Báo Đồng Nai điện tử
En

Tìm giải pháp tăng vốn tín dụng chính sách

09:04, 28/04/2021

Trong 3 tháng đầu năm 2021, Đồng Nai tiếp tục nằm trong tốp đầu cả nước khi được xếp thứ 6/63 tỉnh, thành về huy động nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho tín dụng chính sách.

Trong 3 tháng đầu năm 2021, Đồng Nai tiếp tục nằm trong tốp đầu cả nước khi được xếp thứ 6/63 tỉnh, thành về huy động nguồn vốn từ ngân sách địa phương cho tín dụng chính sách.

Người dân giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội H.Cẩm Mỹ. Ảnh: Nguyễn Song
Người dân giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội H.Cẩm Mỹ. Ảnh: Nguyễn Song

Thứ hạng cao song quy mô về nguồn vốn từ ngân sách địa phương dành cho tín dụng chính sách của tỉnh thấp hơn nhiều lần so với các tỉnh, thành xếp ở vị trí cao hơn, trong khi nhu cầu về vay vốn của người dân rất lớn. Do đó, việc tìm ra các giải pháp nhằm tăng vốn tín dụng chính sách là rất cần thiết.

* Nhu cầu vay vốn lớn

Chỉ trong quý I-2021, hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội trong tỉnh đã cho vay đạt 320 tỷ đồng với gần 11,6 ngàn lượt khách hàng vay gồm: 190 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn để sản xuất kinh doanh; hơn 4,3 ngàn lao động được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm; gần 1,1 ngàn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập, học nghề; trên 6 ngàn hộ dân ở nông thôn vay vốn để làm trên 12 ngàn công trình nước sạch và công trình vệ sinh môi trường nông thôn...

Phát biểu tại cuộc họp của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bảo yêu cầu hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, các địa phương, tổ chức đoàn thể nhận vốn ủy thác cần tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, nhất là ở các xã, tổ tiết kiệm và vay vốn có tỷ lệ nợ quá hạn còn cao so với mặt bằng chung. Đồng thời, tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, đảm bảo hoạt động của toàn chi nhánh hiệu quả, an toàn.

Theo ông Nguyễn Đức Hải, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam kiêm Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh, thời gian tới, nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách của người dân trong tỉnh sẽ tiếp tục tăng cao. Chỉ tính riêng nhu cầu vay vốn giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh là khoảng 700 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn trong khi nguồn vốn hiện không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vay này.

Cũng theo ông Nguyễn Đức Hải, trong năm 2021, nợ đến hạn phải thu hồi đối với chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là 148 tỷ đồng. Qua rà soát, trong số 148 tỷ đồng thu hồi, tỉnh chỉ có thể giữ lại của Trung ương 28 tỷ đồng để cho người dân vay. Số tiền còn lại tỉnh phải chuyển trả về Trung ương theo quy định. Do vậy, nguồn vốn tái cho vay chương trình này dự kiến sẽ bị thiếu hụt.

Bên cạnh đó, nợ quá hạn tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng. Tính chung nợ quá hạn trong toàn hệ thống ngân hàng chính sách xã hội tỉnh chiếm tỷ lệ 0,22%, cao hơn so với tỷ lệ nợ quá hạn toàn quốc đang ở mức 0,2%. Các địa phương có nợ quá hạn lớn là: TP.Biên Hòa: 0,5%, H.Tân Phú: 0,37%, H.Long Thành: 0,28%. Đặc biệt có đến 2 xã và 108 tổ tiết kiệm và vay vốn tỷ lệ nợ quá hạn trên 2%;  2 xã và 52 tổ tiết kiệm và vay vốn tỷ lệ nợ quá hạn trên 1,5% đến dưới 2%; 3 xã và 44 tổ tiết kiệm và vay vốn tỷ lệ nợ quá hạn trên 1% đến dưới 1,5%.

* Hướng đến nguồn tiền nhàn rỗi

Năm 2021, chỉ tiêu ngân sách tỉnh giao nguồn vốn ủy thác bổ sung cho hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh là 130 tỷ đồng. Trong 3 tháng đầu năm 2021, ngân sách địa phương đã chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng số tiền gần 83 tỷ đồng, đạt 63,7% kế hoạch năm. Qua đó, tổng nguồn vốn trong toàn hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đạt hơn 2,9 ngàn tỷ đồng.

Một số địa phương đã tích cực chuyển vốn ngân sách ủy thác sớm cho Ngân hàng chính sách xã hội để kịp thời giải ngân cho vay. Trong đó, TP.Biên Hòa đã chuyển 10 tỷ đồng, đạt 200% chỉ tiêu được giao. Riêng các huyện đã hoàn thành 100% chuyển vốn ngân sách sang Ngân hàng Chính sách xã hội là: TP.Long Khánh với 4 tỷ đồng, H.Nhơn Trạch 3 tỷ đồng, H.Định Quán và H.Tân Phú lần lượt là 2 tỷ đồng. Bên cạnh đó, mặc dù đã bước sang quý II-2021 song vẫn còn nhiều đơn vị mới hoàn thành trên 50-70% kế hoạch là: H.Trảng Bom 2,5 tỷ đồng, 3 huyện Xuân Lộc, Thống Nhất và Long Thành lần lượt là 2 tỷ đồng.

Từ thực tế này, ông Nguyễn Đức Hải mong muốn các địa phương quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách cho công tác tín dụng chính sách. Đồng thời, các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh ưu tiên tham gia chương trình huy động vốn thị trường do hệ thống ngân hàng chính sách xã hội thực hiện nhằm tạo thêm một kênh bổ sung nguồn vốn thực hiện công tác an sinh xã hội ở địa phương. Bên cạnh đó, các địa phương có người dân vay vốn chính sách, các đoàn thể nhận vốn vay ủy thác từ hệ thống ngân hàng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh cần quan tâm đến việc kéo giảm tỷ lệ nợ xấu, nợ quá hạn còn cao như hiện nay.

Ông Dương Hòa Hiệp, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, thành viên Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho hay, Hội Cựu chiến binh là một trong 4 tổ chức, đoàn thể nhận vốn ủy thác từ hệ thống ngân hàng tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh với hơn 17,6 ngàn hộ vay tổng số tiền trên 488 tỷ đồng. Nguồn tín dụng chính sách đã giúp cựu chiến binh ở các địa phương kịp thời có vốn để tự tạo việc làm, vươn lên trong cuộc sống. Do vậy, nếu các tổ chức đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cá nhân trên địa bàn tỉnh ưu tiên tham gia chương trình huy động vốn thị trường do hệ thống ngân hàng chính sách xã hội thực hiện không chỉ mang tính chất gửi tiết kiệm lấy lãi suất mà còn thể hiện tinh thần nhân văn cao đẹp. Qua đó, giúp người dân kịp thời tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để vươn lên trong cuộc sống.

Phát biểu tại cuộc họp của Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Thái Bảo nhấn mạnh, các địa phương, sở, ngành liên quan cần sớm cân đối bố trí ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn ủy thác trong năm 2021 theo chỉ tiêu được giao. Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cùng các đơn vị liên quan phối hợp tìm giải pháp bổ sung nguồn vốn cho hệ thống Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh thông qua nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi ở các tổ chức, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh để tăng cường nguồn lực cho hoạt động tín dụng chính sách xã hội…

Văn Truyên

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích