Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm áp lực cho chương trình giáo dục phổ thông mới

10:09, 08/09/2021

Năm học 2021-2022 là năm thứ 2 ngành GD-ĐT Đồng Nai triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) và thực hiện thay sách giáo khoa (SGK). Ngoài lớp 1 thì năm học mới này, chương trình GDPTM và SGK mới còn áp dụng với lớp 2 và lớp 6.

Năm học 2021-2022 là năm thứ 2 ngành GD-ĐT Đồng Nai triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) và thực hiện thay sách giáo khoa (SGK). Ngoài lớp 1 thì năm học mới này, chương trình GDPTM và SGK mới còn áp dụng với lớp 2 và lớp 6.

Giáo viên Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) tập huấn phương pháp giáo dục STEM phục vụ cho học sinh năm học mới. Ảnh: C.Nghĩa
Giáo viên Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (TP.Biên Hòa) tập huấn phương pháp giáo dục STEM phục vụ cho học sinh năm học mới. Ảnh: C.Nghĩa

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài suốt từ cuối năm học 2020-2021 cho đến nay nên các nhà trường không có nhiều thời gian để chuẩn bị một cách tốt nhất.

* Nhiều khó khăn

Hiệu trưởng Trường tiểu học Tân Tiến (P.Tân Tiến, TP.Biên Hòa) Đào Thị Kim Phượng cho biết: “Năm học 2021-2022, khó khăn chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều khi có cùng lúc 2 khối lớp học chương trình mới, trong khi thời gian chuẩn bị cho năm học không có nhiều, còn dịch bệnh thì vẫn đang diễn biến phức tạp, học sinh chưa biết ngày chính thức được đến trường”.

Chia sẻ về những khó khăn của Trường tiểu học Tân Tiến khi năm học mới 2021-2022 sắp bắt đầu, cô Đào Thị Kim Phượng cho biết, năm học mới bắt đầu nhưng nhà trường vẫn đang được trưng dụng làm khu cách ly y tế, nhiều giáo viên tham gia chống dịch… Để chuẩn bị các điều kiện cho năm học mới cũng như triển khai chương trình GDPTM mới đối với lớp 1 và lớp 2, giáo viên của trường chủ yếu được tập huấn SGK và phối hợp xây dựng bài giảng với nhau bằng hình thức trực tuyến.

Hiệu trưởng Trường THCS Trảng Dài (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) Nguyễn Hải Anh cho hay, năm học 2021-2022 là năm đầu tiên nhà trường triển khai áp dụng chương trình GDPTM và thay SGK mới đối với lớp 6. Dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn phường phức tạp, trường nhường cơ sở vật chất cho phường làm cơ sở cách ly y tế, nhiều giáo viên của trường tích cực tham gia tình nguyện chống dịch trên địa bàn phường. Việc triển khai chương trình mới đối với lớp 6 trong điều kiện hiện nay có thể nói là rất khó khăn khi giáo viên không có nhiều thời gian để chuẩn bị.

Theo hiệu trưởng nhiều trường tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh, chưa có năm học nào mà việc triển khai năm học mới lại khó khăn như năm học 2021-2022 này. Dịch bệnh Covid-19 đã tạo áp lực lớn đối với nhà trường và giáo viên khi nhiệm vụ và công việc chuẩn bị cho năm học mới thì nhiều nhưng thời gian lại không có, nhất là với những giáo viên được giao phụ trách các lớp 1, 2 và 6.

* Cùng vượt qua áp lực

Cô Đỗ Thị Cao Sang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết, trước khi năm học cũ kết thúc, nhà trường đã triển khai cho giáo viên tiếp cận tìm hiểu chương trình GDPTM, SGK mới đối với lớp 6. Khi chưa thực hiện giãn cách xã hội, giáo viên có thể đến trường trao đổi với nhau về chuyên môn, còn từ khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, cơ sở vật chất của trường lại được trưng dụng làm khu cách ly y tế của P.Trung Dũng, giáo viên chủ yếu ở nhà chuẩn bị cho năm học mới bằng các buổi họp và thảo luận trực tuyến.

Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH cho biết, dịch bệnh Covid-19 bùng phát trở lại và phức tạp như hiện nay đang đe dọa không nhỏ đến việc triển khai năm học mới, nhất là chương trình GDPTM. Ngành GD-ĐT đang từng bước thích nghi với khó khăn của dịch bệnh, khó khăn đến đâu tháo gỡ đến đó, trong đó có việc phải ứng phó với tình hình dịch bệnh để triển khai nhiệm vụ năm học mới bằng hình thức dạy học qua truyền hình, trực tuyến. Với những khó khăn quá lớn vượt khả năng, các trường có thể kiến nghị với Sở GD-ĐT để kịp thời tháo gỡ. Trước mắt, cần chuẩn bị tốt về đội ngũ giáo viên, giáo án, giúp học sinh thích nghi nhanh với phương pháp học tập mới bằng công nghệ…

Đứng trước nhiệm vụ của năm học mới 2021-2022, cô Đỗ Thị Cao Sang chia sẻ, từ ban giám hiệu cho đến giáo viên đều cảm thấy áp lực. Áp lực lớn nhất hiện nay là trong tình hình dịch bệnh kéo dài nhiều tháng, học sinh không thể đến trường, thay vào đó các em sẽ học trực tuyến, học qua truyền hình, giáo viên giao bài tập về nhà qua các ứng dụng… sẽ không thể hiệu quả bằng phương pháp học trực tiếp tại trường. Năm học mới cũng sẽ có nhiều thay đổi đối với cách dạy và học đối với học sinh lớp 6 khi áp dụng chương trình mới, SGK mới.

Việc triển khai chương trình GDPTM cũng đặt ra nhiều áp lực cho các địa phương và nhà trường. Một trong những địa phương gặp nhiều khó khăn và áp lực nhất hiện nay là TP.Biên Hòa. Hiện phần lớn các trường trên địa bàn thành phố mới chỉ đáp ứng cơ sở vật chất để tổ chức dạy học 1 buổi/ngày. Trong khi đó, chương trình mới đòi hỏi phải đảm bảo cơ sở vật chất học 2 buổi/ngày. Việc mỗi năm học lại có thêm những khối lớp mới áp dụng chương trình mới cũng đòi hỏi thành phố không chỉ chuẩn bị về cơ sở vật chất mà còn cần bổ sung thêm nhiều giáo viên hơn.

Bên cạnh đó, còn là nỗi lo về kinh phí khi đáp ứng dạy và học, trong khi việc dạy và học 2 buổi/ngày lại không được thu thêm các khoản tiền để bù đắp.

Hiệu trưởng một trường THCS trên địa bàn TP.Biên Hòa cho biết: “Những năm trước, hoạt động giáo dục trải nghiệm không bắt buộc, còn ở năm học mới này với học sinh lớp 6 môn giáo dục trải nghiệm đã được quy định thành môn “cứng”, trong khi hoạt động trải nghiệm thì không thể bắt học sinh “ngồi một chỗ” mà trải nghiệm được. Chúng tôi rất lo nếu phải thêm một khoản thu nào đó để chi cho các hoạt động trải nghiệm trong năm học sắp tới”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều