Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài cuối: Quan tâm hơn nữa đến sức khỏe người lao động

10:05, 05/05/2021

Mục đích của việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (NLĐ) là giúp phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, có hướng điều trị hợp lý, tránh những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe lâu dài cũng như tính mạng của NLĐ.

Mục đích của việc khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (NLĐ) là giúp phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp, có hướng điều trị hợp lý, tránh những hậu quả đáng tiếc về sức khỏe lâu dài cũng như tính mạng của NLĐ.

Người lao động Công ty TNHH Pousung Việt Nam tập thể dục giữa giờ để vừa thư giãn, nghỉ ngơi vừa nâng cao sức khỏe sau những giờ làm việc căng thẳng. Ảnh: H.D
Người lao động Công ty TNHH Pousung Việt Nam tập thể dục giữa giờ để vừa thư giãn, nghỉ ngơi vừa nâng cao sức khỏe sau những giờ làm việc căng thẳng. Ảnh: H.D

[links()]So với tổng số hơn 1,2 triệu công nhân lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh, số công nhân lao động được khám sức khỏe định kỳ, khám bệnh nghề nghiệp hằng năm còn khá khiêm tốn.

* Số NLĐ được khám sức khỏe còn khiêm tốn

Theo báo cáo của Sở Y tế, năm 2018, các cơ quan chức năng đã lập hồ sơ quản lý vệ sinh lao động cho hơn 1,6 ngàn cơ sở lao động; thực hiện quan trắc môi trường lao động tại 368 cơ sở; tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho 74,7 ngàn NLĐ tại 226 DN; khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho hơn 22,5 ngàn người tại 78 DN; tập huấn sơ cấp cứu - phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho hơn 7,1 ngàn người tại 168 DN. Qua hội chẩn, giám định bệnh nghề nghiệp, đã phát hiện 25 người bị điếc nghề nghiệp, 6 người bị viêm gan siêu vi B và 1 người bị bệnh lao nghề nghiệp.

Đến năm 2019, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã khám sức khỏe định kỳ cho gần 39 ngàn NLĐ của 66 DN và khám bệnh nghề nghiệp cho hơn 19,2 ngàn NLĐ tại 76 DN. Qua đó, đã phát hiện 20 trường hợp mắc bệnh nghề nghiệp. Những người này sau đó được đưa đi giám định sức khỏe để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định, chủ yếu liên quan đến bệnh điếc, viêm phế quản, bụi phổi…

Năm 2020, có hơn 15 ngàn NLĐ của 47 DN được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh khám bệnh nghề nghiệp và hơn 18,6 ngàn NLĐ của 39 DN được khám sức khỏe định kỳ.

Đại diện Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa cho biết, trong năm 2020, trên địa bàn khu công nghiệp có 209 trường hợp được phát hiện mắc bệnh nghề nghiệp. Dù 100% NLĐ mắc bệnh nghề nghiệp được điều trị, chăm sóc và được hưởng đầy đủ các chế độ với tổng số tiền khoảng 328 triệu đồng nhưng những hậu quả mà các bệnh nghề nghiệp gây ra đối với sức khỏe, tinh thần, năng suất làm việc của NLĐ thì không đo đếm được. Qua kiểm tra thực tế, vẫn còn một số DN không thực hiện việc đo kiểm môi trường lao động hoặc có đo nhưng chỉ làm cho có lệ. Từ đó, dẫn đến môi trường làm việc của NLĐ không đảm bảo, NLĐ dễ mắc các bệnh nghề nghiệp.

Mới đây, trên địa bàn H.Nhơn Trạch xảy ra vụ tai nạn lao động khiến một nam công nhân tử vong. Nạn nhân là anh P.N.E., 35 tuổi, làm việc tại công ty chuyên sản xuất sợi lốp bánh xe và động cơ mô tô nằm trong Khu công nghiệp Nhơn Trạch 5. Theo đó, khoảng 2 giờ sáng
16-4, trong quá trình làm ca 3, anh E. bị cuốn vào máy làm sợi lốp ô tô. Do vết thương quá nặng, nạn nhân đã không qua khỏi.

Phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nguyễn An Linh chia sẻ, đời sống của đa số NLĐ làm việc trong DN còn nhiều khó khăn. Do đó, nhiều NLĐ lựa chọn làm việc ca đêm hoặc tăng ca để có thêm một khoản thu nhập nhằm trang trải cuộc sống. Thế nhưng, làm việc vào ban đêm trái ngược với nhịp sinh học dễ gây ra căng thẳng, mệt mỏi khiến NLĐ nhiều khi thao tác sai, làm việc không hiệu quả hoặc dễ xảy ra các tai nạn lao động.

Do đó, để phòng những rủi ro đáng tiếc và tác hại của bệnh nghề nghiệp, DN cần tuân thủ nội quy về an toàn lao động, trang bị và hướng dẫn NLĐ sử dụng đồ bảo hộ lao động đúng cách. Ngoài ra, DN cần có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi hợp lý giữa ca cho NLĐ…

“Sức khỏe, tính mạng của NLĐ là vô giá. Do đó, việc đảm bảo sức khỏe cho NLĐ để đồng hành cùng DN không chỉ là lương tâm mà còn là trách nhiệm của chủ DN” - BS Nguyễn An Linh nhấn mạnh.

* Tăng cường kiểm tra, xử phạt

Theo Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, để các DN chấp hành tốt các quy định liên quan đến an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho NLĐ, ngoài sự sát sao trong thanh, kiểm tra, chấn chỉnh của các cơ quan chức năng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn để nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sử dụng lao động. Đồng thời, các mức phạt đối với những DN vi phạm cũng cần được nâng lên nhằm mang tính răn đe đối với các DN.

Theo Sở LĐ-TBXH, trong năm 2020, Sở đã tiếp nhận khai báo sử dụng hơn 2,2 ngàn máy móc, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động của 218 DN. Kiểm tra và hướng dẫn 72 DN đăng ký nội quy lao động. Ngoài ra, Sở đã thực hiện 20 cuộc thanh tra chuyên đề an toàn vệ sinh lao động đối với 20 công trình xây dựng và 14 cuộc thanh tra về chấp hành các quy định của pháp luật lao động, an toàn vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp tại 14 DN; tổ chức hướng dẫn việc chấp hành các quy định của pháp luật lao động và an toàn vệ sinh lao động tại 30 DN khác.

Qua thanh, kiểm tra cho thấy, ngoài một số đơn vị, DN thực hiện tốt vẫn còn có những DN chưa thực sự quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp cho NLĐ. Đặc biệt ở những ngành nghề mang tính chất nặng nhọc, độc hại.

Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Mộng Thu cho rằng, để thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động trong DN, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan đổi mới các hoạt động tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, ý thức thực thi pháp luật và huấn luyện kỹ năng về an toàn vệ sinh lao động cho chủ DN và NLĐ; mở rộng triển khai áp dụng hệ thống quản lý an toàn vệ sinh lao động tại các DN vừa và nhỏ có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, tiếp tục hỗ trợ huấn luyện cho người làm công tác an toàn vệ sinh lao động của các DN, cho NLĐ làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh lao động và công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.


Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi: Chủ DN phải nêu cao trách nhiệm với NLĐ

Đối với NLĐ, sức khỏe là yếu tố quan trọng hàng đầu quyết định đến năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Chủ DN phải hiểu được điều này để thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật liên quan đến chăm sóc sức khỏe NLĐ trong DN. Thực tế đã có nhiều chủ DN rất quan tâm đến sức khỏe của NLĐ, không chỉ bởi cái tâm của họ mà còn bởi những quy định khắt khe về sức khỏe NLĐ của các đối tác, khách hàng. Điều này cần được nhân rộng hơn nữa để hạn chế đến mức thấp nhất bệnh nghề nghiệp, tai nạn lao động và các vấn đề đáng tiếc xảy ra đối với NLĐ. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài xử phạt nghiêm minh, đủ sức răn đe đối với những DN không tuân thủ các quy định liên quan đến chăm sóc sức khỏe NLĐ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo: Không được lơ là, mất cảnh giác với dịch bệnh Covid-19

Thời gian qua, đoàn công tác của lãnh đạo tỉnh đã đi kiểm tra thực tế công tác phòng, chống dịch bệnh tại một số DN trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra cho thấy, ngoài những DN thực hiện tốt vẫn còn có những DN thực hiện chưa tốt. Hiện nay, khi tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp, việc kiểm soát sức khỏe cho NLĐ trong DN có ý nghĩa rất quan trọng. Nếu DN lơ là phòng dịch, chẳng may có một công nhân lao động nhiễm bệnh thì hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN chắc chắn bị ảnh hưởng. Khi đó, thiệt hại sẽ rất nặng nề. Các DN cần phối hợp tốt hơn nữa với ngành Y tế địa phương để triển khai đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cũng như chăm sóc sức khỏe cho NLĐ.

Công nhân Nguyễn Thị Bích Hạnh, Công ty TNHH Terumo BCT Việt Nam (H.Long Thành): DN phải xem sức khỏe NLĐ là tài sản quý

Môi trường làm việc an toàn, thân thiện là điều kiện rất quan trọng để chúng tôi làm việc hiệu quả. Tại công ty của chúng tôi, do sản xuất thiết bị y tế nên các công tác đảm bảo sức khỏe cho công nhân lao động luôn được lãnh đạo công ty quan tâm, giúp công nhân làm việc trách nhiệm, phát huy thế mạnh, tay nghề của mình. Tôi mong rằng, DN sẽ làm tốt hơn nữa các hoạt động chăm sóc sức khỏe của công nhân, coi NLĐ là tài sản quý của DN.

Tháng Hành động an toàn vệ sinh lao động năm 2021 có chủ đề: Tăng cường đánh giá, kiểm soát các nguy cơ về an toàn vệ sinh lao động và sự tham gia của an toàn, vệ sinh viên. UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng tăng cường phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm an toàn tính mạng cho NLĐ, tài sản của nhà nước, DN. Trong đó, tăng cường thanh, kiểm tra ở những DN, cơ sở sản xuất có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, đảm bảo sức khỏe NLĐ và sự phát triển của DN.


Nguyễn Hòa - Hạnh Dung

Tin xem nhiều