Báo Đồng Nai điện tử
En

Mua bán online: Khó kiểm soát chất lượng hàng hóa

08:09, 09/09/2021

Việc đóng cửa hàng loạt chợ truyền thống, chợ tự phát nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 khiến nhiều người đã tìm mua hàng hóa, thực phẩm ở các kênh bán hàng online trên mạng xã hội (MXH).

Việc đóng cửa hàng loạt chợ truyền thống, chợ tự phát nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19 khiến nhiều người đã tìm mua hàng hóa, thực phẩm ở các kênh bán hàng online trên mạng xã hội (MXH).

Hiện các siêu thị đều có kênh bán hàng online rất tiện lợi cho khách hàng, yên tâm về chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Tâm
Hiện các siêu thị đều có kênh bán hàng online rất tiện lợi cho khách hàng, yên tâm về chất lượng sản phẩm. Trong ảnh: Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh thường xuyên kiểm tra chất lượng hàng hóa tại các siêu thị trên địa bàn TP.Biên Hòa. Ảnh: T.Tâm

Hiện có nhiều kênh bán hàng online được mở ra và khách hàng có thể dễ dàng lựa chọn để mua lương thực, thực phẩm trong thời điểm toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội.

* Vui buồn mua hàng online

Chị Nguyễn Thị Bích (29 tuổi, ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, thời gian đầu toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội, để kiếm nguồn lương thực, thực phẩm mua rất khó khăn. Tuy nhiên, khi được giới thiệu vào nhóm “chợ Trảng Dài Biên Hòa”, chị đã dễ dàng mua đủ mặt hàng từ thực phẩm chế biến sẵn, hàng đông lạnh, hải sản tươi sống, rau củ… và được giao đến tận nhà. Việc này vừa tiện lợi, đỡ mất thời gian đi lại và không đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh.

Chỉ trong tháng 7 và 8-2021, Cục QLTT tỉnh đã phát hiện 83 vụ vi phạm/105 vụ kiểm tra. Phần lớn các vụ việc vi phạm đều đã bị xử lý với tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước là gần 450 triệu đồng, tổng giá trị hàng hóa vi phạm ước tính khoảng gần 450 triệu đồng. Trong đó các nội dung xử lý vi phạm chủ yếu về hàng giả, hàng hóa không rõ nguồn gốc, vi phạm nhãn hàng hóa, vi phạm trong lĩnh vực giá…

Bên cạnh những tiện ích nêu trên thì không ít người cho rằng, việc đi chợ online cũng tiềm ẩn không ít rủi ro, bất tiện do giá cả, chất lượng hàng hóa không có sự kiểm soát… Chị Bùi Thị Hoa (35 tuổi, ngụ P.Tân Phong) cho hay, thời gian qua do khó ra đường nên chị thường xuyên lên trang MXH “Chợ cây xăng 26” để mua thực phẩm. Bên cạnh những người bán hàng uy tín, vẫn có một số người bán hàng chất lượng kém, không đúng như quảng cáo. “Có hôm tôi mua tôm tươi về nấu cho con nhưng khi được giao hàng mới phát hiện tôm đã chết lâu rồi. Có lúc nhìn trên mạng rau củ tươi ngon, nhưng khi được người bán giao thì hàng đã bị hỏng gần một nửa. Không nhận thì tội người giao hàng vì họ phải vất vả làm việc trong mùa dịch, mà nhận thì bực mình vì người bán “treo đầu dê bán thịt chó” - chị Hoa kể lại.

Cũng trong giai đoạn hàng hóa khó lưu thông, một số mặt hàng khan hiếm thì một số người bán hàng trên Facebook lại đẩy giá lên cao nhưng do đang cần nên người mua đành chấp nhận. Anh Nguyễn Văn Hoạt (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) cho hay, gia đình anh có 2 con nhỏ phải dùng đến các loại sữa nên phải tìm mua trên MXH. Ngoài băn khoăn về chất lượng sữa thì việc sữa bị đẩy giá lên cao, tăng từ 40-80 ngàn đồng/hộp sữa bột 900g cũng là điều khiến anh lo lắng bởi 2 vợ chồng anh đang nghỉ việc ở nhà, không có thu nhập.

* Khó kiểm soát hàng hóa bán qua MXH

Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Trần Quang Khải cho biết, trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hiện chỉ những mặt hàng thiết yếu được kinh doanh như: lương thực, thực phẩm, vật tư y tế… Để kiểm soát các mặt hàng này trên thị trường, các đội QLTT vẫn liên tục thực hiện công tác kiểm tra, giám sát các mặt hàng lưu thông chủ yếu trong các siêu thị, cửa hàng kinh doanh. Điều này vừa đảm bảo chất lượng, mẫu mã, đồng thời sớm phát hiện những hành vi trục lợi từ dịch bệnh để đầu cơ, găm hàng, đẩy giá hàng hóa lên cao…

Quản trị viên một trang bán hàng online ở TP.Biên Hòa mỗi ngày duyệt hơn 700 bài đăng mua bán hàng hóa và lọc bớt những người bán hàng “bẩn”
Quản trị viên một trang bán hàng online ở TP.Biên Hòa mỗi ngày duyệt hơn 700 bài đăng mua bán hàng hóa và lọc bớt những người bán hàng “bẩn”

Điển hình như ngày 22-8, Cục QLTT phối hợp với các lực lượng chức năng khác kiểm tra, phát hiện tại hộ gia đình ông Đ.N.G. (ngụ P.Long Bình, TP.Biên Hòa) có hơn 1 tấn khẩu trang y tế (tương đương khoảng 237 ngàn cái khẩu trang), trong đó có khoảng 2,3 ngàn cái khẩu trang y tế thành phẩm. Theo ông G. khai báo, số khẩu trang y tế trên là khẩu trang bị lỗi, hư của các cơ sở sản xuất khẩu trang ở TP.HCM được ông mua về để tái chế. Tại thời điểm kiểm tra, ông G. chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ hay giấy tờ liên quan đến lô hàng khẩu trang nói trên. Lực lượng chức năng đã lập biên bản xử lý và tiếp tục điều tra, xác minh.

Bên cạnh đó, các đội QLTT cũng đang phối hợp với UBND các xã, phường, thị trấn yêu cầu các tiểu thương, cơ sở kinh doanh các mặt hàng thiết yếu trên địa bàn tỉnh ký cam kết niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết theo chỉ đạo của Cục QLTT. Đến nay, đã có gần 600 bản cam kết tại các địa phương trong tỉnh.

Cũng theo ông Khải, các trang bán hàng online đang nở rộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mua bán hàng nhưng việc kiểm soát chất lượng và giá cả các mặt hàng này rất khó khăn. Bởi người bán hàng thường ở một nơi và hàng hóa được để nơi khác nên hầu như lực lượng chức năng khó tiếp cận; nhất là giao dịch đều thực hiện qua MXH, không có hóa đơn, chứng từ rõ ràng nên không có căn cứ để xử lý. Hơn nữa, thông thường khách hàng khi mua hàng online gặp các vấn đề như hàng hóa kém chất lượng, bị đẩy giá cao… thường không trình báo cơ quan chức năng do giá trị hàng hóa thấp hoặc ngại mất thời gian đi lại giải quyết, nhất là trong thời điểm dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.

Theo ông Khải, nếu người dân mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng (ngay cả trên MXH), nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ thì cần trình báo ngay cơ quan chức năng để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý các trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu, vật tư y tế.

Một số quản trị viên của các trang bán hàng online cũng thừa nhận, để kiểm soát chất lượng hàng hóa là rất khó khăn vì mọi giao dịch đều thực hiện trên mạng. Nếu xác định người bán hoặc khách hàng có hành vi mua bán gian dối, quản trị viên sẽ loại người bán hoặc mua ra khỏi nhóm, đồng thời sẽ thông báo lên nhóm để cảnh giác đối với các thành viên khác.

Chị T.H. (quản trị viên một trang bán hàng online tại TP.Biên Hòa) cho hay, mỗi ngày chị phải bỏ thời gian duyệt hơn 700 bài đăng lên trang Facebook do chị thành lập và phải kiểm duyệt chặt chẽ để các thông tin đăng tải lên trang không vi phạm các quy định pháp luật. Bên cạnh đó, chị còn phải giải quyết các vấn đề như bị “bom hàng”, thông tin lừa đảo, bán hàng không đúng chất lượng… “Tôi lập trang bán hàng online này nhằm tạo điều kiện cho người dân có thể dễ dàng mua bán hàng hóa trong thời điểm giãn cách xã hội, đi lại khó khăn. Để kiểm soát chất lượng hàng hóa, tôi đã phải thường xuyên thanh lọc những người bán hàng “bẩn”, kém chất lượng để khách hàng yên tâm khi mua sắm online. Tôi cũng thường xuyên nhắc nhở các thành viên của nhóm hãy là người mua hàng thông thái để cùng tạo ra một nơi giao dịch mua bán uy tín” - chị T.H. chia sẻ.

Tăng cường kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng

Đầu tháng 8-2021, UBND tỉnh có văn bản giao các cơ quan chức năng có thẩm quyền tăng cường công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Khi các cơ sở vi phạm nhiều lần, vi phạm nghiêm trọng cần có biện pháp xử lý nghiêm, đình chỉ hoạt động. Trường hợp chuyển hồ sơ cho địa phương xử lý cần có văn bản đôn đốc, theo dõi, giám sát việc xử lý, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

Tố Tâm

Tin xem nhiều