Báo Đồng Nai điện tử
En

Từ kỹ sư cơ khí đến nhà sáng chế

08:11, 14/11/2021

Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư cơ khí nông nghiệp rồi bén duyên với nghề thiết kế, chế tạo cơ khí, anh Nguyễn Mạnh Lâm (Công ty TNHH SSA CropCare, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã sáng chế, cải tạo được nhiều loại máy móc phục vụ ngành sản xuất nội thất. Trong đó, sản phẩm máy uốn thủy lực 1 trục NC của anh đã được nhiều khách hàng biết đến và đặt mua.

Tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư cơ khí nông nghiệp rồi bén duyên với nghề thiết kế, chế tạo cơ khí, anh Nguyễn Mạnh Lâm (Công ty TNHH SSA CropCare, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đã sáng chế, cải tạo được nhiều loại máy móc phục vụ ngành sản xuất nội thất. Trong đó, sản phẩm máy uốn thủy lực 1 trục NC của anh đã được nhiều khách hàng biết đến và đặt mua.

Anh Nguyễn Mạnh Lâm đang điều khiển máy uốn thủy lực 1 trục NC. Ảnh: Hải Yến
Anh Nguyễn Mạnh Lâm đang điều khiển máy uốn thủy lực 1 trục NC. Ảnh: Hải Yến

Đây cũng là một trong những giải pháp được đánh giá cao tại Hội thi sáng tạo kỹ thuật Đồng Nai năm 2021.

* Đam mê cơ khí

Anh Nguyễn Mạnh Lâm quê ở Thanh Hóa. Ngay từ nhỏ, anh đã có niềm yêu thích đặc biệt với lĩnh vực cơ khí. Anh Lâm kể: “Hồi đó, cha tôi có quyển sách cấu tạo ô tô, máy kéo. Tôi đọc thấy hay, hấp dẫn nên nó đã trở thành sách “gối đầu giường” của tôi. Từ hồi học cấp 2 tôi đã tự bơm vá, sửa chữa xe đạp để kiếm tiền”.

Niềm đam mê với lĩnh vực cơ khí cứ lớn dần lên như thế. Sau khi tốt nghiệp THPT, anh Lâm đã chọn học chuyên ngành kỹ sư cơ khí nông nghiệp (Trường đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội). Tốt nghiệp đại học được 1 năm, anh Lâm quyết định vào Đồng Nai lập nghiệp. Anh đã làm việc tại một số công ty, chủ yếu giữ vị trí quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật.

Vốn đam mê cơ khí, anh thường xuyên có những nghiên cứu, cải tiến kỹ thuật trong công ty. Để có được những cải tiến hữu ích, anh làm việc năng nổ, nhiệt tình, không quản thời gian… Năm 2016, anh quyết định nghỉ việc tại công ty để tự mình làm chủ.

Khởi nghiệp với hai bàn tay trắng, thậm chí không có đủ những dụng cụ, máy móc cơ bản để gia công sản phẩm, anh Lâm nhận đơn hàng đầu tiên là chế tạo 1 máy uốn ống (ống thép, inox). “Tôi khởi nghiệp chỉ với 1 máy hàn, 1 máy mài tay, bộ lục giác không đầy đủ, 1 khóa 13, 1 khóa 17, 1 cái mỏ lết và 1 máy khoan đi mượn” - anh Lâm nhớ lại.

Với đơn hàng này, anh tự thiết kế bản vẽ sau đó đặt gia công các chi tiết máy rồi về tự lắp ráp và hoàn thiện phần điện. Sau khi chế tạo máy uốn ống thành công, anh quay video rồi đăng trên kênh YouTube và tiếp tục nhận được các đơn hàng. Mỗi lần hoàn tất hợp đồng, anh lại trích ra một phần tiền để mua sắm dần dụng cụ, máy móc… Tích cóp như vậy, sau 5 năm, hiện nay anh đã có một xưởng chế tạo cơ khí riêng của mình.

* Nhiều sáng chế hữu ích

Để có thể đảm đương được mọi khâu trong quy trình thiết kế, chế tạo máy, anh Lâm đã đi học thêm các khóa chuyên về thiết kế, lập trình. Hiện nay, với quy mô doanh nghiệp cơ khí nhỏ, anh đều tự đảm đương công việc thiết kế, lập trình; riêng phần gia công cơ khí, lắp ráp máy thì có các nhân viên thực hiện.

Từng có thời gian làm việc tại công ty sản xuất nội thất, anh Lâm nhìn thấy nhu cầu sản xuất các loại máy phục vụ ngành này. Trong vòng 5 năm qua, anh Lâm đã thiết kế, sản xuất được các loại máy: máy uốn ống, máy cắt ống, máy tóp đầu ống, máy hàn lưới. Ưu điểm chung của những loại máy này là giá thành rẻ hơn nhưng lại cho năng suất cao hơn so với các loại máy cùng chức năng trên thị trường. Trong đó, sản phẩm mà anh Lâm hài lòng nhất chính là máy uốn thủy lực 1 trục NC. 

Anh Lâm chia sẻ, giải pháp máy uốn thủy lực 1 trục NC được anh ấp ủ từ khi còn làm cho công ty sản xuất nội thất. Anh đã dành nhiều thời gian để nghiên cứu, lắp ráp, cải tiến và chế tạo thành công từ hơn 1 năm nay. Theo đó, máy có thể uốn được nhiều loại ống (sắt thép, inox) với các kích cỡ khác nhau, có thể dễ dàng điều chỉnh độ cong. Đặc biệt, máy có thể cài đặt liên tiếp nhiều góc uốn khác nhau nên rất thích hợp với các sản phẩm có nhiều góc uốn, làm tăng năng suất lao động.

Hiện nay, trên thị trường có 3 dòng máy uốn ống là: máy CNC, máy cơ, vam uốn. Máy CNC có giá rất cao, khoảng trên dưới 1 tỷ đồng, các loại máy cơ cũng có giá vài trăm triệu đồng. Máy uốn thủy lực 1 trục NC do anh thiết kế có thể cạnh tranh được với 2 dòng máy này ở cả phương diện giá lẫn năng suất. Giá thành sản phẩm thấp hơn 5 lần so với các loại máy uốn cơ, 3 lần so với máy uốn CNC. Về năng suất lao động, sản phẩm này có năng suất cao gấp gần 5 lần so với máy uốn cơ và gần 3 lần so với máy uốn CNC.

Máy có mức độ tự động hóa cao, có thể kết hợp với các máy móc khác để tạo nên dây chuyền sản xuất tự động hoàn toàn. Màn hình cảm ứng, ngôn ngữ tiếng Việt (phần mềm tiếng Việt do chính anh Lâm thiết kế) nên không yêu cầu lao động có trình độ kỹ thuật. Máy có hệ thống đếm sản phẩm làm được, thuận tiện cho quá trình quản lý sản xuất.

Khó tiếp cận khách hàng vì tâm lý chuộng hàng ngoại

Thiết kế, sản xuất được máy uốn thủy lực 1 trục NC có nhiều ưu điểm nhưng anh Lâm hiện vẫn chưa tiếp cận được với nhiều khách hàng. Ngoài nguyên nhân về khâu quảng bá sản phẩm thì “rào cản” lớn nhất chính là tâm lý của khách hàng. Bản thân anh Lâm tự tin có thể cạnh tranh về chất lượng, giá cả so với tất cả các dòng máy hiện có trên thị trường. Tuy nhiên, vì tâm lý khách hàng chưa tin tưởng người Việt có thể tự sản xuất được những loại máy móc này nên vẫn ưu tiên tìm đến các loại máy có xuất xứ nước ngoài, đặc biệt là Đài Loan, Nhật Bản.

Hải Yến

Tin xem nhiều