Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi lo từ năm học cũ

10:02, 26/02/2021

Năm học 2019-2020, học sinh khối 12 đã phải liên tục thay đổi kế hoạch năm học, thậm chí phải lùi cả thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng hơn 2 tháng so với những năm trước đó vì dịch Covid-19.

Năm học 2019-2020, học sinh khối 12 đã phải liên tục thay đổi kế hoạch năm học, thậm chí phải lùi cả thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào đại học, cao đẳng hơn 2 tháng so với những năm trước đó vì dịch Covid-19. Nếu năm học này dịch bệnh tiếp tục kéo dài và diễn biến phức tạp thì rất có thể “kịch bản” năm học trước sẽ lặp lại. Điều này khiến giáo viên, học sinh và cả phụ huynh đều cảm thấy lo lắng.

Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh ôn tập online. Ảnh: C.Nghĩa
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) hướng dẫn học sinh ôn tập online. Ảnh: C.Nghĩa

* Lo “bể” kế hoạch

Em Nguyễn Thanh Hùng, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Phải nghỉ học kéo dài sẽ khiến chúng em vất vả hơn, vì không thể đoán định trước thời gian kết thúc năm học, thời gian tổ chức các kỳ thi, đồng nghĩa với việc chúng em vừa học vừa lo”.

Còn em Huỳnh Thảo Trâm, học sinh khối 12 Trường THPT Ngô Quyền bày tỏ lo lắng: “Vào cuối tháng 3 tới em sẽ tham dự kỳ thi đánh giá năng lực tại Đại học Quốc gia TP.HCM để lấy kết quả xét tuyển vào đại học năm 2021. Tuy nhiên, với tình hình dịch bệnh kéo dài, em chủ yếu vẫn phải tự học, tự ôn tập tại nhà. Còn việc học online, theo em vẫn chỉ là để giải quyết tình thế, vì hiệu quả so với học trực tiếp không cao. Với học sinh khối 12 chúng em, thời gian này mỗi ngày đều rất quý, chính vì vậy phải tiếp tục nghỉ học thì không khác nào “ngồi trên đống lửa”.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Thành: Nếu dịch Covid-19 kéo dài sẽ điều chỉnh kế hoạch năm học

Từ kinh nghiệm ứng phó với dịch Covid-19 năm học 2019-2020, năm học này Bộ GD-ĐT đã xây dựng một số kịch bản dự phòng. Nếu dịch bệnh kéo dài và tháng 3-2021 học sinh các cấp vẫn chưa thể trở lại trường học thì Bộ sẽ điều chỉnh, lùi thời gian kết thúc năm học. Lịch thi tốt nghiệp THPT, thi tuyển sinh đầu cấp ở các địa phương cũng sẽ phải điều chỉnh”.

Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền Phan Trọng Nghĩa cho biết, nếu trong điều kiện học tập bình thường không có dịch bệnh xảy ra, vào thời gian này học sinh khối 12 đang tập trung rất cao cho việc hoàn thành chương trình học kỳ 2, tiếp đó là ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi hết năm học, đặc biệt là kỳ thi tốt nghiệp THPT để lấy kết quả xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Chính vì vậy vào thời điểm này, Ban giám hiệu nhà trường và giáo viên khá lo lắng cho các em. Hiện tại, giáo viên các bộ môn đang tập trung cho học sinh ôn tập online, khi có lịch đi học trở lại sẽ có kế hoạch “tăng tốc”, giúp các em hoàn thành chương trình lớp 12 trọn vẹn và chuẩn bị tốt cho các kỳ thi quan trọng.

Chị Phạm Thị Ngọc Phượng, phụ huynh ngụ tại xã Hố Nai 3 (H.Trảng Bom) cho biết, năm học 2019-2020, con đầu của chị học lớp 12 cuối cấp và từng phải trải qua cảm giác hồi hộp, vất vả vì dịch Covid-19, kết quả thi tốt nghiệp THPT chỉ tương đối đạt yêu cầu, còn xét tuyển đại học thì không như mong muốn. Vì vậy, năm học 2020-2021, khi con thứ 2 trải qua lớp 12 trong tình trạng bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, chị Phượng không khỏi lo lắng. “Chỉ mong sao dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn để học sinh trở lại trường học một mạch cho đến ngày thi tốt nghiệp THPT để cha mẹ đỡ lo lắng”.

* Liệu có điều chỉnh năm học?

Giám đốc Sở GD-ĐT Trương Thị Kim Huệ cho biết, sau khi học sinh kết thúc kỳ nghỉ tết, tỉnh tiếp tục cho các em nghỉ học ở nhà thêm ít ngày để theo dõi diễn biến dịch bệnh Covid-19 và tạm thời có thể yên tâm vì chưa phát hiện trường hợp nào nghi nhiễm. Cùng với việc theo dõi sát tình hình tại địa phương, nghe báo cáo thường xuyên của các trường THPT và phòng
GD-ĐT các huyện, Sở cũng tham khảo việc các tỉnh, thành phố cho học sinh trở lại học tập để có cơ sở quyết định cho học sinh của tỉnh đi học lại một cách chắc chắn, hạn chế các rủi ro. Với những diễn biến nói trên, bà Huệ cho rằng: “Học sinh và phụ huynh có thể bớt lo lắng hơn về dịch Covid-19 và những khả năng có thể ảnh hưởng lớn đến kế hoạch năm học, đặc biệt là với học sinh khối 12. Tuy nhiên, phải tiếp tục nâng cao ý thức phòng dịch, không được chủ quan, nhất là khi ngày 1-3 tới đây, học sinh trở lại trường để học tập”.

Theo lãnh đạo Phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT, Bộ GD-ĐT chưa có điều chỉnh nào về chương trình ôn tập và các mốc thời gian liên quan đến năm học 2020-2021 nên đến thời điểm này, học sinh khối 12 và các khối còn lại đang tập trung ôn tập tại nhà bằng hình thức online. Sau khi học sinh đi học trở lại, Sở GD-ĐT sẽ hướng dẫn các trường THPT có biện pháp hỗ trợ dạy bù để đảm bảo chương trình lớp 12, đồng thời phục vụ tốt cho việc thi hết học kỳ và thi tốt nghiệp THPT năm 2021.

Trong buổi họp trực tuyến với các Sở GD-ĐT địa phương mới đây, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, trong nhiệm vụ năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các sở chỉ đạo các trường chuẩn bị điều kiện để có thể chủ động điều chỉnh kế hoạch dạy học trong tình thế học sinh không thể đến trường do dịch bệnh. Bộ cũng đã chủ động xây dựng kế hoạch ôn tập, củng cố kiến thức sau khi học sinh trở lại trường khi các em phải nghỉ học dài ngày do dịch Covid-19. Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) Nguyễn Xuân Thành cho biết: “Cùng với học trực tuyến, với phương châm ngừng đến trường nhưng không ngừng học thì các trường vẫn còn quỹ thời gian ít nhất là 2 tuần dự phòng cho năm học
2020-2021. Vì thế, nếu sau ngày 28-2, học sinh các địa phương quay lại trường học, kế hoạch thời gian năm học vẫn có thể duy trì như quy định của Bộ GD-ĐT”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều