC QUỲNH, Phó bí thư Đoàn trường đại học Đồng Nai: Mạnh dạn sửa chữa khuyết điểm

Kiểm điểm, phê bình và tự phê bình theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) là một đợt sinh hoạt chính trị giúp mỗi cán bộ, đảng viên tự soi xét, kiểm điểm mình để nhìn nhận khuyết điểm, tự giác khắc phục, sửa chữa làm cho tinh thần cách mạng của mỗi người càng trong sáng hơn. Nêu cao tinh thần của Nghị quyết trong thực hiện việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình, mỗi tập thể, cá nhân cần phải thực hiện tốt phương châm “tìm bệnh” để chữa cho mình, cho tổ chức và cơ quan mình.

Hiện nay, việc cần làm ngay sau kiểm điểm là mỗi cán bộ, đảng viên hãy nhìn nhận đúng về tổ chức Đảng, tránh lệch lạc về tư tưởng. Muốn Đảng trong sạch vững mạnh thì trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần thống nhất về tư tưởng và hành động; nêu cao tinh thần đấu tranh, mạnh dạn sửa chữa những khuyết điểm, nhất là phải học tập và vận dụng tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh vào công việc và cuộc sống  hàng ngày.

PV (thực hiện)

 

 

 

Tin xem nhiều