Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trong công nhân lao động

07:07, 02/07/2022

Số liệu giám sát về các trường hợp nhiễm HIV/AIDS cho thấy, nhiễm HIV ở Đồng Nai chủ yếu do nhóm lao động di biến động, công nhân trẻ ở các khu công nghiệp (KCN) và lao động tự do. Vì vậy, tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trong công nhân lao động là việc làm rất cần thiết.

Số liệu giám sát về các trường hợp nhiễm HIV/AIDS cho thấy, nhiễm HIV ở Đồng Nai chủ yếu do nhóm lao động di biến động, công nhân trẻ ở các khu công nghiệp (KCN) và lao động tự do. Vì vậy, tăng cường các biện pháp phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS trong công nhân lao động là việc làm rất cần thiết.

Người nghi nhiễm HIV đang được tư vấn tại phòng khám của Khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Yến
Người nghi nhiễm HIV đang được tư vấn tại phòng khám của Khoa HIV/AIDS, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Yến

Cần phải tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân tiếp cận các dịch vụ về HIV/AIDS, trong đó có việc phát triển các nhóm công tác xã hội nhằm phổ biến kiến thức về các biện pháp phòng, chống HIV/AIDS.

* Báo động tình trạng lây nhiễm HIV

Theo phân tích số liệu giám sát về HIV/AIDS tại Đồng Nai trong 3 năm (2019-2021), có khoảng 60% số ca nhiễm HIV phát hiện tại Đồng Nai có hộ khẩu ngoại tỉnh. Trong đó, phần lớn đến từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, là công nhân làm việc tại các KCN, người lao động tự do và là nam giới trẻ tuổi. Tỷ lệ nhiễm HIV ngày càng trẻ hóa, tập trung nhóm nguy cơ cao, đặc biệt là nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới. Năm 2021, tỷ lệ ca nhiễm HIV là nam giới chiếm 86,9%. Riêng trong 3 tháng đầu năm 2022, Đồng Nai phát hiện mới 164 ca nhiễm HIV.

H.Long Thành hiện là địa bàn đang được báo động về số ca nhiễm HIV mới và cần được theo dõi chặt chẽ trong năm 2022. Theo đó, kết quả test nhanh quý IV-2020, H.Long Thành có 18 ca nhiễm mới; quý I-2022 có thêm 4 ca mới. Số liệu nhiễm mới cho thấy cụm nhiễm mới tập trung tại 2 xã giáp ranh với TP.HCM là Tam An và An Phước. Phân tích đặc tính của các ca nhiễm HIV tại H.Long Thành cho thấy, 50% ca nhiễm là nam giới trong độ tuổi 20-29; về nghề nghiệp, có đến 46% là công nhân làm việc tại các KCN, 29% là lao động tự do.

ThS Đỗ Hữu Thủy, Phó trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS (Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế) cho biết, dịch HIV/AIDS đang lây nhanh ở nhóm người trẻ tuổi, đặc biệt là công nhân lao động ở KCN, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, các trường nghề... Trong đó, hơn 50% người nhiễm mới là công nhân lao động ở các KCN. Cần có chương trình can thiệp để hạn chế lây nhiễm HIV trong công nhân lao động. Đây là tình trạng báo động và cần phải sớm triển khai hoạt động truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS ở nơi làm việc và ở các trường đại học, cao đẳng.

Về hình thái lây nhiễm, nếu như trước đây chủ yếu lây ở đối tượng tiêm chích ma túy qua dùng chung bơm kiêm tiêm thì hiện nay đường lây chủ yếu là qua quan hệ tình dục không an toàn. Đáng nói, số ca lây nhiễm trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới ngày càng cao. Điều này khiến cho việc kiểm soát lây nhiễm HIV/AIDS trở nên khó khăn nếu không có các biện pháp dự phòng.

* Nhiều khó khăn trong công tác truyền thông

Đồng Nai hiện có hơn 1,2 triệu công nhân lao động đang làm việc tại các KCN. Thời gian qua, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp cùng ngành Y tế đã có nhiều hoạt động nhằm tăng cường truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS cho đối tượng công nhân. Tuy nhiên, công tác này hiện còn gặp nhiều khó khăn cần phải được tháo gỡ.

Theo đó, công tác tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS đòi hỏi cán bộ tuyên truyền không chỉ có trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà còn phải có kỹ năng tuyên truyền. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ tuyên truyền Công đoàn hiện nay vẫn chưa đáp ứng được những yêu cầu này. Tài liệu tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS phát cho đoàn viên, người lao động còn quá ít so với yêu cầu thực tế; kinh phí dành cho công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật còn thiếu, nhất là trong việc in ấn, phát hành các tài liệu phục vụ cho công tác tuyên truyền.

Trong những năm qua, Liên đoàn Lao động tỉnh phối hợp với ngành y tế, Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh tổ chức tuyên truyền cho 335.605 lượt cán bộ, đoàn viên công nhân viên chức lao động về công tác phòng, chống HIV/AIDS, tệ nạn xã hội gắn với Chương trình 4 giảm, Chương trình quốc gia phòng chống tội phạm của địa phương.

Trước những khó khăn này, Liên đoàn Lao động tỉnh đã đưa ra một số kiến nghị với Tổng liên đoàn Lao động. Trong đó, cần hỗ trợ kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS, phòng chống ma túy, mại dâm... để duy trì thường xuyên các hoạt động tuyên truyền; tăng cường công tác thông tin, truyền thông, giáo dục về dự phòng và điều trị HIV/AIDS trong các KCN.

Ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng ban Tuyên giáo, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho biết năm 2022, Tổng liên đoàn phối hợp tổ chức các hoạt động truyền thông về HIV/AIDS tại 5 tỉnh, thành có nhiều KCN, trong đó có Đồng Nai. Tổng liên đoàn sẽ phối hợp để triển khai công tác chăm sóc sức khỏe, tìm ra tiếng nói chung, các giải pháp cụ thể về: công tác truyền thông; đưa dịch vụ tư vấn sức khỏe, dự phòng và điều trị HIV/AIDS đến gần hơn với công nhân lao động. Ngoài triển khai ở công ty, chương trình sẽ được triển khai ở cả khu nhà trọ có đông công nhân lao động.

Do đặc thù phải làm việc suốt ngày ở nhà máy nên công nhân khó tiếp cận các dịch vụ dự phòng HIV/AIDS. Mặt khác, cán bộ Công đoàn khó đảm nhiệm công tác tuyên truyền dự phòng HIV/AIDS do thiếu kiến thức chuyên môn… Thực tế, hiện nay công tác tuyên truyền về dự phòng HIV/AIDS đang được triển khai hiệu quả nhờ các tổ chức dựa vào cộng đồng (CBO). Từ năm 2018, các CBO dần phát triển thành doanh nghiệp xã hội và có các mô hình kinh doanh để phát triển bền vững, đóng góp các mô hình phòng khám cộng đồng và tiếp thị xã hội (bao cao su, xét nghiệm tự nguyện…) cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS.

Sự tham gia tích cực của các CBO đã góp phần tăng độ bao phủ các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị cho nhóm có nguy cơ cao tại cộng đồng, giảm sự kỳ thị phân biệt đối xử của xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS.

Hải Yến

Tin xem nhiều