Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng hành cùng người khuyết tật

10:04, 16/04/2021

Theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, toàn tỉnh hiện có khoảng 50 ngàn người khuyết tật (NKT), trong đó, số NKT đặc biệt nặng và nặng đang hưởng trợ cấp thường xuyên của Nhà nước là 32,2 ngàn người và còn hơn 17,7 ngàn NKT nhẹ.

Theo thống kê của Sở LĐ-TBXH, toàn tỉnh hiện có khoảng 50 ngàn người khuyết tật (NKT), trong đó, số NKT đặc biệt nặng và nặng đang hưởng trợ cấp thường xuyên của Nhà nước là 32,2 ngàn người và còn hơn 17,7 ngàn NKT nhẹ.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo trao quà Tết Nguyên đán 2021 cho người khiếm thị tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Văn Truyên
Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo trao quà Tết Nguyên đán 2021 cho người khiếm thị tại TP.Biên Hòa. Ảnh: Văn Truyên

Qua kiểm tra, rà soát đánh giá của cơ quan chức năng, NKT trên địa bàn tỉnh được đảm bảo thụ hưởng đầy đủ các chế độ chung theo quy định của Nhà nước và ưu đãi riêng của tỉnh. Đồng thời, tùy vào tình trạng khuyết tật mà từng hoàn cảnh khuyết tật còn được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng… Qua đó góp phần hỗ trợ cuộc sống của NKT và giúp họ hòa nhập cộng đồng.

* Đảm bảo điều kiện sống tối thiểu cho NKT

Mỗi năm, tỉnh sử dụng hàng trăm tỷ đồng chi trợ cấp cho NKT. Như trong năm 2020, tỉnh đã xét duyệt hồ sơ, quản lý và chi trợ cấp cho 32,2 ngàn NKT với số tiền trên 224 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn chi trợ cấp cho 13,2 ngàn hộ gia đình nuôi dưỡng NKT với số tiền 47 tỷ đồng.

Một điểm đáng chú ý là mức trợ cấp của tỉnh dành cho NKT luôn cao hơn so với mức chung mà Trung ương quy định. Cụ thể, tùy mức độ khuyết tật cụ thể mà NKT trên địa bàn tỉnh được hưởng mức trợ cấp từ 300-900 ngàn đồng/người/tháng và người chăm sóc NKT cũng được trợ cấp tiền nuôi dưỡng NKT hằng tháng. So với mức trợ cấp theo quy định chung của Trung ương chỉ từ 30-480 ngàn đồng/tháng/người thì giá trị trợ cấp mà tỉnh đang hỗ trợ cho NKT cao hơn rất nhiều.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 ngành LĐ-TBXH, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bảo yêu cầu ngành LĐ-TBXH cần tiếp tục quan tâm, theo dõi, giải quyết các chế độ, chính sách cho đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội, trong đó có NKT. Qua đó, nhằm đảm bảo cuộc sống cơ bản cho những trường hợp này.

Cùng với đó, những trường hợp NKT có hoàn cảnh gia đình khó khăn còn được các Hội, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị, mạnh thường quân trợ giúp thêm hằng tháng.

Bà Nguyễn Thị Thu Thảo (ngụ P.Tân Vạn, TP.Biên Hòa) cho hay, con bà là NKT hiện được hưởng trợ cấp 600 ngàn đồng/tháng. Bản thân bà là người nuôi dưỡng được trợ cấp 300 ngàn đồng/tháng. Ngoài ra, mỗi tháng con bà còn được nhận thêm 300 ngàn đồng do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh vận động mạnh thường quân trao tặng. “Tổng số tiền 2 mẹ con được nhận cố định hằng tháng chỉ 1,2 triệu đồng nhưng đây là nguồn thu chính để mẹ con tôi lo việc sinh hoạt trong gia đình” - bà Thảo nói.

Cùng với duy trì trợ cấp hằng tháng, sự quan tâm khác về chăm sóc sức khỏe, phương tiện di chuyển, sinh hoạt thể thao - văn hóa… dành cho NKT cũng được đặc biệt quan tâm. Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 2 ngàn NKT được cấp thẻ đi xe buýt miễn phí. Để thuận tiện cho việc di chuyển của NKT, Trung tâm Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng tỉnh đã đầu tư, cải tạo các nhà chờ, điểm dừng đảm bảo quy chuẩn tiếp cận cho NKT.

Ngoài ra, trong số gần 1,3 ngàn CLB thể dục thể thao đang hoạt động, có nhiều CLB dành cho NKT gắn với một số môn thể thao như: 120 CLB cầu lông, 82 CLB thể hình, 70 CLB bóng bàn… Song song đó, toàn tỉnh đã lắp đặt hơn 400 dụng cụ tập luyện thể dục thể thao tại công viên, trung tâm văn hóa - thể thao, trung tâm học tập cộng đồng các xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa, khu thể thao ấp, nhà văn hóa khu phố, những nơi tập trung đông dân cư thu hút nhiều tầng lớp nhân dân tham gia luyện tập, trong đó có NKT.

* Giúp NKT hòa nhập, tự chủ

Ngoài việc được trợ cấp hằng tháng, hỗ trợ đi lại, tham gia hoạt động văn hóa - thể thao..., NKT còn được tạo điều kiện phục hồi chức năng, chăm sóc sức khỏe, lao động theo khả năng nhằm hòa nhập cộng động, tự chủ trong cuộc sống.

Một người khuyết tật về mắt được tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ khi đến nhận quà Tết Nguyên đán 2021 tại TP.Biên Hòa
Một người khuyết tật về mắt được tình nguyện viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh hỗ trợ khi đến nhận quà Tết Nguyên đán 2021 tại TP.Biên Hòa

Trong đó, nhiều chương trình trợ giúp NKT vươn lên bằng lao động đã được thực hiện. Đơn cử như chương trình trao vốn cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin được các cấp Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin trong tỉnh duy trì trong nhiều năm qua.

Với mô hình này, căn cứ vào nguồn quỹ huy động được, nhu cầu của hội viên, từng cấp Hội tiến hành cho nạn nhân, thân nhân nạn nhân vay vốn để buôn bán nhỏ, mua thêm con giống về chăn nuôi hay những loại máy móc cần thiết cho việc làm nghề. Hiện trung bình mỗi Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp xã, phường, thị trấn cho từ 3-5 hội viên vay vốn từ mô hình này. Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin TT.Gia Ray (H.Xuân Lộc) cho hay, thông qua quỹ hội, hằng năm Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin thị trấn cho 3 gia đình nạn nhân vay vốn với số tiền 65 triệu đồng.

Ngoài nguồn lực từ ngân sách, trên địa bàn tỉnh hiện đang triển khai thực hiện nhiều dự án, chương trình hỗ trợ NKT do các tổ chức tài trợ. Trong đó có dự án Tăng cường năng lực mạng lưới dịch vụ và trị liệu cho trẻ em khuyết tật do Trung tâm Phát triển sức khỏe bền vững VietHealth thực hiện trong giai đoạn 2018-2021; dự án Thực thi quyền và trị liệu cho NKT do Hội Trợ giúp NKT Việt Nam thực hiện từ năm 2019-2023; dự án Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn do Tổ chức Phục vụ trẻ em quốc tế Holt thực hiện; dự án Bảo trợ giáo dục do Hiệp hội Christina Noble Children's Foundation tài trợ… Những chương trình, dự án này đã và đang thực hiện các giải pháp hỗ trợ NKT cùng thân nhân tiếp cận các hoạt động chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng.

Riêng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đang trao vốn hỗ trợ sinh kế cho 28 gia đình có nạn nhân da cam. Mỗi trường hợp được hỗ trợ từ 5-10 triệu đồng. Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, tuy số vốn trao cho người vay nhỏ song qua kiểm tra, đánh giá, người vay đã sử dụng số tiền hiệu quả để mưu sinh theo khả năng khuyết tật của bản thân.

Hiện hội Người mù tỉnh đang triển khai 11 dự án cho 80 người vay với số tiền hơn 1 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua hoạt động của 14 cơ sở, tổ nhóm dịch vụ xoa bóp giải quyết việc làm cũng đã góp phần tạo việc cho khoảng 60 lao động với mức thu nhập ổn định từ 3-3,5 triệu đồng/người/tháng. Đồng thời, Hội Người mù cấp huyện, thành phố cũng chủ động kết nối, trợ giúp hội viên có công việc phù hợp với khả năng bằng cách gia công các mặt hàng (làm chổi, xếp hộp quà giấy, đan lát, trao vốn bán vé số…).

Ông Trịnh Thái Hưng (ngụ xã Bình Minh, hội viên Hội Người mù H.Trảng Bom) cho hay, công việc gia công túi giấy tại nhà giúp ông kiếm được khoảng 1,5 triệu đồng/tháng. Qua công việc này giúp ông tìm thấy niềm vui vì nhận thấy bản thân còn khả năng lao động.

Cùng với các chương trình trợ vốn, tạo việc làm, vấn đề phát hiện sớm, can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT đặc biệt được tỉnh quan tâm. Theo Sở LĐ-TBXH, thời gian qua đã có 5 đợt khám lâm sàng tại các huyện: Định Quán, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu và TP.Biên Hòa được thực hiện để tiến hành hỗ trợ phục hồi chức năng cho gần 300 NKT với hơn 550 lượt dịch vụ y tế. Đồng thời, đã có 130 NKT được cấp dụng cụ trợ giúp, dụng cụ chỉnh hình, xe lăn, xe lắc.

Riêng với những trường hợp khuyết tật nặng và gia đình có hoàn cảnh khó khăn, năm qua đã có 150 người được tỉnh phối hợp cùng các bệnh viện tại TP.HCM tổ chức phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng miễn phí. Trong đó có trường hợp em Lê Minh Hiển (12 tuổi, ngụ P.Xuân Lập, TP.Long Khánh) bị sẹo lồi trước tai phải, sau khi được cắt sẹo lồi, tạo hình lại tai em đã tự tin hơn trong giao tiếp với các bạn khi đến trường. Qua đó, giúp Minh Hiển xóa bỏ nỗi buồn về ngoại hình để yên tâm học tập.

Văn Truyên

Tin xem nhiều