Báo Đồng Nai điện tử
En

Chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Trị An

08:11, 04/11/2021

Với diện tích mặt nước trên 32 ngàn ha, ngoài nhiệm vụ của một hồ thủy điện, hồ Trị An (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, viết tắt là Khu bảo tồn) còn là nguồn sống của gần 1 ngàn hộ dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Với diện tích mặt nước trên 32 ngàn ha, ngoài nhiệm vụ của một hồ thủy điện, hồ Trị An (thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, viết tắt là Khu bảo tồn) còn là nguồn sống của gần 1 ngàn hộ dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản.

Một góc làng bè Suối Tượng (ấp 4, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu)
Một góc làng bè Suối Tượng (ấp 4, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu)

“Ngư dân chúng tôi được hồ Trị An cưu mang, bao bọc. Cho nên, chúng tôi luôn ý thức phải có trách nhiệm cùng với Khu bảo tồn, cán bộ kiểm lâm lòng hồ bảo vệ nguồn sống của mình” - ông Bảy Phước (ngụ ấp 4, xã Mã Đà, H.Vĩnh Cửu) bộc bạch.

* Lấy hồ làm nhà

Hồ Trị An có 6 khu làng bè thuộc: KP.1, TT.Vĩnh An; ấp 1, ấp 4, xã Mã Đà (H.Vĩnh Cửu); ấp 5, xã La Ngà; ấp 7, xã Thanh Sơn; khu vực hồ giáp các xã: Thanh Sơn, Phú Cường, Phú Ngọc, La Ngà (H.Định Quán). Trong đó, có hơn 600 bè vừa nuôi cá vừa ở, 536 bè chỉ để ở. Theo Khu bảo tồn, đa phần dân cư sinh sống tại các làng bè là Việt kiều Campuchia, thu nhập chính của họ chủ yếu là đánh bắt, nuôi thủy sản.

Có mặt tại làng bè Suối Tượng (ấp 4, xã Mã Đà) từ năm 1990, ông Bảy Phước (Việt kiều Campuchia) quen thuộc từng eo, ngách lòng hồ Trị An. Ông Bảy Phước cho biết, ngày về hồ Trị An, ông chỉ có vài tay lưới và chiếc xuồng máy cũ. Nhờ hồ Trị An nhiều cá, lại ít người đánh bắt nên ông dần dà sắm được xuồng mới, bè ở vững chắc, nuôi dạy các con trưởng thành. “Sau những tháng ngày bôn ba xứ người, tôi và nhiều Việt kiều Campuchia trở lại quê hương và được chính quyền, cán bộ Khu bảo tồn giúp đỡ, tạo điều kiện làm ăn, sinh sống trên hồ Trị An nên đời sống ngày càng ổn định, không còn bấp bênh như trước” - ngư dân Bảy Phước nói.

Sóng nước làm cho chiếc bè ở trên hồ của ngư dân Ba Hùng (thuộc KP.1, TT.Vĩnh An) bập bềnh theo từng nhịp. Nhẹ tay đỡ mũi ghe cho khách ghé thăm, ông Ba Hùng hồ hởi mời mọi người lên bè với bình trà nóng pha sẵn. Với ông Ba Hùng, cán bộ kiểm lâm lòng hồ thuộc Trạm Kiểm lâm số 1, 2 và Tổ Kiểm lâm cơ động hồ Trị An cũng như phóng viên báo chí luôn là những người bạn thân thiết, đồng hành với cư dân làng bè nơi đây.

Ngư dân Ba Hùng bộc bạch, nhờ báo chí mà nhiều ngư dân làng bè được các mạnh thường quân phương xa tìm đến tặng quà, hỗ trợ kinh phí làm ăn và tu sửa bè. Chính quyền các địa phương phối hợp với kiểm lâm làm giấy tờ, hộ khẩu, trợ cấp xã hội, nhất là động viên ngư dân sống trên các làng bè chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản, giữ gìn an ninh trật tự, đoàn kết tương trợ nhau nên mọi người rất yên tâm bám hồ mưu sinh.

“Dù nhà chúng tôi không có móng, được nâng đỡ bằng những cái phuy rỗng, di chuyển vị trí theo mực nước hồ lên xuống. Tuy vậy, chỉ cần chính quyền địa phương, kiểm lâm cần hỗ trợ khi xảy ra vấn đề gì về an ninh trật tự ở làng bè là ngư dân chúng tôi sẽ có mặt để cùng bảo vệ bình yên cho hồ Trị An” - ngư dân Ba Hùng hào sảng nói.

* Bảo vệ quyền lợi cho ngư dân

Theo các ngư dân ở hồ Trị An, nguồn lợi thủy sản hồ Trị An những năm gần đây không dồi dào như trước nhưng vẫn đảm bảo cuộc sống cho những ngư dân kiên trì bám nghề, đánh bắt kết hợp nuôi trồng.

Vợ chồng ngư dân Hai Mạnh, làng bè Suối Tượng, dọn dẹp khu vực nuôi cá bè. Ảnh: Đoàn Phú
Vợ chồng ngư dân Hai Mạnh, làng bè Suối Tượng, dọn dẹp khu vực nuôi cá bè. Ảnh: Đoàn Phú

Ngư dân Út Cường (ấp Bến Nôm 2, xã Phú Cường, H.Định Quán) cho biết, nguồn lợi thủy sản giảm, nhất là những loại đặc sản của hồ Trị An như: chim trắng, lóc bông, bông lau, bống tượng, tôm càng xanh… khó đánh bắt hơn. Bù lại, giá trị thị trường của nó cao gấp đôi so với vài năm trước.

Cũng theo ngư dân Út Cường, mặc dù Khu bảo tồn hằng năm thả bổ sung hàng chục tấn cá giống các loại, bảo vệ nghiêm ngặt các vùng cá đẻ, ngăn chặn việc đánh bắt cá bằng xung điện, lưới te, đăng, lợp xếp. Tuy vậy, vẫn còn những người đánh bắt tận diệt một cách lén lút, chống đối lại lực lượng kiểm lâm. Những người này đã không chấp hành đúng với những gì đã ký kết với Khu bảo tồn trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Trị An.

Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản hồ Trị An, đảm bảo ngư dân chấp hành đúng quy định khai thác thủy sản, Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay, Khu bảo tồn đã tổ chức tuyên truyền 12 buổi với 700 lượt ngư dân tham dự, ký kết hợp đồng khai thác thủy sản với hàng trăm phương tiện khai thác thủy sản. Đồng thời, Khu bảo tồn thường xuyên phối hợp với các địa phương tổ chức tuần tra, kiểm tra và đã phát hiện 117 trường hợp vi phạm hợp đồng khai thác thủy sản, phá hủy 176 đăng (dụng cụ ngư dân dùng để ngăn chặn hướng di chuyển của thủy sản trên các đoạn suối, eo, ngách), 73 máy xung điện, 30 lưới chài điện; lập hồ sơ chuyển Chi cục Thủy sản Đồng Nai (Sở NN-PTNT tỉnh) xử phạt hành chính số tiền 15,5 triệu đồng đối với 4 trường hợp vi phạm.

Bên cạnh đó, nhằm bảo vệ bền vững nguồn thủy sản trên hồ Trị An, Khu bảo tồn còn thả bổ sung 600 ngàn con cá giống (chép, trôi) xuống hồ, miễn thu phí khai thác thủy sản cho ngư dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 (từ tháng 7-2021 đến nay); hỗ trợ trên 2 ngàn phần quà trị giá 135 triệu đồng cho ngư dân gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đặc biệt, đã triển khai Đề án Thực hiện chuyển đổi nghề cho ngư dân bị ảnh hưởng theo Thông tư 19/2018/TT-BNNPTNT ngày 15-11-2018 của Bộ NN-PTNT trên địa bàn tỉnh...

Nói về chính sách hỗ trợ ngư dân hoạt động nghề, ngư cụ bị cấm, Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo cho biết thêm, căn cứ Nghị quyết số 10/2021/NQ-HĐND ngày 30-7-2021 HĐND tỉnh khóa X tại Kỳ họp thứ 2, quy định chế độ hỗ trợ ngư dân chấm dứt sử dụng nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, thì ngư dân hành nghề với ngư cụ: te, đăng, lồng xếp (lợp xếp), đáy nếu chuyển đổi, bỏ nghề sẽ được hỗ trợ như sau: 14 triệu đồng/ngư dân (ngư cụ te); 17,5 triệu đồng/ngư dân (ngư cụ đăng); 35 triệu đồng/ngư dân (ngư cụ lồng xếp); 40 triệu đồng/ngư dân (ngư cụ đáy).

“Chính sách này sẽ giúp ngư dân đang dùng ngư cụ, nghề bị cấm có điều kiện chuyển sang đánh bắt bằng những nghề, ngư cụ không bị cấm. Đồng thời, giúp cho việc khai thác thủy sản hồ Trị An bền vững, đúng quy định pháp luật, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và công bằng giữa các ngư dân” - Giám đốc Khu bảo tồn Nguyễn Hoàng Hảo nói.

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn NGUYỄN HỮU PHƯỚC cho biết, việc chấp hành các quy định của Khu bảo tồn về bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không sử dụng ngư cụ, nghề bị cấm của ngư dân sinh sống nơi hồ Trị An thời gian qua khá tốt. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận nhỏ ngư dân thiếu ý thức tuân thủ. Thời gian tới, Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các vi phạm nhằm bảo vệ bền vững nguồn thủy sản hồ Trị An.

Đoàn Phú

Tin xem nhiều