Báo Đồng Nai điện tử
En

Niềm vui của các gia đình học tập tiêu biểu

10:07, 06/07/2020

Từng hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập tiêu biểu đều được xướng tên, giới thiệu vắn tắt thành tích. Sau đó, lãnh đạo huyện, Hội Khuyến học tỉnh trao biểu trưng cho các gia đình một cách trang trọng. Với họ, đó là niềm vinh dự, tự hào, là động lực để họ tiếp tục nhắc nhở con cháu không ngừng học tập suốt đời.

Từng hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình học tập tiêu biểu đều được xướng tên, giới thiệu vắn tắt thành tích. Sau đó, lãnh đạo huyện, Hội Khuyến học tỉnh trao biểu trưng cho các gia đình một cách trang trọng. Với họ, đó là niềm vinh dự, tự hào, là động lực để họ tiếp tục nhắc nhở con cháu không ngừng học tập suốt đời.

Bà Phan Thị Kim Năm (ấp Long Hiệu, xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) vui mừng ngắm nhìn biểu trưng gia đình học tập mà UBND H.Nhơn Trạch trao tặng. Ảnh: H.Yến
Bà Phan Thị Kim Năm (ấp Long Hiệu, xã Long Tân, H.Nhơn Trạch) vui mừng ngắm nhìn biểu trưng gia đình học tập mà UBND H.Nhơn Trạch trao tặng. Ảnh: H.Yến

H.Nhơn Trạch vừa tổ chức tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định số 281/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 46/QĐ-UBND của UBND tỉnh về học tập suốt đời. Tại đây, UBND huyện đã khen thưởng cho 48 gia đình, 13 cộng đồng và 12 đơn vị tiêu biểu trong xây dựng phong trào học tập suốt đời.

* Nhiều tiền cũng không quý bằng kiến thức

Gia đình bà Phan Thị Kim Năm (ấp Long Hiệu, xã Long Tân) có 5 người con. Hiểu rõ tầm quan trọng của việc học nên bà luôn động viên con cái học hành. Nhờ đó, đến nay, cả 5 người con của bà đều trưởng thành, có công ăn việc làm ổn định.

Ông Phan Sỹ Anh, Phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh cho biết, H.Nhơn Trạch là địa phương đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc thực hiện phong trào học tập suốt đời. Cơ quan, ban ngành, đoàn thể nào cũng có một phần việc, trong đó Hội Khuyến học giữ vai trò tham mưu đã làm tốt việc gắn kết giữa các đơn vị.

Trước ngày đi dự lễ tuyên dương, bà nhận được điện thoại của người con trai thứ hai báo tin mới nhận bằng tốt nghiệp đại học. Niềm vui như được nhân đôi, bà chia sẻ: “Tôi rất phấn khởi vì được nhận danh hiệu này. Đây là động lực để tôi cố gắng hơn, sẽ giúp ích cho xã hội và xây dựng phong trào ngày càng tiến bộ, dạy dỗ con cháu tốt hơn. Dù tôi có thật nhiều tiền thì cũng không quý bằng danh hiệu này. Đây là phần thưởng danh dự nhất của tôi, là cái để con cháu trông vào mà noi theo”.

Không chỉ nêu gương cho con cháu trong gia đình về học tập suốt đời, nhiều người còn tích cực tham gia công tác khuyến học tại địa phương. Họ tuyên truyền, vận động, giúp đỡ để những người có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện được học tập. Như hộ ông Nguyễn Huy Hoàng (ấp Đại Thắng, xã Vĩnh Thanh) đã tham gia vận động thành lập CLB học sinh, sinh viên với nguồn quỹ lên đến hàng tỷ đồng, hỗ trợ cho hơn 50 em ăn học thành tài. Các hộ bà Nguyễn Thị Thùy Linh (ấp Xóm Hố, xã Phú Hội), ông Bùi Văn Lăng (ấp 1, xã Phú Thạnh), bà Nguyễn Thị Hồng (ấp rạch Bảy, xã Phú Hữu), bà Đào Thị Kim (KP.Phước Lai, TT.Hiệp Phước)... đều có nhiều năm liền trao tặng học bổng cho các học sinh nghèo.

* Vận động người lớn tuổi tham gia học tập

Theo ông Phan Sỹ Anh, Phó chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh, trong hơn 4 năm thực hiện Quyết định 281 của Thủ tướng Chính phủ, Đồng Nai đã hình thành nên một nét văn hóa mới. Đó là người lớn tuổi tham gia học tập. Hiện nay, hơn ai hết, người nông dân đã hiểu rằng, nếu không học, không tiếp thu kiến thức mới thì sản xuất sẽ khó thành công.

“Khó khăn nhất trong phong trào học tập suốt đời là xây dựng mô hình gia đình học tập. Trong gia đình học tập, khó khăn nhất là làm sao để người lớn tuổi thường xuyên tham gia một nội dung học tập và vận dụng có hiệu quả vào trong đời sống sản xuất, kinh doanh. Nếu thực hiện tốt được mô hình này thì sẽ dễ xây dựng được các mô hình còn lại” - ông Phan Sỹ Anh chia sẻ.

Chia sẻ về kinh nghiệm vận động người lớn tuổi tham gia học tập, ông Nguyễn Văn Quân, Phó chủ tịch Hội Khuyến học xã Phước An cho rằng, việc học của người lớn tuổi phải gắn liền với chia sẻ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm trong sản xuất chăn nuôi. Để làm được điều này, cần có sự vào cuộc của trung tâm học tập cộng đồng xã, thông qua các lớp đào tạo nghề nông thôn.

Tại xã Phước An, trong 5 năm (từ 2016-2020), xã đã mở được 27 lớp chuyên đề, 3 lớp đào tạo nghề lao động nông thôn với hơn 1.200 lượt người tham gia học tập. Những kiến thức này đã được người dân áp dụng vào thực tế sản xuất. Sau các khóa học, nông dân xã Phước An đã thành lập được 2 tổ hợp tác chăn nuôi bò, 1 tổ hợp tác nuôi trồng thủy sản, 1 tổ trồng rau sạch và 1 tổ phục vụ nấu ăn. Trong đó, mô hình nuôi tôm lót bạt ở H.Nhơn Trạch ngày càng chứng minh hiệu quả kinh tế.

Theo ông Châu Phước Thuận, Phó bí thư Huyện ủy Nhơn Trạch: “Trong thời gian tới, H.Nhơn Trạch sẽ đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập để phong trào này trở thành nòng cốt trong phong trào đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới nâng cao. Qua đó, phát triển và hoàn thiện diện mạo của nông thôn mới H.Nhơn Trạch, nâng cao giá trị thụ hưởng vật chất, tinh thần của người dân”.

Hải Yến

Tin xem nhiều