Báo Đồng Nai điện tử
En

Giúp người khuyết tật thu hẹp khoảng cách

11:12, 03/12/2022

Theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, số người khuyết tật (NKT) tại Đồng Nai hiện chiếm 0,6% dân số, tương ứng khoảng 50 ngàn người. Trong số này, có đến 20 ngàn NKT nằm trong độ tuổi lao động và 10 ngàn NKT là trẻ em.

Theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, số người khuyết tật (NKT) tại Đồng Nai hiện chiếm 0,6% dân số, tương ứng khoảng 50 ngàn người. Trong số này, có đến 20 ngàn NKT nằm trong độ tuổi lao động và 10 ngàn NKT là trẻ em.

Trẻ khuyết tật tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được nhận quà Tết Trung thu. Ảnh: S.Thao
Trẻ khuyết tật tại Trung tâm Công tác xã hội tỉnh được nhận quà Tết Trung thu. Ảnh: S.Thao

Bên cạnh 32,2 ngàn NKT đặc biệt nặng, NKT nặng cùng hộ gia đình đang được thụ hưởng trợ cấp thường xuyên, nhiều chính sách trợ giúp NKT trong học tập, đào tạo nghề, tiếp cận vốn chính sách, thực hiện các tiện ích phục vụ cho NKT được Đồng Nai tích cực triển khai nhằm mục tiêu kéo giảm khoảng cách về điều kiện sống giữa NKT với cộng đồng.

* Hỗ trợ NKT có cuộc sống cơ bản

Một trong những hoạt động nhằm giúp NKT có điều kiện ổn định cuộc sống là tăng mức trợ cấp hằng tháng. Cụ thể, theo Nghị quyết 09/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND tỉnh quy định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội và đối tượng khó khăn hưởng chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, mức chuẩn trợ giúp xã hội theo nghị quyết mới ban hành là 400 ngàn đồng/tháng. Mức trợ giúp xã hội đối với từng trường hợp nhận được tính theo mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng quy định. Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng thì chỉ được hưởng chế độ hỗ trợ của một đối tượng.

Bên cạnh đó, học sinh, sinh viên khuyết tật học hòa nhập tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh và học sinh tại trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định của Chính phủ được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe theo Nghị quyết số 10/2022/NQ-HĐND ngày 8-7-2022 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho một số đối tượng trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025.

Từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội chữ thập đỏ trong tỉnh đã vận động tổ chức khám phân loại bệnh mắt cho gần 10 ngàn lượt người. Qua đó, đã có hơn 7 ngàn người nghèo được phẫu thuật mắt miễn phí ở các bệnh viện trong tỉnh và tại TP.HCM với tổng kinh phí trên 40 tỷ đồng.

Ngoài ra, NKT còn là một trong những nhóm được thụ hưởng hỗ trợ từ các dự án giảm nghèo trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2022-2025. Theo đó, cùng với các nhóm đối tượng khác, NKT không có sinh kế ổn định sẽ được hỗ trợ tiếp cận kỹ thuật, tư vấn chuyển giao kỹ thuật, cung cấp cây trồng, vật nuôi, vật tư, công cụ, dụng cụ sản xuất và cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giảm suy dinh dưỡng thấp còi, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể trạng.

Đồng thời, nhiều hoạt động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của NKT cũng được Sở LĐ-TBXH, phòng LĐ-TBXH cấp huyện phối hợp cùng các đơn vị tổ chức.

Theo Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu, thông qua gặp gỡ, trao đổi cùng NKT, các cơ quan chuyên môn kịp thời lắng nghe những ý kiến phản ánh cũng như nguyện vọng được trợ giúp của NKT liên quan đến thực hiện thủ tục để hưởng trợ cấp xã hội, giám định khuyết tật, hỗ trợ đào tạo nghề, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ xây dựng nhà ở…, qua đó góp phần chung vào mục tiêu giúp NKT xây dựng cuộc sống, hòa nhập cộng đồng.

* Tạo tâm thế tự tin cho NKT

Cùng với tăng mức trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ giáo dục, chăm sóc sức khỏe thì nhiều hoạt động giúp NKT có tâm thế tự tin để hòa nhập cuộc sống cũng đặc biệt được chú trọng.

Một trong những giải pháp được thực hiện thường xuyên và liên tục là giúp trẻ em sứt môi, hở hàm ếch tái tạo khuôn mặt. Từ năm 2015 đến nay, đã có gần 150 trường hợp được hỗ trợ thực hiện các phẫu thuật này. 

Có những trường hợp do dị tật phức tạp nên phải phẫu thuật nhiều lần. Điều này gây khó khăn cho các gia đình, bởi cùng với chi phí điều trị rất lớn còn đòi hỏi thời gian, công sức, sự kiên trì của gia đình, của chính các em. Song theo Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh Hoàng Văn Long, thông qua vận động, kết nối của Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, nhiều cá nhân, tổ chức đã đồng hành để cải thiện tình trạng tật cho các em.

Cùng với việc huy động kinh phí từ các nguồn, kịp thời có sự trợ giúp về khám sàng lọc, phẫu thuật dành cho NKT của các cơ quan chuyên môn thì theo ông Long, gia đình của trẻ không may gặp các dạng tật cần chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để được hỗ trợ can thiệp sớm và kịp thời. Nếu được phẫu thuật càng sớm thì khả năng hồi phục như người bình thường về ngoại hình, nhất là khả năng phát âm của các em rất lớn.

Cùng với đó, việc khám sàng lọc, thực hiện phẫu thuật, hỗ trợ quá trình hậu phẫu đối với NKT về mắt được thực hiện thường xuyên. Theo thống kê của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, mỗi năm có hàng trăm trường hợp được hỗ trợ phẫu thuật mắt từ chương trình Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo do Hội Chữ thập đỏ các cấp thực hiện.

Nhằm tiếp tục đem lại niềm vui tìm lại ánh sáng cho người mắc bệnh về mắt, nhất là các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn, theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện, một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội thời gian tới là đẩy mạnh thực hiện chương trình Đem lại ánh sáng cho người mù nghèo. Qua đó, Hội chữ thập đỏ các cấp sẽ kết hợp cùng các đơn vị liên quan thực hiện rà soát số lượng người cần hỗ trợ khám sàng lọc về mắt, phẫu thuật mắt nhân đạo để từ đó làm căn cứ vận động nguồn lực xã hội chung tay đem lại ánh sáng cho người mù nghèo.

Riêng vấn đề giúp NKT chủ động trong sinh hoạt hằng ngày, được đặc biệt chú trọng với nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực. Qua hơn 6 tháng triển khai chương trình hỗ trợ công trình vệ sinh cho 59 gia đình NKT trên địa bàn tỉnh, Hội Trợ giúp NKT Việt Nam và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã hoàn thành và bàn giao công trình cho NKT sử dụng. Theo đó, mỗi công trình sau khi hoàn thành và bàn giao cho gia đình NKT sẽ có giá trị từ 40-50 triệu đồng.

Sông Thao

Tin xem nhiều