Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

07:12, 03/12/2022

Ung thư cổ tử cung (CTC) là bệnh ung thư phổ biến thứ 4 trên thế giới. Bất cứ phụ nữ nào cũng có nguy cơ mắc phải khi đã phát sinh quan hệ tình dục. Độ tuổi trung bình phụ nữ bị ung thư CTC từ 48-52 tuổi. Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa, trong đó tiêm vaccine ngừa ung thư CTC là biện pháp hữu hiệu.

Ung thư cổ tử cung (CTC) là bệnh ung thư phổ biến thứ 4 trên thế giới. Bất cứ phụ nữ nào cũng có nguy cơ mắc phải khi đã phát sinh quan hệ tình dục. Độ tuổi trung bình phụ nữ bị ung thư CTC từ 48-52 tuổi. Bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa, trong đó tiêm vaccine ngừa ung thư CTC là biện pháp hữu hiệu.

Tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ là một trong các biện pháp dự phòng được bác sĩ khuyến cáo. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai khám tầm soát bệnh lý phụ khoa cho bệnh nhân. Ảnh: H.Yến
Tầm soát ung thư cổ tử cung định kỳ là một trong các biện pháp dự phòng được bác sĩ khuyến cáo. Trong ảnh: Bác sĩ Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai khám tầm soát bệnh lý phụ khoa cho bệnh nhân. Ảnh: H.Yến

Theo ghi nhận năm 2020, Việt Nam có hơn 9 ngàn ca mắc mới và có hơn 3 ngàn ca tử vong vì căn bệnh này (trung bình mỗi ngày có khoảng 8 người tử vong). Phần lớn người bệnh đến khám và điều trị khi bệnh đã ở giai đoạn muộn.

* Truyền thông về ung thư CTC cho công nhân nữ

Trong tháng 11, Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai tổ chức chương trình Nơ hồng yêu thương nhằm khám tầm soát bệnh lý phụ khoa (u nang buồng trứng, u xơ tử cung, viêm nhiễm âm đạo…) và cấp phát thuốc, tặng dung dịch vệ sinh phụ nữ miễn phí các cho hội viên phụ nữ tại 6 xã, thị trấn trên địa bàn H.Trảng Bom.

Cùng với đó, bệnh viện phối hợp với Công ty Hữu hạn Sợi Tainan Việt Nam (TP.Biên Hòa) thực hiện chương trình hội thảo với chủ đề Phụ nữ - khỏe để yêu thương nhằm nâng cao kiến thức chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ tại doanh nghiệp. Trong chương trình, bác sĩ đã trao đổi và có các hướng dẫn cho chị em thông tin về các bệnh lý phụ khoa, đặc biệt là việc tầm soát ung thư CTC.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, trung bình mỗi tháng đơn vị tiêm phòng khoảng 500 mũi vaccine ngừa virus HPV cho người dân. Tuy nhiên, từ tháng 6 đến nay, việc tiêm vaccine ngừa virus HPV đang phải tạm ngưng do hết vaccine (do chưa thực hiện được công tác đấu thầu).

Theo đó, ung thư CTC chiếm khoảng 12% trong tất cả các loại ung thư ở nữ giới và nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Nhiễm virus HPV, nguyên nhân hàng đầu gây ung thư CTC. Các số liệu nghiên cứu khoa học cho thấy, 90-100% ung thư CTC có HPV dương tính. Các nhà khoa học đã tìm ra hơn 200 tuýp HPV khác nhau, hầu hết trong số đó đều vô hại, không xuất hiện triệu chứng và tự khỏi không cần điều trị. Có khoảng 40 tuýp có thể gây bệnh tại bộ phận sinh dục và hậu môn, trong đó có 15 tuýp có nguy cơ cao có thể gây ung thư (gồm ung thư CTC, hậu môn và các bộ phận sinh dục khác).

Một số yếu tố nguy cơ khác cũng có thể dẫn đến ung thư CTC gồm: hành vi tình dục (phụ nữ sinh hoạt tình dục sớm, nhiều bạn tình), nhiễm trùng, nhiễm Herpes virus, tác động của tinh dịch, trạng thái suy giảm miễn dịch, hút thuốc lá, chế độ dinh dưỡng…

* Các biện pháp phòng ngừa

Theo BS CKI Nguyễn Hiếu, Phó trưởng khoa Phụ sản Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, để phòng ngừa ung thư CTC, phụ nữ cần thực hiện các biện pháp dự phòng.

Dự phòng cấp 1 bằng cách tiêm ngừa vaccine phòng ung thư CTC. Theo đó, nữ giới từ 9-26 tuổi nên tiêm vaccine ngừa HPV, cần tiêm đủ 3 mũi vaccine này theo lịch.

Nữ giới không nên quan hệ tình dục quá sớm, đặc biệt là ở tuổi vị thành niên. Việc quan hệ tình dục ở tuổi này rất dễ nhiễm virus HPV do giai đoạn này khả năng tự bảo vệ trước các tác nhân gây bệnh của trẻ em gái chưa được tốt. Đây cũng là giai đoạn các bộ phận trong cơ quan sinh dục nữ đang dần hoàn thiện và nhạy cảm nhất. Nếu không biết cách phòng tránh rất có thể nhiễm virus HPV.

BS Hiếu khuyến cáo: “Để phòng ngừa bệnh, phụ nữ cần quan hệ tình dục lành mạnh, chung thủy một bạn tình, sử dụng bao cao su khi quan hệ; giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, tuyệt đối không thụt rửa âm đạo, không nên mặc quần lót quá chật; không nên quan hệ tình dục khi đang có kinh nguyệt vì thời điểm này tử cung yếu và dễ bị viêm nhiễm”.

Dự phòng cấp 2: Tầm soát ung thư CTC định kỳ. Theo đó, phụ nữ trong độ tuổi từ 21-65 nên thực hiện xét nghiệm tầm soát ung thư CTC định kỳ bằng phương pháp tế bào học và xét nghiệm tìm virus HPV.

Ngoài ra, phụ nữ cần phải thực hiện khám định kỳ, khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nên đến các cơ sở y tế thăm khám, phát hiện, can thiệp kịp thời các thương tổn từ giai đoạn sớm.

 Dự phòng cấp 3: Điều trị sớm ngay khi xuất hiện các tổn thương. Bệnh ung thư CTC nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn đầu vẫn có thể điều trị và đạt được kết quả khả quan.

Hải Yến

Tin xem nhiều