Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt qua cơn thèm thuốc lá

09:09, 14/09/2020

Hút thuốc lá gây hại cho mọi cơ quan trong cơ thể. Người nghiện thuốc lá có tỷ lệ tử vong do ung thư cao hơn gấp 4 lần so với những người không hút thuốc.

Hút thuốc lá gây hại cho mọi cơ quan trong cơ thể. Người nghiện thuốc lá có tỷ lệ tử vong do ung thư cao hơn gấp 4 lần so với những người không hút thuốc.

Hãy suy nghĩ về sức khỏe của mình và người thân trước khi hút thuốc lá. Ảnh: Hồ Hồng
Hãy suy nghĩ về sức khỏe của mình và người thân trước khi hút thuốc lá. Ảnh: Hồ Hồng

Hút thuốc lá có liên quan đến khoảng 90% của tất cả các trường hợp ung thư phổi - ung thư gây chết người số một của cả nam và nữ. Lạm dụng thuốc lá cũng liên quan đến ung thư miệng, hầu họng, thanh quản, thực quản, dạ dày, tuyến tụy, cổ tử cung, thận, niệu quản và bàng quang…

Tuy vậy, bỏ thuốc lá là vấn đề thực sự khó đối với nhiều người. Khi một người bỏ hút thuốc, họ thường gặp phải hội chứng cai thuốc lá, điều này thường khiến họ quay lại sử dụng thuốc lá. Các biểu hiện của hội chứng cai bao gồm: rối loạn cảm xúc (quá vui hoặc quá buồn), rối loạn giấc ngủ (mất ngủ hoặc ngủ nhiều hơn), mất tập trung, tăng sự thèm ăn và ăn nhiều hơn, rối loạn tiêu hóa (đầy hơi, tiêu chảy). Cơn thèm thuốc có thể tồn tại trong 6 tháng hoặc lâu hơn và nó như một trở ngại lớn đối với việc bỏ thuốc lá.

Do đó, cần suy nghĩ về lý do thôi thúc bạn bỏ thuốc lá. Viết ra giấy hay ghi chú vào điện thoại những lý do thôi thúc bạn bỏ thuốc lá. Mở nó ra xem thường xuyên và luôn tự nhắc nhở bản thân tại sao bạn muốn bỏ thuốc lá mỗi khi bắt đầu cơn thèm thuốc.

Tính toán khoản tiền bạn tiết kiệm được khi không hút thuốc lá. Hãy suy nghĩ nếu có thêm một khoản tiền tiết kiệm, bạn sẽ dùng nó vào mục đích gì.

Giữ cho miệng của bạn bận rộn: Nhai một thanh kẹo cao su thay vì hút một điếu thuốc. Luôn có kẹo cao su bên mình và uống nhiều nước hơn.

Khi một cơn thèm thuốc lá ập đến, bạn hãy dừng việc đang làm ngay lập tức và chuyển sang làm điều gì đó khác biệt hơn như nói chuyện với mọi người xung quanh, đọc sách, nghe nhạc…

Tập thể dục: Đi dạo hoặc chạy bộ hoặc đi lên xuống cầu thang một vài lần. Hoạt động thể chất, ngay cả trong những đợt ngắn, có thể giúp tăng cường năng lượng của bạn và đánh bại cơn thèm thuốc.

Hít thở chậm, sâu: Khi có cơn thèm thuốc, bạn hãy hít qua mũi và thở ra bằng miệng. Lặp lại điều này 10 lần hoặc cho đến khi bạn cảm thấy thư giãn hơn.

Đi đến nơi không được phép hút thuốc: Ghé thăm một nơi công cộng. Hầu hết các nơi công cộng không cho phép hút thuốc. Đi đến rạp chiếu phim, siêu thị, khu vui chơi cho trẻ em hoặc một nơi khác. Bạn sẽ không được phép hút thuốc lá ở những nơi đó, tất cả đều có biển “cấm hút thuốc lá”.

Hãy suy nghĩ về việc thử một liệu pháp thay thế nicotine (một chất gây nghiện trong thuốc lá) tác dụng ngắn như: viên kẹo ngậm hoặc kẹo cao su, cộng với liệu pháp thay thế nicotine tác dụng dài, như miếng dán cai thuốc lá để vượt qua cơn thèm thuốc. Ngay cả khi bạn sử dụng liệu pháp thay thế nicotine, bạn vẫn có thể có cảm giác thèm thuốc, nên phải thực sự có quyết tâm cao để vượt qua.

Làm một việc tốt: Hãy thử đánh lạc hướng bản thân trong vài phút bằng cách giúp đỡ bạn bè, thành viên trong gia đình hoặc đồng nghiệp. Điều này làm mất sự tập trung của bản thân vào cảm giác thèm thuốc và thay vào đó bạn sẽ dành sự quan tâm cho những người xung quanh. Nó có thể là một cách hữu ích để đối phó với một sự thèm muốn cho đến khi nó đi qua. Thêm vào đó, làm việc tốt có thể có tác động tích cực đến sức khỏe của bạn, như giảm căng thẳng. Kiểm soát căng thẳng là một phần quan trọng của việc bỏ hút thuốc.

Kiên trì và không bỏ cuộc: Làm bất cứ điều gì để đánh bại cơn thèm thuốc lá. Tiếp tục thử và phối hợp những cách khác nhau cho đến khi bạn tìm thấy cách nào phù hợp nhất cho bạn. Đừng hút thuốc. Thậm chí không hút dù chỉ một hơi.

BS Hồ Hồng (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh)

 

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích