Báo Đồng Nai điện tử
En

Vì sao phải điều chỉnh chương trình lớp 5 và lớp 9?

08:11, 10/11/2020

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến giáo viên trên cả nước để sớm hoàn thiện tài liệu hướng dẫn điều chỉnh chương trình lớp 5 và lớp 9. Việc điều chỉnh chương trình lần này không xuất phát từ nguyên nhân thiên tai hay dịch bệnh Covid-19 mà là một bước chuẩn bị cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện đối với lớp 6 từ năm học 2021-2022 và lớp 10 vào năm học 2022-2023.

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến giáo viên trên cả nước để sớm hoàn thiện tài liệu hướng dẫn điều chỉnh chương trình lớp 5 và lớp 9. Việc điều chỉnh chương trình lần này không xuất phát từ nguyên nhân thiên tai hay dịch bệnh Covid-19 mà là một bước chuẩn bị cho việc áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện đối với lớp 6 từ năm học 2021-2022 và lớp 10 vào năm học 2022-2023.

Học sinh Trường THCS Đồng Hiệp (xã Phú Điền, H.Tân Phú) trong Ngày hội STEM do nhà trường tổ chức. Ảnh: Công Nghĩa
Học sinh Trường THCS Đồng Hiệp (xã Phú Điền, H.Tân Phú) trong Ngày hội STEM do nhà trường tổ chức. Ảnh: Công Nghĩa

Theo ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT: “Bộ GD-ĐT đang chuẩn bị những bước chuyển tiếp rất cần thiết giữa chương trình giáo dục phổ thông hiện hành với chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, học sinh lớp 5 và lớp 9 hiện nay sẽ được tiếp cận dần với các nội dung, phương pháp dạy học, đánh giá theo chương trình mới. Khi có sự chuẩn bị kỹ càng, việc chuyển tiếp giữa 2 chương trình sẽ giúp học sinh không bị bỡ ngỡ, đồng thời có thể nắm bắt chương trình nhanh và hiệu quả hơn”.

* Bài học từ lớp 1

Năm học 2020-2021 là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT tiến hành áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới trên cả nước đối với học sinh lớp 1, trong đó có việc triển khai 5 bộ sách giáo khoa mới vào dạy và học. Dù có sự chuẩn bị khá lâu dài, tuy nhiên qua thực tế cho thấy nhiều khâu vẫn còn bị động. Cụ thể, có nơi giáo viên chưa nắm được hết tinh thần mà chương trình giáo dục phổ thông mới muốn hướng đến, còn học sinh lại có cảm giác bị quá tải, khó tiếp thu, hay bộ sách Cánh diều còn nhiều nội dung bất cập, gây phản ứng trong dư luận.

Theo đó, chương trình giáo dục hiện hành đang áp dụng cho học sinh lớp 5 và lớp 9 sẽ được xin ý kiến đóng góp của giáo viên cả nước theo hướng: đối với nội dung đang có trong chương trình hiện hành nhưng không có trong chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ thực hiện cắt bỏ không dạy. Ngoài ra, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh tự học hoặc tích hợp vào nội dung bài học, chủ đề dạy học của môn học cần sử dụng kiến thức đó.

Ngược lại với những nội dung có trong chương trình giáo dục phổ thông mới  nhưng không có trong chương trình hiện hành, ban biên soạn chương trình của Bộ GD-ĐT sẽ bổ sung bằng cách đưa vào các chủ đề dạy học thích hợp, đảm bảo yêu cầu cần đạt theo chương trình mới, hoặc xây dựng chủ đề dạy mới cho phù hợp. Những nội dung kiến thức có trong cả 2 chương trình hiện hành và chương trình mới vẫn cần phải điều chỉnh cách tiếp cận từ mức độ cần đạt về kiến thức, kỹ năng đến yêu cầu cần đạt về phẩm chất, năng lực của người học.

* Có gặp khó khi điều chỉnh?

Tại hội nghị trực tuyến về triển khai nội dung lấy ý kiến đóng góp điều chỉnh chương trình hiện nay của lớp 5 và lớp 9 tiếp cận với chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Trung học Bộ GD-ĐT chia sẻ: “Do chưa có sách giáo khoa của các môn học và hoạt động giáo dục theo chương trình giáo dục mới từ lớp 2 trở lên nên sẽ cần ưu tiên hướng dẫn tổ chức dạy học những nội dung kiến thức được bổ sung vào chương trình hiện hành. Theo đó, Bộ sẽ sớm tiếp thu ý kiến của giáo viên để sớm biên soạn những nội dung cần bổ sung vào chương trình hiện hành cho phù hợp với sự tiệm cận của chương trình giáo dục phổ thông mới”.

Theo lãnh đạo Vụ Trung học Bộ GD-ĐT, việc điều chỉnh nội dung chương trình hiện hành theo hướng tiếp cận với chương trình mới đối với học sinh lớp 5 và lớp 9 là một bước chuẩn bị tốt cho học sinh lẫn giáo viên, tránh được những “cú sốc” khi có sự chuyển tiếp đột ngột giữa 2 chương trình khi tiến hành. Quá trình điều chỉnh chương trình lớp 5 và lớp 9 được đánh giá có những thuận lợi nhất định khi nhiều năm nay, Bộ GD-ĐT đã triển khai thử nghiệm và mở rộng đại trà nhiều nội dung theo định hướng của chương trình giáo dục phổ thông mới. Cụ thể như việc Bộ GD-ĐT đã triển khai xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, nhờ đó các trường có thể chủ động xây dựng thời khóa biểu cho việc dạy học, hoạt động giáo dục.

Theo nhiều giáo viên tại Đồng Nai, quá trình đổi mới phương pháp dạy và học liên tục trong những năm qua, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin, dạy học theo mô hình giáo dục STEM, dạy học theo chủ đề tích hợp liên môn… là những cơ sở quan trọng giúp giáo viên có thể linh hoạt điều chỉnh dạy và học cho học sinh lớp 5 và lớp 9 tiệm cận với chương trình giáo dục phổ thông mới.

Cô Trần Thị Vương Nhi, Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Lê Quý Đôn (TP.Biên Hòa) cho rằng: “Bộ GD-ĐT có sự chủ động điều chỉnh chương trình lớp 5 và lớp 9 để năm học tiếp theo khi các em học chương giáo dục mới là rất cần thiết. Từ những điều chỉnh này, nhà trường sẽ có tập huấn sớm về chuyên môn, phương pháp giảng dạy cho giáo viên, còn giáo viên thì có thể chủ động xây dựng kế hoạch dạy và học cho học sinh, từng bước chuẩn bị tâm lý khi tiếp cận với chương trình mới”.

Còn ông Võ Ngọc Thạch, Phó giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, thời gian qua, Bộ GD-ĐT liên tục có những đổi mới chương trình dạy và học theo hướng phù hợp với tình hình mới, do đó giáo viên có điều kiện tích lũy kinh nghiệm khi chuyển đổi chương trình. Việc điều chỉnh nội dung với lớp 5 và lớp 9 được xem là một đợt tập huấn với giáo viên trong việc tiến sát đến thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cho năm học 2021-2022 với học sinh lớp 6 và 2022-2023 với học sinh lớp 10.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ: Đảm bảo chất lượng học sinh khi tiệm cận với chương trình giáo dục mới

Để chất lượng học sinh học lớp 6, lớp 10 tốt, chương trình giáo dục phổ thông mới đạt yêu cầu, cần có giai đoạn chuyển tiếp cho cả thầy và trò. Chuẩn đầu ra của lớp 5, lớp 9 phải tương ứng với chuẩn đầu vào lớp 6, lớp 10 theo chương trình  giáo dục phổ thông mới từ nội dung chương trình đến phương pháp dạy học, đánh giá.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều