Báo Đồng Nai điện tử
En

Khẩn trương tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân

08:01, 11/01/2022

Theo Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ, Đồng Nai hiện không thiếu vaccine phòng Covid-19. Do đó, các địa phương cần khẩn trương triển khai tiêm mũi 3 cho người dân, đồng thời rà soát kỹ những trường hợp chưa tiêm mũi 2 để tiêm hết, không bỏ sót đối tượng.

Theo Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ, Đồng Nai hiện không thiếu vaccine phòng Covid-19. Do đó, các địa phương cần khẩn trương triển khai tiêm mũi 3 cho người dân, đồng thời rà soát kỹ những trường hợp chưa tiêm mũi 2 để tiêm hết, không bỏ sót đối tượng.

Tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung
Tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3 cho người dân tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: Hạnh Dung

Việc tiêm đủ liều vaccine phòng Covid-19 có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong bối cảnh biến thể Omicron có nguy cơ xâm nhập vào tỉnh.

* Hơn 310,7 ngàn người đã được tiêm mũi 3

Theo thống kê của các địa phương trong tỉnh, tính đến nay, toàn tỉnh có hơn 310,7 ngàn người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi 3 vaccine phòng Covid-19, đạt tỷ lệ 8,82% dân số trong độ tuổi. Một số địa phương có tỷ lệ tiêm vaccine mũi 3 đạt cao như: H.Xuân Lộc đạt 21,2%; H.Định Quán đạt 20,6%; H.Cẩm Mỹ đạt 20,5%; H.Long Thành đạt 16%.

Hiện tại, tỉnh đang triển khai đợt tiêm vaccine thứ 30 với 100 ngàn liều vaccine AstraZeneca. Số vaccine này được dùng để tiêm liều nhắc lại cho người từ đủ 18 tuổi trở lên đã tiêm đủ 2 liều cơ bản bằng vaccine AstraZeneca. Thứ tự ưu tiên tiêm chọn theo tuổi từ cao xuống thấp và khoảng cách thời gian giữa 2 mũi tiêm từ xa đến gần phù hợp với số lượng vaccine được phân bổ tại địa phương. Khoảng cách tiêm mũi 3 ít nhất 3 tháng sau mũi 2 và được sự đồng ý của đối tượng tiêm. H.Xuân Lộc là địa phương được phân bổ nhiều vaccine nhất trong đợt này với 20,3 ngàn liều vaccine. Tiếp đó là TP.Biên Hòa với 14,5 ngàn liều vaccine.

Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài lưu ý, các trường hợp không tiêm được ở các điểm tiêm lưu động thì phải có giấy giới thiệu hoặc giấy chuyển tuyến lên trung tâm y tế có giường bệnh hoặc bệnh viện đa khoa khu vực để tiêm. Các trường hợp vượt quá khả năng tiêm chủng của cơ sở tuyến huyện thì phải có giấy giới thiệu hoặc giấy chuyển tuyến lên Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai hoặc Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Cơ sở tiêm chủng tuyến huyện có trách nhiệm liên hệ với 2 bệnh viện tỉnh để thống nhất thời gian và bàn giao vaccine, đảm bảo đủ vaccine tiêm chủng và hạn chế tối đa hao phí vaccine.

Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai Ngô Đức Tuấn cho biết, theo sự phân công của Sở Y tế, thời gian qua, bệnh viện đã tiến hành tiêm vaccine mũi 3 cho cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện, thân nhân của nhân viên y tế; cán bộ, công chức, viên chức của một số sở, ban, ngành trong tỉnh. Ngoài ra, bệnh viện đang rà soát, nắm bắt thông tin tình hình tiêm vaccine của những bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên đang nằm điều trị nội trú tại bệnh viện. Nếu bệnh nhân nào đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, có nhu cầu tiêm mũi 3 thì bệnh viện sẽ tiến hành tiêm cho bệnh nhân. Những trường hợp chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine thì tiêm cho đủ. Đối với bệnh nhân ngoại trú, bệnh viện hướng dẫn bệnh nhân về đăng ký tại địa phương để được tiêm ngừa.

* Hiệu quả của mũi 3 vaccine phòng Covid-19

Theo Giám đốc Sở Y tế Phan Huy Anh Vũ, tiêm vaccine là gây miễn dịch chủ động do kháng thể được sinh ra. Sau khi tiêm vaccine khoảng 4-6 tháng, kháng thể sinh ra từ 2 liều vaccine cơ bản bị suy giảm dần. Do đó, việc tiêm mũi thứ 3 nhằm tăng mức độ phản ứng miễn dịch làm cho kháng thể trong cơ thể tăng lên nhằm chống lại tác nhân gây bệnh Covid-19 là điều cần thiết.

Một nghiên cứu của Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh được công bố gần đây cho thấy, 2 tuần sau khi tiêm liều tăng cường của vaccine Pfizer, khả năng bảo vệ khỏi nhiễm bệnh là 93,1% ở những người đã tiêm vaccine AstraZeneca trước đó và 94% đối với người đã tiêm Pfizer.

Theo BS Nguyễn Như Thái, Phụ trách đơn vị tiêm chủng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, sau khi tiêm mũi 3, người dân thường gặp phải một số phản ứng phụ tương tự như tiêm mũi 1, 2 như: sốt, nhức đầu, mệt mỏi, đau tại chỗ tiêm, thậm chí có một số trường hợp bị nổi hạch ở khu vực gần chỗ tiêm (thường ở nách). Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, hầu hết các biểu hiện này sẽ tự hết sau vài ngày. Bên cạnh đó, một số trường hợp có thể gặp các triệu chứng như: tiêu chảy, nôn mửa, đau cơ và khớp, thậm chí phản ứng phản vệ, dị ứng. Do vậy, các cơ sở tiêm chủng cần bảo đảm sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc. Người dân sau khi tiêm mũi 3 cần ở lại cơ sở tiêm chủng ít nhất 30 phút để theo dõi sức khỏe sau tiêm và được xử trí trong trường hợp cần thiết. Khi về nhà, nếu có dấu hiệu bất thường cần thông báo ngay cho cán bộ y tế để được hướng dẫn xử lý.

Những dấu hiệu nguy cơ cần lưu ý như: sốt cao trên 39 độ C, khó hạ nhiệt độ hoặc sốt kéo dài hơn 24 giờ, co giật, phát ban, tinh thần khó chịu, kích thích vật vã, lừ đừ, khó thở…

Giám đốc Sở Y tế PHAN HUY ANH VŨ lưu ý: “Hiện nay, số lượng vaccine phòng Covid-19 đang về nhiều, tỉnh sẽ tiêm lần lượt cho từng đối tượng theo thứ tự ưu tiên. Do đó, người dân không nên quá lo lắng về việc thiếu vaccine mà tập trung đông người tại điểm tiêm. Khi đi tiêm vaccine, người dân cần tuân thủ nguyên tắc 5K để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. Tránh trường hợp tập trung quá đông người tại điểm tiêm gây nguy cơ lây lan dịch bệnh”.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều