Báo Đồng Nai điện tử
En

Lo ngại thiếu nhân lực điều trị bệnh nhân Covid-19

08:10, 31/10/2021

Từ ngày 19-8, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành triển khai khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 250 giường bệnh, trong đó có 100 giường hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 nặng, 150 giường điều trị bệnh nhân ở mức độ trung bình.

Từ ngày 19-8, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành triển khai khu điều trị bệnh nhân Covid-19 với quy mô 250 giường bệnh, trong đó có 100 giường hồi sức tích cực bệnh nhân Covid-19 nặng, 150 giường điều trị bệnh nhân ở mức độ trung bình.

Các bác sĩ hội chẩn về một số trường hợp bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: Hạnh Dung
Các bác sĩ hội chẩn về một số trường hợp bệnh nhân Covid-19 đang điều trị tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành. Ảnh: Hạnh Dung

Sau hơn 2,5 tháng, các hoạt động chuyên môn của khu điều trị bệnh nhân Covid-19 đã đi vào ổn định. Tuy nhiên, bệnh viện đang gặp phải khó khăn rất lớn khi 2 đoàn cán bộ y tế hỗ trợ gồm 60 người của 2 tỉnh Hưng Yên và Nghệ An đã đều rút đi.

* Khó khăn khi lực lượng hỗ trợ rút đi

BS Nguyễn Văn Cao, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành cho biết, nhân lực của bệnh viện hiện phân chia thành 3. Có 20 bác sĩ, điều dưỡng đang làm nhiệm vụ ở Bệnh viện Dã chiến số 7 (ký túc xá Trường THPT Trấn Biên, TP.Biên Hòa), một bộ phận trực cấp cứu ban đầu ở bệnh viện nên chỉ còn khoảng hơn 40 bác sĩ, điều dưỡng làm việc ở khu điều trị bệnh nhân Covid-19.

Giai đoạn đầu khi triển khai khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tầng 2 và tầng 3, bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn, từ nhân lực đến trang thiết bị, máy móc. Sau đó, được sự hỗ trợ của Sở Y tế Nghệ An và Sở Y tế Hưng Yên, bệnh viện có thêm 60 bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Do số lượng bệnh nhân Covid-19 nặng nhiều và tăng nhanh, có lúc lên đến 180 bệnh nhân, trong số đó có 30% bệnh nhân nặng, phải thở máy, thở oxy, nhân viên y tế lại chưa có nhiều kinh nghiệm nên công việc rất vất vả.

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất hiện nay của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành là thiếu nhân lực chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19. Bởi lẽ, đoàn cán bộ y tế của tỉnh Hưng Yên đã rút đi. Cuối tuần trước, đoàn cán bộ y tế của tỉnh Nghệ An cũng đã trở về, chỉ còn lại 15 bác sĩ và 30 điều dưỡng.

Theo BS Cao, sắp tới đây, tỉnh sẽ giải thể 8/11 bệnh viện dã chiến (tầng 2), chỉ giữ lại 3 bệnh viện dã chiến. Điều đó đồng nghĩa với việc số giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tầng 2 sẽ bị thu hẹp rất nhiều và không phải tất cả các bệnh nhân Covid-19 đang điều trị ở các bệnh viện dã chiến đều sẽ được xuất viện về nhà khi bệnh viện giải thể.

Mặt khác, những ngày gần đây, số ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng ở mức cao, ở các khu cách ly tập trung vẫn có những bệnh nhân suy hô hấp nặng. Do đó, dự báo số lượng bệnh nhân được đưa vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tầng 2, tầng 3 Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành sẽ tăng cao.

“Lãnh đạo bệnh viện đang rất đau đầu về vấn đề nhân lực. Chúng tôi đã có văn bản đề nghị Sở Y tế hỗ trợ về nhân lực với số lượng khoảng 30 bác sĩ, 60 điều dưỡng để bệnh viện tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19 ở tầng 2 và tầng 3” - BS Cao chia sẻ.

* Nhân viên y tế rất cần được nghỉ ngơi để lại sức

BS Nguyễn Đình Thính, Bệnh viện Đa khoa Quang Khởi, tỉnh Nghệ An, Trưởng đoàn cán bộ y tế tỉnh Nghệ An hỗ trợ cho Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành thời gian qua cho biết, đoàn cán bộ y tế tỉnh Nghệ An đến Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành hỗ trợ từ ngày 15-8, gồm 9 bác sĩ và 21 điều dưỡng, kỹ thuật viên của 13 đơn vị y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Sau 2,5 tháng làm việc tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành, may mắn không có nhân viên y tế nào bị lây nhiễm chéo Covid-19.

BS Thính cho biết thêm, thời điểm đoàn cán bộ y tế Nghệ An vào Đồng Nai thì Nghệ An mới chỉ xuất hiện lác đác vài ca nhiễm Covid-19. Mặc dù trước đó đã được tập huấn những kiến thức chuyên môn liên quan đến công tác điều trị bệnh nhân Covid-19, kiểm soát nhiễm khuẩn, chống lây nhiễm chéo… nhưng thực tế tính chất công việc phức tạp và vất vả hơn rất nhiều. Tuy nhiên, qua thực tế hỗ trợ thời gian qua, đoàn cán bộ y tế tỉnh Nghệ An đã được nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tay nghề, hiểu rõ hơn về công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 để có thể áp dụng tại địa phương khi cần thiết.

“Theo lệnh điều động, chúng tôi sẽ về Nghệ An để nghỉ ngơi dưỡng sức và thực hiện nhiệm vụ theo phân công của đơn vị quản lý” - BS Thính chia sẻ.

Trong khi đó, BS Nguyễn Văn Quý, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Trưởng khu điều trị Covid-19 Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành tâm sự, anh bắt đầu làm việc tại khu điều trị Covid-19 khi vợ mới sinh con được 14 ngày. Không chỉ riêng anh mà còn nhiều đồng nghiệp cũng đã nhiều tháng xa gia đình. Hơn 2,5 tháng làm việc trong điều kiện môi trường căng thẳng, các bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên mong muốn có thêm nhân sự thay thế để họ có thể có một thời gian ngắn nghỉ ngơi lấy lại sức. Sau đó sẽ tiếp tục quay trở lại khu điều trị để làm nhiệm vụ.

Công tác điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành thời gian qua đạt nhiều kết quả tích cực khi có 247 trường hợp đã được điều trị khỏi, xuất viện, 3 tuần gần đây không ghi nhận trường hợp bệnh nhân Covid-19 tử vong. Bệnh viện hiện đang điều trị cho 21 bệnh nhân Covid-19. Trong đó có 2 bệnh nhân phải thở oxy dòng cao (HFNC), 19 bệnh nhân thở oxy, 15 bệnh nhân có bệnh lý nền và nguy cơ khác.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều