Báo Đồng Nai điện tử
En

Dự thảo mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh: Xóa bỏ các hình thức kỷ luật không phù hợp

10:09, 11/09/2020

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo này đã loại bỏ một số hình thức kỷ luật không còn phù hợp như: cảnh cáo trước lớp, cảnh cáo trước toàn trường, buộc thôi học trong Thông tư 08/TT-BGDĐT ngày 21-3-1988.

Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến dự thảo thông tư quy định về khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Dự thảo này đã loại bỏ một số hình thức kỷ luật không còn phù hợp như: cảnh cáo trước lớp, cảnh cáo trước toàn trường, buộc thôi học trong Thông tư 08/TT-BGDĐT ngày 21-3-1988.

Dự thảo thông tư mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh thể hiện rõ quan điểm về giáo dục kỷ luật tích cực, đây là điều được dư luận đồng tình ủng hộ. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Long Phước, H.Long Thành trong giờ học
Dự thảo thông tư mới về khen thưởng, kỷ luật học sinh thể hiện rõ quan điểm về giáo dục kỷ luật tích cực, đây là điều được dư luận đồng tình ủng hộ. Trong ảnh: Học sinh Trường THCS Long Phước, H.Long Thành trong giờ học. Ảnh: H.Yến

* Chú trọng kỷ luật tích cực

Những năm gần đây, cụm từ “kỷ luật tích cực” ngày càng được các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh và những nhà giáo dục nhắc đến. Đây được xem là phương pháp hữu hiệu trong giáo dục những học sinh vi phạm nội quy, kỷ luật của nhà trường.

Theo cách thông thường, khi học sinh vi phạm nội quy, hầu hết các giáo viên sẽ phải dùng đến hình phạt. Tuy nhiên, trên thực tế, không phải hình phạt nào cũng có thể khiến học sinh từ bỏ hành vi xấu và hình thành được những thói quen tốt. Thậm chí, nếu không khéo léo thì những hình phạt đó thậm chí sẽ có tác dụng ngược, gây nên tâm lý chống đối của học sinh. Điều này sẽ khiến các em có xu hướng tiếp tục vi phạm. Trong một số trường hợp, học sinh có thể sẽ cảm thấy tổn thương về mặt tinh thần, sống khép mình lại…

Nhận thức được điều đó, nhiều giáo viên đã chủ động tìm hiểu, áp dụng phương pháp kỷ luật tích cực, thay vì thực hiện một cách máy móc quy định khen thưởng xử phạt theo Thông tư 08 (vốn đã quá cũ) của Bộ GD-ĐT.

Dư luận đồng tình với dự thảo thông tư mới

Thông tư 08 về khen thưởng và thi hành kỷ luật học sinh các trường phổ thông được ban hành ngày 21-3-1988, cách đây hơn 30 năm. Nhiều hình thức kỷ luật của thông tư này đã không còn phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay. Trong đó có các hình thức như: khiển trách trước lớp, cảnh cáo trước toàn trường, đuổi học 1 tuần hoặc đuổi học 1 năm.

Vì vậy, dự thảo thông tư mới với nhiều quan điểm, hình thức kỷ luật tích cực đã nhận được sự đồng tình của dư luận xã hội nói chung và các nhà sư phạm nói riêng. Dự thảo được đăng công khai trên website của Bộ GD-ĐT tại địa chỉ https://moet.gov.vn/ và lấy ý kiến đến hết ngày 31-10-2020.

Cô Vũ Thị Mận, giáo viên Trường tiểu học Tân Phong B (P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) đã thực hiện đề tài kinh nghiệm làm tốt công tác chủ nhiệm lớp ở trường tiểu học bằng phương pháp giáo dục kỷ luật tích cực. Với ý nghĩa thiết thực, hiệu quả, đề tài này đã mang đến cho cô giải ba trong cuộc thi phát huy sáng kiến sáng tạo trong lao động và học tập tỉnh Đồng Nai năm 2017.

Cách làm của cô Mận là cho chính học sinh tham gia xây dựng, thiết kế, viết bản nội quy của lớp học. Thay vì tìm lỗi để khiển trách học sinh, giáo viên phải thường xuyên tìm ra ưu điểm, sự tiến bộ của học sinh để khen ngợi, động viên, khuyến khích các em.  Thậm chí, cô còn sử dụng “hình phạt” đọc sách dành cho học sinh vi phạm nội quy. Theo đó, giáo viên sẽ yêu cầu học sinh đọc một cuốn sách và chia sẻ những điều đã học được ở cuốn sách trong giờ sinh hoạt lớp. Nói là phạt, nhưng chính giáo viên lại đồng hành cùng học sinh, hướng dẫn các em cách đọc...

Cũng với tư tưởng giáo dục kỷ luật tích cực đó, dự thảo thông tư nêu trên của Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều biện pháp kỷ luật tích cực như: khuyên bảo, động viên; nhắc nhở, phê bình riêng đối với học sinh mắc khuyết điểm; tổ chức tư vấn tâm lý cho học sinh mắc khuyết điểm đang gặp khó khăn tâm lý; yêu cầu học sinh thực hiện nhiệm vụ lao động phù hợp, vừa sức như: trực nhật, vệ sinh lớp học, trường học, dọn dẹp thư viện, trồng hoặc chăm sóc cây xanh trong khuôn viên nhà trường...

Một hình thức kỷ luật khác đáng chú ý được đưa ra trong dự thảo là: sưu tầm, tìm hiểu sách, tài liệu, phim ảnh hoặc câu chuyện thực tế đã được trải nghiệm, có nội dung liên quan đến khuyết điểm của học sinh, sau đó trình bày suy nghĩ, cảm nhận về nội dung và bài học rút ra cho bản thân. Ngoài ra, học sinh còn được yêu cầu tham gia hoạt động hỗ trợ, giúp đỡ học sinh khác có hoàn cảnh gia đình khó khăn hoặc chưa học tốt để cùng tiến bộ.

* Xóa bỏ những hình phạt không phù hợp

Theo Thông tư 08 trước đây, có 2 hình thức kỷ luật gây tranh cãi và bị cho rằng phản giáo dục là: khiển trách, cảnh cáo học sinh trước lớp, trước toàn trường và hình thức buộc thôi học.

Hình thức kỷ luật “nêu tên” trước lớp, trước trường sẽ khiến học sinh mặc cảm, xấu hổ, gây tổn thương về mặt tâm lý; thậm chí có thể gây tác dụng ngược là càng khiến các em ngỗ ngược, bất cần và có hành động xấu hơn. Đối với hình thức kỷ luật đuổi học, đa số các trường đã không còn áp dụng trên thực tế.

Theo dự thảo thông tư mới, ngoài các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực, tùy theo mức độ vi phạm, học sinh có thể sẽ phải chịu các mức kỷ luật: khiển trách; cảnh cáo; tạm dừng học tập trên lớp để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng với học sinh vi phạm. Những hình thức kỷ luật này không được áp dụng với học sinh tiểu học.

Đối với hình thức kỷ luật tạm dừng học trên lớp, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của học sinh, căn cứ đề xuất của Hội đồng kỷ luật học sinh của nhà trường, Hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết định thời hạn tạm dừng học tập trên lớp đối với học sinh tối đa là 2 tuần lễ để thực hiện kế hoạch giáo dục riêng đối với học sinh vi phạm.

Trong trường hợp phải áp dụng hình thức kỷ luật này, học sinh có thể thực hiện kế hoạch giáo dục tại nhà trường, gia đình hoặc cộng đồng dân cư dưới sự giám sát, hỗ trợ của cán bộ, giáo viên được phân công và gia đình học sinh.

Một điểm đáng chú ý của dự thảo là nếu học sinh bị kỷ luật và gia đình có nguyện vọng chuyển trường, trên cơ sở thỏa thuận của nhà trường nơi học sinh muốn chuyển đến, cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền, hiệu trưởng nhà trường xem xét, tạo điều kiện cho học sinh được chuyển trường theo quy định.           

Hải Yến

Tin xem nhiều