Báo Đồng Nai điện tử
En

Trợ giúp người khuyết tật vươn lên

10:12, 02/12/2020

Dịp kỷ niệm Ngày quốc tế Người khuyết tật (NKT) năm 2020 trùng với thời điểm Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Bộ LĐ-TBXH tổng kết đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020.

Dịp kỷ niệm Ngày quốc tế Người khuyết tật (NKT) năm 2020 trùng với thời điểm Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam, Bộ LĐ-TBXH tổng kết đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020.

Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam Lê Tấn Dũng trò chuyện cùng người khuyết tật thuộc tỉnh Đồng Nai tại hội nghị tổng kết đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và triển khai giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Văn Truyên
Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam Lê Tấn Dũng trò chuyện cùng người khuyết tật thuộc tỉnh Đồng Nai tại hội nghị tổng kết đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 và triển khai giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Văn Truyên

Tại Đồng Nai, ngoài thụ hưởng các chính sách theo đề án, NKT còn nhận được nhiều sự quan tâm của tỉnh và cộng đồng.

* Tập trung chăm lo cho NKT

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH, Phó chủ tịch Ủy ban Quốc gia về NKT Việt Nam Lê Tấn Dũng, cả nước hiện có khoảng 6,2 triệu NKT từ 2 tuổi trở lên, chiếm 7,06% dân số. Trong giai đoạn 2012-2020, hơn 300 tỷ đồng đã được bố trí để thực hiện đề án trợ giúp NKT. Hiện có 36 tỉnh, thành đã tiến hành khám sàng lọc khuyết tật, xác định nhu cầu cần phục hồi chức năng của NKT; trên 500 ngàn NKT đã được lập hồ sơ theo dõi trên phần mềm. 20 tỉnh, thành đã hình thành hệ thống trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và có 7 trung tâm giáo dục trẻ khuyết tật, 97 cơ sở giáo dục chuyên biệt đang hoạt động. Giai đoạn 2012- 2020, bình quân mỗi năm có từ 17-20 ngàn NKT được dạy nghề và gần 20 ngàn NKT được giới thiệu việc làm…

Tại Đồng Nai, hiện có khoảng 50 ngàn NKT, trong đó, NKT đặc biệt nặng và NKT nặng đang hưởng trợ cấp thường xuyên là trên 30 ngàn người. Theo bà Nguyễn Thị Kiều Oanh, Phó giám đốc Sở LĐ-TBXH, việc thực hiện chính sách an sinh xã hội, chăm lo, trợ giúp NKT là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng được chính quyền các cấp, các ngành của tỉnh đặc biệt chú trọng.

Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TBXH Lê Tấn Dũng, chương trình trợ giúp NKT giai đoạn 2021-2030 đặt ra mục tiêu hằng năm sẽ có khoảng 80% NKT tiếp cận các dịch vụ y tế dưới nhiều hình thức; hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm cho 200 ngàn NKT, 90% thư viện công cộng cấp tỉnh tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích dành cho NKT…

Theo đó, tỉnh đã phối hợp với các bệnh viện của Bộ LĐ-TBXH, TP.HCM khám sàng lọc, điều trị cho gần 17 ngàn NKT vận động có hoàn cảnh khó khăn, bị dị tật vận động, mắt, sứt môi... Cung cấp dụng cụ hỗ trợ, phục hồi chức năng cho gần 4 ngàn NKT.

Đồng Nai đã phối hợp cùng các tổ chức thực hiện chương trình trợ giúp NKT. Cụ thể, thông qua chương trình thực hiện dự án thực thi quyền và trị liệu cho NKT, do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ tại Đồng Nai, Sở Y tế và Hội Trợ giúp NKT Việt Nam đã tổ chức 7 đợt khám cho gần 400 NKT tại TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh và các huyện: Định Quán, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu. Đồng thời, đã có 171 NKT được hỗ trợ dụng cụ trợ giúp, dụng cụ hoạt động trị liệu...

Từ những chương trình khuyến học dành cho học sinh khuyết tật, Đồng Nai đã huy động được hơn 1,5 ngàn trẻ em khuyết tật tham gia giáo dục hòa nhập. Em Giềng Phát Sềnh (học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Bàu Hàm, xã Bàu Hàm, H.Trảng Bom) cho hay, gia đình em có 5 người thì có 3 người bị khuyết tật. Bản thân em bị gù lưng, tay chân vận động khó khăn. Nhờ thầy cô, bạn bè giúp đỡ việc học và hỗ trợ mỗi tháng hơn 1 triệu đồng nên em có điều kiện đến trường.

Tại Đồng Nai còn có hơn 6,1 ngàn NKT, hộ có NKT được hỗ trợ sinh kế, hỗ trợ học nghề, vay vốn sản xuất, kinh doanh và giới thiệu việc làm; 580 NKT không có người thân chăm sóc được đưa vào các cơ sở bảo trợ xã hội công lập và ngoài công lập để chăm sóc… Đặc biệt, năm 2017, tỉnh đã nâng mức trợ cấp cho các đối tượng bảo trợ xã hội, trong đó có NKT từ 300-900 ngàn đồng/người/tháng (so với mức trợ cấp của Trung ương là từ 30-480 ngàn đồng/người/tháng).

Bên cạnh hoạt động trợ giúp, để kịp thời khích lệ NKT vượt khó vươn lên, từ năm 2016 đến nay, tỉnh đã tôn vinh và tặng quà cho trên 1,5 ngàn NKT vượt khó. Các hội thi như: văn nghệ NKT, thể thao NKT cấp tỉnh được Sở VH-TTDL phối hợp cùng Sở LĐ-TBXH tổ chức thu hút hàng ngàn NKT tham gia.

* Cần những giải pháp mới

Theo bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, thời gian qua, các giải pháp trợ giúp NKT chủ yếu vẫn là chăm sóc sức khỏe, ổn định cuộc sống hằng ngày... Còn về hỗ trợ xây dựng kinh tế, hòa nhập cộng đồng vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn, bởi có rất ít NKT còn khả năng lao động. Trong khi đó, hầu hết gia đình có NKT đều có hoàn cảnh khó khăn. Từ thực tế này có thể thấy rằng, việc hỗ trợ cho thân nhân NKT phát triển kinh tế là rất cần thiết. Vì vậy, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã kiến nghị các cơ quan liên quan cần chú trọng hỗ trợ cho gia đình NKT tiếp cận với các nguồn vốn vay tín dụng chính sách, nguồn vốn từ các quỹ cho vay ưu đãi.

Toàn tỉnh hiện có khoảng 50 ngàn NKT, trong số này có khoảng 10 ngàn trẻ em và gần 20 ngàn người trong độ tuổi lao động. Đồng Nai là một trong 36 tỉnh, thành đã thực hiện khám sàng lọc cho NKT. Từ năm 2012 đến nay, đã có trên 96,5 ngàn trẻ em dưới 6 tuổi được khám sàng lọc phát hiện sớm. Qua đó, phát hiện có gần 5 ngàn trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ để tư vấn hỗ trợ.

Hiện nay, việc xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn có thành viên là NKT hay không có NKT là như nhau. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng, khả năng sử dụng các công trình thiết yếu về nhà ở của NKT so với người bình thường rất khác nhau. Do vậy mà trong thời gian tới, các cơ quan chức năng cần chú ý đến việc hỗ trợ nhà ở cho NKT nhất là NKT vận động.

Bên cạnh đó, hiện việc triển khai thực hiện công tác phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực. NKT sinh sống tại các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chưa được tiếp cận hoặc tiếp cận chưa đầy đủ các chính sách ưu đãi của Nhà nước về y tế, giáo dục, dạy nghề, việc làm… Một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ về vấn đề NKT, xem công tác trợ giúp NKT chỉ là hoạt động từ thiện, vẫn còn thực trạng phân biệt đối xử với NKT.

Thực tế, NKT vẫn còn gặp nhiều rào cản, khó khăn trong quá trình tiếp cận cơ hội việc làm. Một số doanh nghiệp không nhận NKT vào làm việc hoặc có nhận nhưng chỉ mang tính hình thức, chưa thực sự quan tâm đến NKT. Vì vậy, trong thời gian tới, Sở LĐ-TBXH kiến nghị cần có chính sách về ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp có nhận NKT vào làm việc, để tạo tiền đề thu hút các doanh nghiệp ưu tiên nhận NKT vào làm việc.

Văn Truyên

Tin xem nhiều