Báo Đồng Nai điện tử
En

Chấm dứt bệnh lao, cứu sống triệu người

10:03, 23/03/2022

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 10 triệu người mắc bệnh lao và gần 1,5 triệu người tử vong do lao. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 10 ngàn người tử vong do bệnh lao.

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 10 triệu người mắc bệnh lao và gần 1,5 triệu người tử vong do lao. Tại Việt Nam, mỗi năm ghi nhận hơn 10 ngàn người tử vong do bệnh lao.

Xét nghiệm Xpert giúp phát hiện sớm vi khuẩn lao và lao kháng thuốc tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Xét nghiệm Xpert giúp phát hiện sớm vi khuẩn lao và lao kháng thuốc tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Hơn 2 năm qua, đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến công tác phòng, chống lao trên thế giới nói chung và ở Đồng Nai nói riêng. Do đó, để đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao vào năm 2030, đòi hỏi phải có sự đầu tư và nỗ lực rất lớn.

* Bệnh lao cần được phát hiện và điều trị sớm

Cách đây hơn 4 tháng, bà Q.T.K.A. (51 tuổi, ngụ xã Long Thọ, H.Nhơn Trạch) được phát hiện bị bệnh lao phổi sau khi đi khám và làm các xét nghiệm tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Từ đó đến nay, bà A. thường xuyên uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Cách đây ít ngày, bà A. ho nhiều và ho ra máu, ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Thể trạng bà A. vốn không được tốt, lại bị những cơn ho hành hạ khiến sức khỏe suy kiệt. Sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chiếu chụp cần thiết, bác sĩ kết luận bà A. bị thêm bệnh viêm phế quản, phải uống song song 2 loại thuốc điều trị lao phổi và viêm phế quản.

Đáng lo ngại hơn, bà A. đã lây bệnh lao phổi cho chồng là ông N.H.Q., 52 tuổi. Ông Q. có biểu hiện ho nhiều trong 2 tháng qua. Sau khi chụp X-quang phổi và làm xét nghiệm Xpert, ông Q. được xác định nhiễm bệnh lao.

Chủ đề Ngày thế giới Phòng, chống lao năm 2022 của Việt Nam là Giảm thiểu tác động của Covid-19 - Tập trung nguồn lực - Tăng cường phát hiện bệnh lao.

Trong khi đó, ông P.V.T. (56 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) được chẩn đoán mắc bệnh lao phổi trong lần đầu đi khám tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai. Các bác sĩ đã hướng dẫn ông T. chuẩn bị các loại hồ sơ, giấy tờ cần thiết để nộp cho Tổ chống lao Trung tâm Y tế TP.Biên Hòa để được theo dõi, điều trị.

Ông T. chia sẻ, ông hút thuốc lá từ năm 12 tuổi, mỗi ngày hút từ 3-4 gói thuốc. Khi còn trẻ, chủ quan sức khỏe không bất thường nên ông không đi khám bệnh. Những tháng gần đây, do ho nhiều, người mệt mỏi, ông mới đến bệnh viện để khám và được chẩn đoán mắc bệnh lao.

BS La Văn Mạnh, Trưởng khoa Khám bệnh Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết, so với thời điểm chưa có dịch bệnh Covid-19, số bệnh nhân đến khám lao giảm rất nhiều. Thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày, khoa tiếp nhận khám cho 30 bệnh nhân, trong đó có 10 trường hợp mắc bệnh lao, còn lại là các triệu chứng hậu Covid-19. Không ít bệnh nhân đến khi bị bệnh lao nặng mới đi khám, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe, gia tăng số ca mắc bệnh lao màng não.

Để phát hiện sớm bệnh lao, BS Mạnh khuyến cáo người dân nếu có các triệu chứng như: ho kéo dài trên 2 tuần, ho có đờm, ho khan, ho ra máu, sút cân, kém ăn, mất ngủ, sốt nhẹ vào buổi chiều, đau ngực, khó thở… cần nhanh chóng đến bệnh viện để thăm khám, làm các xét nghiệm cần thiết. Bệnh lao nếu được phát hiện và điều trị sớm sẽ có khả năng chữa khỏi cao và ngược lại. Người bệnh lao cần uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, không được tự ý bỏ điều trị, nếu không sẽ tạo ra các chủng vi khuẩn lao kháng thuốc, bệnh sẽ không khỏi và có thể dẫn đến tử vong.

* Đẩy mạnh chiến dịch 2X

BS Lương Văn Châu, Giám đốc Bệnh viện Phổi Đồng Nai cho biết, tháng 4-2020, Bệnh viện Phổi Đồng Nai được chuyển đổi công năng thành bệnh viện chuyên điều trị Covid-19. Công tác khám, phát hiện và điều trị bệnh lao được chuyển về trung tâm y tế các địa phương và một số bệnh viện trong tỉnh. Sự thay đổi địa điểm khám, điều trị bệnh lao cộng với nhiều tháng liên tiếp thực hiện giãn cách xã hội đã làm gián đoạn công tác phòng, chống lao trong tỉnh. Đến cuối tháng 11-2021, UBND tỉnh có văn bản trả lại chức năng khám lao, phổi cho Bệnh viện Phổi Đồng Nai.

Kết quả, trong năm 2021, toàn tỉnh chỉ khám, phát hiện được hơn 11,5 ngàn trường hợp mắc bệnh lao, đạt 47% so với các năm trước đó (trừ năm 2020). Công tác thu nhận bệnh nhân lao vào điều trị đạt 74% so với chỉ tiêu giao (hơn 2,6 ngàn người), riêng lao đa kháng thuốc chiếm 68%. Hiện tại, có 93 bệnh nhân bị lao đa kháng thuốc trong toàn tỉnh đang được quản lý, điều trị.

Số lượng bệnh nhân tiếp cận các cơ sở giảm, việc thực hiện các hoạt động của chương trình cũng không được diễn ra nên tình hình phát hiện bệnh nhân, công tác điều trị, đảm bảo việc tuân thủ điều trị thông qua hỗ trợ, giám sát, bệnh nhân lao tái khám, lãnh thuốc… đều không được thực hiện một cách chính xác và đầy đủ.

Theo BS Lương Văn Châu, để chống lao hiệu quả, có 2 việc quan trọng nhất, đó là phát hiện nhanh nhất người bị nhiễm bệnh, phát hiện nguồn lây và phải điều trị để cắt đứt nguồn lây. Do vậy, trong năm 2022, chương trình Chống lao quốc gia tiếp tục triển khai chiến dịch 2X, đó là chụp X-quang ngực và làm xét nghiệm Xpert nhằm sớm phát hiện ca bệnh để đưa vào điều trị. Đồng Nai là một trong 7 tỉnh, thành đầu tiên trong cả nước triển khai chiến dịch này.

Hiện tại, toàn tỉnh có 5 máy Xpert gồm: Bệnh viện Phổi 2 máy, trung tâm y tế các huyện Long Thành, Thống Nhất và Xuân Lộc mỗi nơi 1 máy. Mới đây, Bệnh viện Phổi Đồng Nai được chương trình Chống lao quốc gia cấp 1 xe chụp X-quang di động, góp phần sàng lọc, phát hiện sớm các ca bệnh lao trong cộng đồng.

Về công tác điều trị lao đa kháng thuốc, hiện nay các huyện, thành phố trong tỉnh vẫn đang duy trì. Tại Bệnh viện Phổi Đồng Nai có 1 bộ phận phụ trách tiếp nhận điều trị, xét nghiệm đàm, cấy đàm, xét nghiệm sinh hóa máu để điều chỉnh thuốc phù hợp cho bệnh nhân. Các đơn vị liên quan trong tỉnh đang nỗ lực làm bù cho 2 năm qua, nỗ lực cao nhất để có thể đạt được mục tiêu đến năm 2030 chấm dứt bệnh lao, cứu sống hàng triệu người trên thế giới mỗi năm.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều