Báo Đồng Nai điện tử
En

Trao quyền để giáo viên sáng tạo vì học sinh

10:09, 21/09/2020

Đầu năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều điều chỉnh mới liên quan đến chương trình ở các bậc học, quản lý học sinh, trong đó Thông tư 28 mới ban hành về Điều lệ trường tiểu học đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ của nhiều giáo viên.

Đầu năm học 2020-2021, Bộ GD-ĐT đã đưa ra nhiều điều chỉnh mới liên quan đến chương trình ở các bậc học, quản lý học sinh, trong đó Thông tư 28 mới ban hành về Điều lệ trường tiểu học đã thu hút sự quan tâm và ủng hộ của nhiều giáo viên.

Học sinh Trường tiểu học Hưng Lộc (H.Thống Nhất) tham gia hoạt động ngoại khóa do giáo viên tổ chức. Ảnh: C.Nghĩa
Học sinh Trường tiểu học Hưng Lộc (H.Thống Nhất) tham gia hoạt động ngoại khóa do giáo viên tổ chức. Ảnh: C.Nghĩa

Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT Trần Đình Vinh cho rằng, Thông tư 28 của Bộ GD-ĐT mang tinh thần khuyến khích và chịu trách nhiệm cao đối với giáo viên, điều mà trước đây chưa được thể hiện rõ nét. Theo đó, với điều lệ mới giúp giáo viên tiểu học được chủ động thực hiện và chịu trách nhiệm về kế hoạch giáo dục.

* Trao quyền chủ động cho giáo viên            

Với quy định mới, giáo viên được trao quyền chủ động về nội dung, phương pháp giáo dục, đồng thời được chủ động trong kiểm tra và đánh giá đối với học sinh của mình. Đi đôi với trao quyền chủ động, Điều lệ trường tiểu học mới cũng nêu rõ giáo viên là người sẽ phải chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả giáo dục đối với từng học sinh.

Để đội ngũ giáo viên nâng cao chất lượng dạy và học, Thông tư 28 khuyến khích giáo viên các trường tiểu học được phép sáng tạo phương pháp dạy, giúp học sinh học tập hiệu quả. Giáo viên được quyền linh hoạt sử dụng các loại đồ dùng dạy học do chính mình tự làm, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin vào việc giảng dạy cho học sinh. Những khuyến khích này của Bộ GD-ĐT là hoàn toàn phù hợp trong tình hình mới khi công nghệ thông tin đã ăn sâu vào các lĩnh vực của cuộc sống, trong đó có giáo dục.

Nhiều giáo viên kỳ vọng, với việc thực hiện Thông tư 28 sẽ không còn bị bó buộc bởi các phương pháp lẫn hình thức giáo dục cũ, đi theo lối mòn và ít sáng tạo. Các trường có thể chủ động áp dụng các phương pháp, hình thức giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước, phù hợp với điều kiện và đối tượng học sinh. Thông tư 28 sẽ hạn chế đáng kể việc “chờ chỉ đạo” khi Bộ GD-ĐT đã cho phép các trường được quyền xây dựng nhiều phương án tổ chức dạy học khác nhau cho những tình huống bị tác động bởi yếu tố khách quan, chẳng hạn như thiên tai hay dịch bệnh.

* Cần khuyến khích đổi mới

Theo chia sẻ của một số giáo viên, công việc dạy học luôn đòi hỏi sự sáng tạo, nhưng đôi khi sáng tạo lại bị “thổi còi” vì còn quá mới mẻ, hoặc vượt quá khả năng của nhà trường. Cô Phạm Thị Thanh Hiền, giáo viên một trường tiểu học ở TT.Trảng Bom (H.Trảng Bom) cho hay, là giáo viên ai cũng muốn đem hết khả năng sáng tạo của mình cống hiến cho học sinh, nhưng cũng rất khó vì vướng cơ chế. Chẳng hạn khi dạy ngoại khóa, muốn đưa học sinh đi tham quan thực tế, phụ huynh ủng hộ cao về kinh phí thuê xe đưa rước và ăn uống nhưng nhà trường lại không dám cho giáo viên dẫn học sinh đi vì lý do an toàn. Những khó khăn khá phổ biến trong chính nhà trường đã khiến học sinh mất đi những cơ hội mở mang kiến thức thực tế.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang: Tạo điều kiện và kịp thời khen thưởng giáo viên

Bộ GD-ĐT đã thể hiện rõ tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT, giúp giáo viên được giao quyền chủ động nhiều hơn, có nhiều điều kiện để đổi mới sáng tạo hơn, giúp học sinh hưởng thụ nhiều buổi học chất lượng. Dù giao quyền chủ động cho giáo viên nhưng nhà trường cũng phải theo dõi, đôn đốc, cái gì sáng tạo, có lợi cho học sinh thì làm, giáo viên có nhiều đổi mới thì khen thưởng. Cần tránh tư tưởng chậm đổi mới từ chính Ban giám hiệu nhà trường, như vậy sẽ khiến quá trình đổi mới sáng tạo trong dạy và học gặp khó khăn.

Cô Phạm Thị Hải, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Du (TT.Định Quán, H.Định Quán) chia sẻ, với điều lệ cũ thì giáo viên phải “bám” vào sách, dạy tiết nào xong tiết đó, còn giờ có thể căn cứ vào tình hình của lớp để dạy theo kế hoạch do giáo viên chủ động, miễn sao là đảm bảo được chất lượng dạy và học với từng học sinh trước Ban giám hiệu.

Trong khi đó, cô Bùi Thị Mai Huê, Hiệu trưởng Trường tiểu học Hưng Lộc (H.Thống Nhất) nêu quan điểm, Thông tư 28 đã quy định khá rõ quyền chủ động của giáo viên, đây là điều kiện thuận lợi để giáo viên phát huy hết khả năng cống hiến với nghề nghiệp của mình. Chẳng hạn trước đây, quy định giờ nào môn đó thì giờ đây giáo viên có thể thay đổi. Vì dụ như nếu trời mưa không thể học môn Thể dục thì có thể bố trí học môn khác. Khi vào cuối buổi học, học sinh mệt, không nhất thiết phải dạy môn Toán hay Tiếng Việt mà có thể là một môn khác nhẹ nhàng hơn như Âm nhạc để thu hút học sinh học bài.

Ông Võ An Ninh, Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai, người từng có nhiều năm đứng lớp cho rằng, thiết bị phục vụ dạy và học của nhiều trường hiện vẫn còn thiếu nên không tránh khỏi tình trạng học sinh phải “học chay”. Thông tư 28 mở ra cơ hội sẽ có một “cuộc đua” của các thầy cô giáo tâm huyết với nghề trong việc cho ra đời các sản phẩm thiết bị dạy và học tự làm thay thế tạm thời cho các thiết bị “chính hãng”. Để khuyến khích giáo viên tăng cường sáng tạo sử dụng các thiết bị dạy và học tự làm theo Thông tư 28, các nhà trường cần phải có các hình thức khen thưởng, động viên, khuyến khích kịp thời.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều