Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

07:09, 24/09/2022

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 đường lây truyền chủ yếu của HIV. Người mẹ nhiễm HIV có thể lây truyền virus HIV sang con trong thời kỳ mang thai, khi sinh và khi cho con bú. Can thiệp sớm, chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp là việc làm rất cần thiết để phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong 3 đường lây truyền chủ yếu của HIV. Người mẹ nhiễm HIV có thể lây truyền virus HIV sang con trong thời kỳ mang thai, khi sinh và khi cho con bú. Can thiệp sớm, chăm sóc và điều trị dự phòng thích hợp là việc làm rất cần thiết để phòng ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Khi chuẩn bị mang thai hay đang có thai, phụ nữ nên đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm tầm soát. Ảnh: H.Yến
Khi chuẩn bị mang thai hay đang có thai, phụ nữ nên đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm tầm soát. Ảnh: H.Yến

Đáng buồn là hiện vẫn có những đứa trẻ bị nhiễm căn bệnh thế kỷ này do sự chủ quan, thiếu hiểu biết của người mẹ.

* Không hoảng loạn khi xác định “có H”

Sau cuộc hẹn để tư vấn và test nhanh virus HIV cho một người cần tư vấn, chị Nguyễn Thị Ngọc Thanh, đồng đẳng viên nhóm Xuân Hợp (TP.Biên Hòa) nặng trĩu nỗi buồn. Người này có chồng cũng làm công nhân và đã nhiễm HIV.

Chị Thanh kể: “Sau khi xác định người chồng bị nhiễm HIV, chúng tôi kết nối để tư vấn và xét nghiệm nhanh cho người vợ. Kết quả ban đầu cho thấy chị đã có phản ứng với HIV. Điều đáng lo hơn là 2 con của cặp vợ chồng này cũng có nguy cơ rất cao, vì trong suốt thời gian mang thai người mẹ đã không đi khám và làm xét nghiệm HIV sớm”.

Chỉ trước đó 2 tuần, cũng chính chị Thanh đã làm xét nghiệm nhanh cho 3 con của một người nhiễm HIV. Kết quả xét nghiệm của bé 7 tuổi cho kết quả dương tính. Khi nhận kết quả như vậy, người này rất hoảng loạn và suy sụp.

Trước khi kết hôn, chuẩn bị mang thai và đang có thai, phụ nữ nên đến các cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm tầm soát và được cán bộ y tế hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa, giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con. Rất nhiều bằng chứng cho thấy việc sử dụng thuốc điều trị HIV kết hợp với các chiến lược khác đã giúp giảm nguy cơ lây HIV từ mẹ sang con xuống dưới 1%.

Công việc của đồng đẳng viên là phải giúp họ ổn định tâm lý và tư vấn các bước tiếp theo để điều trị và các biện pháp dự phòng lây nhiễm cho người thân, cộng đồng.

Người nhiễm HIV phải uống thuốc ARV, mỗi ngày 1 viên và phải uống đúng giờ. Nếu tuân thủ điều trị thì người bệnh có thể sống khỏe mạnh bình thường. Người bệnh cần hiểu rằng, nhiễm HIV là một bệnh mạn tính, tuy chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn nhưng có thể kiểm soát được sự phát triển của virus. Việc phát hiện sớm tình trạng nhiễm bệnh rất quan trọng. Phát hiện càng sớm, điều trị càng sớm có thể giúp người nhiễm HIV bảo vệ được hệ thống miễn dịch, làm giảm nguy cơ mắc những bệnh nhiễm trùng cơ hội nguy hiểm, giúp giảm chi phí khám, chữa bệnh, thuốc men và chi phí nằm viện, từ đó giảm gánh nặng kinh tế cho gia đình.

“Điều trị sớm còn giúp người nhiễm HIV có sức khỏe ổn định, có cuộc sống sinh hoạt bình thường, tiếp tục học tập và lao động, không còn là gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều trị sớm còn làm giảm được nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng. Phụ nữ nhiễm HIV đang mang thai có thể sử dụng một số biện pháp giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ” - chị Thanh chia sẻ thêm.

* Cần xét nghiệm HIV khi mang thai

Lây truyền HIV từ mẹ sang con chủ yếu qua bánh nhau khi đang mang thai, qua máu và dịch âm đạo khi chuyển dạ sinh, qua sữa khi cho con bú. Nếu không được áp dụng các biện pháp phòng ngừa, khả năng người mẹ bị nhiễm HIV đang mang thai có thể truyền HIV cho con là 20-30%.

Test nhanh HIV là phương pháp xét nghiệm kháng thể. Phương pháp này sử dụng mẫu máu hay nước bọt của người bệnh để làm xét nghiệm. Test nhanh được thực hiện với kỹ thuật đơn giản, cho ra kết quả nhanh chóng chỉ sau 15-20 phút. Khi test nhanh, nếu kết quả dương tính thì người bệnh cần phải thực hiện các xét nghiệm khác để khẳng định chắc chắn mình có bị nhiễm HIV hay không.

Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cần được thực hiện với tất cả các sản phụ ngay từ lần khám thai đầu tiên, khi chưa rõ là có nhiễm HIV hay không. Trong trường hợp xác định bị nhiễm HIV, bệnh nhân sẽ được bác sĩ hướng dẫn sử dụng thuốc kháng virus và các biện pháp khác nhằm hạn chế khả năng lây truyền HIV ở mức thấp nhất.

Ngày 30-6-2021, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 09/2021/TT-BYT quy định quy trình, thời điểm, số lần xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai; việc chăm sóc, điều trị đối với phụ nữ nhiễm HIV trong thời kỳ mang thai, sinh con, cho con bú và các biện pháp nhằm giảm lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Thông tư này gồm 8 điều, được áp dụng đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và các cơ sở y tế khác có cung cấp dịch vụ y tế cho phụ nữ mang thai, bà mẹ, trẻ em và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thông tư quy định quy trình xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai gồm các nội dung: tư vấn trước xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai về các đường lây nhiễm HIV, sự cần thiết của việc biết tình trạng nhiễm HIV, nguy cơ lây nhiễm HIV cho con và lợi ích của việc điều trị bằng thuốc kháng HIV sớm trong giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Hải Yến

Tin xem nhiều