Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo vệ trái tim khỏe mạnh

09:10, 14/10/2021

Mỗi năm, trên thế giới có 17,9 triệu người tử vong vì bệnh lý tim mạch. Tại Việt Nam, con số này là 200 ngàn người. Bệnh có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây.

Mỗi năm, trên thế giới có 17,9 triệu người tử vong vì bệnh lý tim mạch. Tại Việt Nam, con số này là 200 ngàn người. Bệnh có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây.

Yoga là một trong những giải pháp nhằm giảm bớt áp lực và stress trong cuộc sống. Ảnh: C.T.V
Yoga là một trong những giải pháp nhằm giảm bớt áp lực và stress trong cuộc sống. Ảnh: C.T.V

* Những bệnh lý về tim mạch thường gặp

BS Nguyễn Tất Trung, Khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, trong số các bệnh về tim mạch, bệnh động mạch vành đang có dấu hiệu tăng dần. Những dấu hiệu thường gặp của bệnh động mạch vành như: đau thắt ngực, khó thở, cảm giác nặng nề ở vùng tim.

Bệnh tiếp theo là rối loạn nhịp tim, tức là tình trạng bất thường về tần số tim như quá nhanh (trên 100 nhịp/phút) hoặc quá chậm (dưới 60 nhịp/phút) hoặc không đều.

Dấu hiệu nhận biết như: hồi hộp, trống ngực, cảm nhận nhịp tim lúc đập nhanh hơn hoặc đập chậm hơn bình thường, mệt mỏi, khó thở, hụt hơi, đau ngực, choáng váng, chóng mặt, ngất…

Bệnh van tim là tình trạng bệnh lý của tim, thường biểu hiện dưới hai dạng tổn thương chính là hẹp van tim và hở van tim, hoặc có thể xuất hiện tình trạng 1 van tim có 2 tổn thương cả hẹp và hở van tim. Hẹp van tim khiến cho các van tim trở nên dày và cứng, làm hạn chế khả năng mở của van tim, cản trở sự lưu thông dòng máu.

Ngược lại, khi các van tim đóng không kín do giãn vòng van, thoái hóa, dính, co rút hoặc các dây chằng van tim quá dài sẽ gây ra tình trạng hở van tim, điều này có thể làm cho dòng máu trào ngược lại trong thời kỳ đóng van.

Các dấu hiệu cảnh báo bệnh van tim như: khó thở, tăng nặng khi người bệnh nằm xuống; mệt mỏi; tim đập nhanh; đánh trống ngực; chóng mặt, hoa mắt; sưng chân, mắt cá chân; ho khan, nhất là vào ban đêm.

Bệnh tim bẩm sinh xuất hiện từ khi trẻ mới sinh và có thể ảnh hưởng đến cấu trúc của tim và cách thức hoạt động của tim em bé. Bệnh tim bẩm sinh được biết đến là dạng dị tật phổ biến nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong của các ca dị tật bẩm sinh ở trẻ em.

Với những trẻ sơ sinh mắc bệnh tim bẩm sinh nặng, bác sĩ khuyến cáo làm phẫu thuật hoặc làm các thủ thuật cần thiết trong những năm đầu đời.

Dấu hiệu nhận biết trẻ bị bệnh tim bẩm sinh: Trẻ không khóc sau sinh, môi, da tím tái và các ngón tay hơi xanh; trẻ khó khăn khi thở hoặc thở nhanh; thể chất chậm phát triển, nhẹ cân khi sinh; khó khăn trong việc ăn uống, khó hấp thu; trẻ thường xuyên ho, khò khè, tình trạng tái diễn nhiều lần; tim đập mạnh bất thường; khó thở khi bú và không chịu bú mẹ.

Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng tiếp nhận máu để cung cấp máu cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể.

Các dấu hiệu và triệu chứng suy tim có thể khác nhau ở mỗi người, trong đó một số dấu hiệu thường gặp như: bệnh nhân khó thở khi gắng sức, lúc nằm xuống; mệt mỏi nhiều ngày, ăn không ngon, suy nhược cơ thể; chân, mắt cá chân bị sưng phù; nhịp tim nhanh hoặc không đều; giảm khả năng tập thể dục; ho nhiều ngày không khỏi, thở khò khè kèm theo có đờm màu trắng; tiểu đêm nhiều lần; tăng cân rất nhanh do giữ nước; chán ăn và buồn nôn; không thể tập trung làm việc hoặc giảm tỉnh táo; khó thở đột ngột, dữ dội và ho; đau ngực…

* Kiểm soát các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch

Theo BS Nguyễn Tất Trung, để kiểm soát các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh tim mạch, người dân nên giảm muối khi chế biến thức ăn và tại bàn ăn. Tránh hoặc hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều muối như: nước tương, thức ăn nhanh và thực phẩm chế biến, bao gồm bánh mì và ngũ cốc chứa nhiều muối.

Ăn một chế độ ăn giàu ngũ cốc, trái cây, rau, chất béo không bão hòa và các sản phẩm từ sữa và giảm thực phẩm nhiều đường, chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa. Tăng lượng rau có hàm lượng nitrat cao được biết là làm giảm huyết áp, chẳng hạn như rau lá và củ cải đường. Các thực phẩm và chất dinh dưỡng có lợi khác bao gồm những loại chứa nhiều magiê, canxi và kali như: bơ, các loại hạt, đậu và đậu phụ.

Tiêu thụ vừa phải cà phê, trà xanh và trà đen. Các loại đồ uống khác có thể có lợi bao gồm: trà karkadé (hibiscus), nước ép lựu, nước ép củ cải đường và ca cao. Sử dụng rượu điều độ và tránh uống say.

Kiểm soát trọng lượng cơ thể được chỉ định để tránh béo phì, đặc biệt là béo bụng. Ngừng hút thuốc lá.

Tập thể dục nhịp điệu và các bài tập đối kháng thường xuyên có thể có lợi ích cho cả việc phòng ngừa lẫn điều trị tăng huyết áp. Tập thể dục cường độ vừa phải như: đi bộ, chạy bộ, yoga, hoặc bơi khoảng 30 phút từ 5-7 ngày/tuần. Rèn luyện sức mạnh cũng có thể giúp giảm huyết áp.

Căng thẳng kéo dài có liên quan đến huyết áp cao sau này trong cuộc sống. Mặc dù cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định ảnh hưởng của stress kéo dài đối với huyết áp, các thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên kiểm tra tác động của yoga/ngồi thiền đối với huyết áp cho thấy thực hành này làm giảm huyết áp. Căng thẳng nên được giảm bớt và ngồi thiền hoặc yoga được đưa vào thói quen hằng ngày.

Giảm tiếp xúc với ô nhiễm không khí và nhiệt độ lạnh. Khi mắc bệnh nên sử dụng thuốc theo đúng khuyến cáo của bác sĩ, tránh tự ý sử dụng thuốc.

Hạnh Dung (ghi)

Tin xem nhiều