Báo Đồng Nai điện tử
En

Những tiết học không sách vở

09:11, 18/11/2020

Nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đã mang lại cho học sinh nhiều trường học trên địa bàn tỉnh những buổi học thú vị, bám sát với thực tiễn cuộc sống...

Nỗ lực đổi mới, sáng tạo trong dạy và học đã mang lại cho học sinh nhiều trường học trên địa bàn tỉnh những buổi học thú vị, bám sát với thực tiễn cuộc sống. Từ những tiết học này, học sinh trở nên yêu ngôi trường của mình hơn, mỗi ngày đến trường với các em thực sự là một ngày vui và ý nghĩa.

Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) vào vai lãnh đạo các nước có chung dòng sông Mekong để thảo luận về bảo vệ nguồn nước. Ảnh: Công Nghĩa
Học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (TP.Biên Hòa) vào vai lãnh đạo các nước có chung dòng sông Mekong để thảo luận về bảo vệ nguồn nước. Ảnh: Công Nghĩa

Thay vì chỉ tổ chức những buổi giáo dục kỹ năng sống trong lớp theo kiểu cô nói trò nghe, Trường THCS Trần Hưng Đạo (xã Bảo Bình, H.Cẩm Mỹ) đã thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt tập thể ngoài trời, trong đó học sinh đóng vai trò trung tâm của mọi hoạt động. Mỗi học sinh tham gia đều cảm thấy thú vị, bổ ích, đồng thời có thể ghi nhớ và vận dụng ngay những gì thầy cô truyền đạt định hướng vào cuộc sống.

* Tìm đam mê cho học trò

Thầy Trần Lập, giáo viên Tổng phụ trách Đội của Trường THCS Trần Hưng Đạo chia sẻ, những buổi học kỹ năng sống tại trường giờ đây đã không còn khô khan, với phần lớn học sinh của trường nữa. Sau mỗi buổi học, các em đều rút ra cho mình những kiến thức mới, suy nghĩ tích cực, khả năng phối hợp, xử lý tình huống trong thực tế cuộc sống. Thậm chí, sau mỗi hoạt động trải nghiệm kỹ năng sống, học sinh của trường còn có thể cho ra đời những sản phẩm mang tính ứng dụng cao vào cuộc sống thường nhật của chính các em. Việc tổ chức những buổi sinh hoạt, trải nghiệm ngoài giờ còn là cơ hội giúp học sinh tiếp cận sớm với hướng nghiệp trong tương lai.

Thầy Lập hào hứng giới thiệu, trong tháng 11 này nhà trường đã tổ chức hội thi vẽ tranh đa chủ đề về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, ma túy với học đường, bạo lực học đường. Chỉ sau hơn 1 tuần phát động, mỗi lớp đã hoàn thành một bức tranh với nhiều màu sắc và những cách tư duy đề tài khá thú vị, mới lạ. Mỗi bức tranh đều chứa đựng một thông điệp không chỉ thể hiện nhận thức của các em mà còn góp phần lan tỏa lời kêu gọi cùng chung tay giải quyết những vấn đề chung đang đe dọa cuộc sống của con người.

Em Trương Thanh Vân, học sinh lớp 8 chia sẻ: “Học sinh chúng em đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ như: ma túy xâm nhập học đường, bạo lực học đường, hay tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, chúng em cũng có trách nhiệm với những vấn đề lớn mang tính toàn cầu như: chung tay bảo vệ trái đất, bảo vệ rừng và môi trường sống… Hội thi vẽ tranh do nhà trường phát động đã giúp chúng em nhận thức sâu sắc hơn về những vấn đề đang đặt ra, cùng nhau chia sẻ những giải pháp cụ thể cho từng vấn đề”.

Trong khi đó, tại Trường THCS Đồng Hiệp (xã Phú Điền, H.Tân Phú), những CLB STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật và toán học) ra đời và liên tục có nhiều hoạt động trải nghiệm thú vị đã mang lại những hiệu quả tích cực. Đến nay, Trường THCS Đồng Hiệp đã tổ chức được 3 lần Ngày hội STEM với các hoạt động phong phú, đa dạng như: trình diễn thời trang thiết kế từ rác thải, trình diễn lập trình robot, bắn tên lửa nước, vẽ tranh về biển đảo Việt Nam, tìm hiểu văn hóa đọc sách... Trong Ngày hội STEM, học sinh nữ còn có cơ hội thử tài khéo tay hay làm của mình bằng việc giới thiệu các món ăn quen thuộc như: kim chi, bánh chuối, sữa chua…

Em Phạm Thị Phương Thảo, học sinh Trường THCS Đồng Hiệp hào hứng chia sẻ: “Em đã nhiều lần tham gia CLB STEM của trường, đặc biệt là có 3 lần tham gia Ngày hội STEM cấp trường và đều cảm thấy thú vị. Đây là hoạt động giúp chúng em kiểm nghiệm thực tế, khám phá khả năng bản thân, qua đó biết được điểm yếu, điểm mạnh của mình. Một điều em cảm thấy thú vị và bổ ích nữa là khi tham gia các hoạt động STEM, em được rèn luyện kỹ năng làm việc nhóm, từ đó giúp em trở nên hòa đồng hơn, biết chia sẻ và phối hợp cùng các bạn để giải quyết những vấn đề phát sinh”.

* Gần hơn với cuộc sống

Trưởng phòng Nghiệp vụ Sở GD-ĐT Trần Đình Vinh cho biết, đội ngũ thầy cô của các cơ sở giáo dục ngày càng có xu hướng dạy học tích cực, sáng tạo hơn trước. Giáo viên có sự chủ động đưa những vấn đề trong sách giáo khoa đến gần gũi hơn với cuộc sống. Nhiều vấn đề mới, mang tính thời sự cũng được đưa vào trường học thông qua những tiết học sinh động. Thay vì học sinh chỉ được truyền đạt kiến thức từ thầy cô bằng hình thức truyền thống: đọc, chép, giảng và tiếp thu, các em nay đã được hướng dẫn phương pháp mới để tự học nhiều hơn, tự giải quyết được vấn đề một cách chủ động. Điều rất phấn khởi là giáo viên đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy và học, giúp học sinh sử dụng tốt nền tảng công nghệ, từ đó khai thác tối đa nguồn tri thức có từ không gian mạng vào học tập.

Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng học cách pha đồ uống trong một chuyến trải nghiệm đến quán cà phê ngoài trường học. Ảnh: Công Nghĩa
Học sinh Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng học cách pha đồ uống trong một chuyến trải nghiệm đến quán cà phê ngoài trường học. Ảnh: Công Nghĩa

Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai (P.Tân Mai, TP.Biên Hòa) là một trong số các cơ sở giáo dục tư thục có nhiều đổi mới trong dạy và học. Ban giám hiệu nhà trường cho biết, khi thầy cô không thay đổi thì học trò của mình sẽ giậm chân tại chỗ, do đó đội ngũ giáo viên của trường luôn phải tìm cách tự thay đổi mình, không ngừng hướng đến những phương pháp mới trong dạy và học, đưa học sinh thực sự trở thành trung tâm của việc dạy và học. Những kiến thức tiếp nhận được sau mỗi ngày đến trường không chỉ để đi thi mà quan trọng hơn là giúp các em biết vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề đặt ra trong cuộc sống của chính mình.

Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - Tân Mai Vũ Thị Ni Na chia sẻ: “Có một cách biến việc học trở nên vô cùng thích thú với học sinh, đó chính là đưa các em đến gần hơn với cuộc sống. Chẳng hạn khi chúng ta đang phải đối phó với thiên tai, chúng tôi hướng các em vào các hoạt động nhóm. Các em sẽ đóng vai là các nhà lãnh đạo của các quốc gia có chung dòng sông Mekong gồm: Trung Quốc, Lào, Myanmar, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam để tìm giải pháp và tiếng nói chung cho vấn đề bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế. Hay học sinh được giáo viên hướng dẫn tạo ra mô hình trồng rừng chống ngập mặn ven biển để các em có cơ hội nhận biết rõ hơn về tầm quan trọng của việc trồng rừng…”.

Để thay đổi môi trường học tập, tạo ra sự thích thú cho học sinh, những buổi học của Trường TH-THCS-THPT song ngữ Lạc Hồng (P.Bửu Long, TP.Biên Hòa) không chỉ diễn ra ở trong lớp học thông thường mà còn được tổ chức ở những không gian khác lạ. Chẳng hạn như học trong những chiếc thùng container ngộ nghĩnh, hay những buổi đi trải nghiệm ở quán cà phê, các em được tự tay pha chế những đồ uống tốt cho cơ thể như nước cam, nước chanh dây hay làm sữa chua lên men…

Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh (TP.Biên Hòa) Đậu Thế Tâm cho biết, học sinh của trường hầu hết có học lực khá giỏi. Nhiều năm về trước, các em chủ yếu chú trọng vào việc học thật giỏi để thi vào các trường đại học, tuy nhiên những năm gần đây, xu thế đã thay đổi. Các em không chỉ chú ý đến việc học và thi mà nhận thức rất rõ là học để làm người; không chỉ học để tiếp nhận kiến thức mà còn là rèn luyện kỹ năng sống, tìm kiếm cơ hội trải nghiệm và xây dựng cảm xúc cho bản thân. Điều này bắt nguồn từ sự thay đổi của chính thầy cô, từ đó truyền cho các em cảm hứng thay đổi trong học tập. Khi các em vận dụng những kiến thức đã học vào cuộc sống và giải quyết được sẽ càng hứng khởi hơn, có thêm nhiều động lực hơn để học tập, rèn luyện...

PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học: Thầy cô là người dẫn đường cho học trò thay đổi

Việc dạy và học đang đòi hỏi sự thay đổi mạnh mẽ từ mỗi thầy cô. Không ai khác, thầy cô chính là những người dẫn đường cho học trò thay đổi. Thầy cô cần nâng cấp giáo án thường xuyên, không ngừng cập nhật kiến thức mới cho chính mình, thay đổi phương pháp dạy và truyền đạt kiến thức cho học sinh. Một giáo viên chịu khó thay đổi, chịu khó làm mới chính mình sẽ tạo cho học sinh những động lực thay đổi tích cực.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều