Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh: Hiệu quả điều trị đột quỵ

09:11, 30/11/2020

Bằng sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác khám, chữa bệnh, đem đến sự hài lòng, tin tưởng cho người bệnh.

Bằng sự quyết tâm, dám nghĩ dám làm, thời gian qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác khám, chữa bệnh, đem đến sự hài lòng, tin tưởng cho người bệnh.

BS Nguyễn Quốc Thành thăm khám, hướng dẫn bệnh nhân Lê Kim Bằng vận động tay trái. Ảnh: H.Dung
BS Nguyễn Quốc Thành thăm khám, hướng dẫn bệnh nhân Lê Kim Bằng vận động tay trái. Ảnh: H.Dung

Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được các bác sĩ của bệnh viện làm chủ, trở thành thường quy, cứu sống nhiều ca bệnh nguy kịch.

* Chứng nhận Gold trong điều trị đột quỵ

Mới đây, Đơn vị Đột quỵ thuộc Khoa Nội thần kinh của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh vinh dự là đơn vị thứ 2 của tỉnh được Hội Đột quỵ thế giới trao tặng chứng nhận Gold trong điều trị đột quỵ. Để đạt được chứng nhận này, Đơn vị Đột quỵ của Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh phải đạt được nhiều tiêu chí. Trong đó, quan trọng nhất là thời gian từ lúc bệnh nhân đến cửa bệnh viện đến khi bệnh nhân được điều trị đặc hiệu phải dưới 60 phút.

Khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh hiện có 7 bác sĩ, 8 điều dưỡng, trong đó có 1 bác sĩ có trình độ chuyên khoa I, các bác sĩ còn lại đều được đào tạo tại khoa và thay phiên nhau lên Bệnh viện Nhân dân 115 (TP.HCM) để được đào tạo chuyên sâu về điều trị đột quỵ.

Là một trong những bệnh nhân vừa được các bác sĩ của Đơn vị Đột quỵ cứu sống, ông Lê Kim Bằng (50 tuổi, ngụ xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) cho biết, cách đây vài ngày, sau khi đi dự tiệc đám cưới về nhà, ông bỗng dưng bị choáng, méo miệng, nói khó, yếu liệt nửa người bên trái và gục xuống. Do gia đình từng có người bị đột quỵ nên vợ con ông đã ngay lập tức đưa ông đến bệnh viện. Sau thăm khám, đánh giá, bác sĩ chẩn đoán ông Bằng có nguy cơ bị đột quỵ và giải thích cho người nhà bệnh nhân về phương pháp điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết. Sau khi được chích thuốc tiêu sợi huyết, ông Bằng được chụp CT mạch máu não để đánh giá xem có tắc mạch máu lớn hay không. Rất may, bệnh nhân không bị tắc mạch máu lớn và tiếp tục được điều trị tại khoa. 5 ngày sau khi được cấp cứu, chăm sóc, điều trị, ông Bằng bình phục nhanh chóng, không còn yếu liệt, có thể đi lại, ăn uống bình thường.

Ông Bằng chia sẻ: “Tôi từng biết có những người thân, bạn bè bị đột quỵ nhưng không kịp thời đến bệnh viện để được điều trị nên sau đó bị liệt, thậm chí tử vong. Tôi rất mừng vì được các bác sĩ cứu chữa, cũng rất hài lòng với tinh thần, thái độ của các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh. Điều gì không hiểu, tôi được giải thích cặn kẽ, rõ ràng, tế nhị”.

* Cần nhập viện càng sớm càng tốt nếu có dấu hiệu đột quỵ

BS CKI Nguyễn Quốc Thành, Trưởng khoa Nội thần kinh Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh cho biết, Khoa Nội thần kinh được thành lập tháng 6-2018. Đơn vị Đột quỵ trực thuộc Khoa Nội thần kinh được thành lập ngày 21-1-2019. Tất cả các tua trực, bác sĩ trong khoa đều có thể cấp cứu được bằng thuốc tiêu sợi huyết. Những ca bệnh khó sẽ hội chẩn toàn khoa hoặc hội chẩn từ xa với các bác sĩ trình độ cao ở Bệnh viện Nhân dân 115 và Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai để kịp thời xử trí.

Về máy móc, thiết bị, khoa hiện có 2 giường bệnh cấp cứu, 10 giường bệnh nặng, 20 giường lưu bệnh, máy CT, MRI và đầy đủ các trang thiết bị thiết yếu theo danh mục của Bộ Y tế.

Từ năm 2019 đến nay, Đơn vị Đột quỵ tiếp nhận hơn 1,2 ngàn bệnh nhân bị đột quỵ, trong đó có khoảng 50% bệnh nhân/160 trường hợp bị nhồi máu não được điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết bình phục gần như hoàn toàn.

Quy trình tiếp nhận và xử lý bệnh nhân bị đột quỵ tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh như sau: bệnh nhân khi vào Khoa Cấp cứu nếu có dấu hiệu nghi ngờ đột quỵ, bác sĩ cấp cứu sẽ báo cho bác sĩ của Đơn vị Đột quỵ, đồng thời chỉ định cho bệnh nhân đi chụp CT Scan sọ não. Nếu kết quả chụp cho thấy bệnh nhân bị nhồi máu não sẽ được bác sĩ điều trị tái thông bằng thuốc tiêu sợi huyết, xác định nguyên nhân, điều trị dự phòng, phục hồi chức năng. Nếu bệnh nhân bị xuất huyết não sẽ được mở sọ lấy máu tụ, giải áp, điều trị nguyên nhân, phục hồi chức năng. Nếu bệnh nhân bị tắc mạch máu lớn, bệnh viện sẽ chuyển bệnh nhân lên các bệnh viện và đơn vị đột quỵ tuyến trên ở TP.HCM hoặc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Trường hợp bệnh nhân không bị tắc mạch máu lớn sẽ được chuyển lên Khoa Nội thần kinh của bệnh viện để được điều trị, chăm sóc.

“Bất kể khi nào, dù ngày hay đêm, nếu người dân nhận thấy bản thân hoặc thấy người thân có những biểu hiện như: méo miệng, nói khó, yếu liệt… cần ngay lập tức đến bệnh viện để được bác sĩ chẩn đoán, điều trị kịp thời, không nên ở nhà để chờ đợi hay sử dụng các biện pháp dân gian bởi với người bệnh đột quỵ, thời gian là vàng. Chỉ cần nhập viện trễ quá giờ vàng, cơ hội được cứu sống của bệnh nhân hầu như không còn” - BS Thành nhắn nhủ.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều