Báo Đồng Nai điện tử
En

Kỹ năng số cho người làm du lịch

09:07, 12/07/2020

Sở Du lịch TP.HCM vừa phối hợp cùng chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 của Google tổ chức buổi đào tạo kỹ năng kỹ thuật số và quảng bá tiếp thị số cho các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp du lịch và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhằm tạo sự hiện diện của doanh nghiệp trên môi trường số, mở rộng những cơ hội tiếp cận và thu hút khách hàng từ internet, thúc đẩy du lịch nội địa trong giai đoạn bình thường mới sau thời gian giãn cách do đại dịch Covid-19.

Sở Du lịch TP.HCM vừa phối hợp cùng chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 của Google tổ chức buổi đào tạo kỹ năng kỹ thuật số và quảng bá tiếp thị số cho các cán bộ quản lý nhà nước về du lịch, doanh nghiệp du lịch và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhằm tạo sự hiện diện của doanh nghiệp trên môi trường số, mở rộng những cơ hội tiếp cận và thu hút khách hàng từ internet, thúc đẩy du lịch nội địa trong giai đoạn bình thường mới sau thời gian giãn cách do đại dịch Covid-19.

Tần Thị Shu, chủ doanh nghiệp du lịch người H’Mông ứng dụng chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 thành công. Ảnh chụp lại từ clip của Google
Tần Thị Shu, chủ doanh nghiệp du lịch người H’Mông ứng dụng chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 thành công. Ảnh chụp lại từ clip của Google

Buổi đào tạo này đã thu hút hơn 250 đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tham dự. Những nội dung chính của buổi đào tạo được ghi nhận lại như sau:

* Người tiêu dùng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang quan tâm đến du lịch nội địa

Nửa đầu năm 2020, ngành du lịch lữ hành và dịch vụ trải qua một trong những thời điểm khó khăn nhất do chịu ảnh hưởng của đại dịch toàn cầu Covid-19. Tuy nhiên, khảo sát mới nhất từ Google cho thấy, người tiêu dùng ở một số thị trường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương (APAC) có biểu hiện muốn du lịch nội địa trong thời gian tới. Đây là tín hiệu lạc quan cho thị trường du lịch nội địa tại Việt Nam nói chung, TP.HCM nói riêng.

Cụ thể tại Indonesia, Philippines và Việt Nam có hơn 25% người phản hồi cho biết có kế hoạch du lịch nội địa trong 3 tháng tới, so với con số dưới 14% của các quốc gia như Úc và Nhật. Tương tự với khả năng muốn du lịch quốc tế trong 6 tháng tới của người Indonesia, Ấn Độ, Philippines và Việt Nam cao gấp 1,5 lần so với người Úc, Singapore và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, khảo sát từ Global Web Index cho thấy, 45% những người dùng trên thế giới có kế hoạch du lịch bị trì hoãn bởi dịch Covid-19 đang dự định cho một kỳ nghỉ hay du lịch sau khi đại dịch kết thúc.

* Lượng tìm kiếm thông tin du lịch trên Google đang tăng cao trở lại

Cho đến cuối tháng 4 và trong tháng 6, lượng tìm kiếm về du lịch gấp đôi so với tháng 3, dù vẫn còn thấp hơn 20% so với tháng 6-2019. Tìm kiếm loại hình lưu trú tại nhà dạng homestay trong tháng 6 tăng đến 180%.

Những từ khóa liên quan đến du lịch và lữ hành được tìm kiếm nhiều nhất trong tháng 6 là: “mùa này nên đi du lịch ở đâu”, “marketing du lịch là gì”, những từ khóa tìm “resorts”, các gói khuyến mãi kích cầu du lịch...

10 địa điểm được người Việt tìm kiếm nhiều nhất là: Đà Nẵng, Hà Nội, Lâm Đồng, Thừa Thiên - Huế, Bắc Ninh, Thái Nguyên, Khánh Hòa, Hải Phòng, Yên Bái, Phú Thọ.

Về lưu trú, những yếu tố người dùng quan tâm nhất khi đặt một khách sạn là: không tính phí hủy phòng hay thay đổi đặt phòng, khẩu trang và nước rửa tay diệt khuẩn miễn phí, giảm giá 25% trên giá tiêu chuẩn và cải thiện vệ sinh siêu sạch ở cấp độ bệnh viện.

Về hàng không, yếu tố được quan tâm nhất khi đặt vé máy bay là giảm giá.

Các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các doanh nghiệp dịch vụ du lịch và lữ hành sẽ căn cứ những dữ liệu trên để nắm bắt hành vi của khách hàng trong giai đoạn bình thường mới, thay đổi tư duy lẫn cách thức tiếp cận du khách để tối ưu hiệu quả.

* Thu hút khách hàng bằng truyền thông tiếp thị số

Trong tình hình phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, thêm vào đó là tác động của đại dịch Covid-19 khiến hành vi của người dùng ngày càng chuyển dần sang các hoạt động online như: tìm kiếm thông tin du lịch, đặt phòng, đặt vé máy bay… qua internet, các chuyên gia khuyến cáo thu hút khách hàng bằng truyền thông tiếp thị số là giải pháp hữu hiệu nhất hiện nay.

Hai giải pháp chính được các chuyên gia đề xuất và hướng dẫn thực hiện là:

- Thông qua công cụ miễn phí Google Doanh nghiệp của tôi (Google My Business, GMB) để tạo ra sự hiện diện của doanh nghiệp trên môi trường internet. GMB giúp doanh nghiệp tạo ra địa điểm của mình ngay trên Google Maps với đầy đủ các thông tin cần thiết như: thông tin liên lạc, hình ảnh, ngành nghề kinh doanh, chương trình khuyến mãi… Ngoài ra, GMB còn giúp thiết kế và tạo website miễn phí cho các doanh nghiệp.

- Khai thác quảng bá du lịch qua YouTube. Đây là mạng video phổ biến nhất thế giới, có thể tiếp cận hàng tỷ người dùng. Hiện nay, nhu cầu tìm hiểu thông tin về các điểm đến theo hình thức xem nội dung video đã trở nên rất phổ biến. Khán giả đa phần là những người trẻ ưa chuộng những nội dung du lịch tự túc gần gũi với sở thích cũng như trào lưu trải nghiệm mới, và video đánh giá trải nghiệm có tác động lớn đến quyết định đi du lịch của họ.

Đây là những “cú chạm” quan trọng đầu tiên vào hành trình du lịch của một khách hàng tiềm năng ngay từ khi họ chưa có ý định du lịch cho đến khi bắt đầu tìm thông tin liên quan các địa điểm phù hợp trên Google Tìm kiếm. Gợi mở, đón đầu và cung cấp những gì khách hàng cần; đó là những điều doanh nghiệp cần làm và nên làm bằng những công cụ kỹ thuật số.

Khách mời đặc biệt của chương trình là Trần Đặng Đăng Khoa, chàng trai 8X đã chu du khắp mọi miền đất nước và hành trình 80 ngàn km qua 65 nước trên thế giới trong 1.111 ngày bằng xe máy hai bánh. Những trải nghiệm thực tế của Trần Đặng Đăng Khoa được chia sẻ tại sự kiện đã giúp cho các doanh nghiệp tham dự có cái nhìn tổng quan về cách làm của các doanh nghiệp du lịch ở những nước phát triển và cả các quốc gia trong khu vực, thu hút khách hàng mới, đặc biệt là nhóm người trẻ với trào lưu du lịch tự túc.

Khách mời thứ hai là Phạm Văn Dũ, chủ kênh YouTube Oops Banana với 4,63 triệu người theo dõi, được mệnh danh là “đại sứ du lịch trực tuyến”. Phần trao đổi cho thấy việc kết hợp quảng bá với người nổi tiếng hay có sức hút với cộng đồng cũng mang lại nhiều lợi điểm, phù hợp thói quen xem nội dung du lịch trên YouTube hiện nay của người dùng.

Các đơn vị, doanh nghiệp và nhân viên làm trong ngành du lịch có thể tham gia chương trình Bệ phóng Việt Nam Digital 4.0 để dự những buổi đào tạo và hội thảo online miễn phí về kiến thức kỹ thuật số, kỹ năng mềm, kỹ năng kinh doanh, gợi ý tìm ra hướng đi mới cho doanh nghiệp du lịch, chia sẻ những kinh nghiệm thực tế và những bí quyết để chinh phục trạng thái “bình thường mới”. Đăng ký miễn phí tại: https://digital40.withgoogle.com/.

Thái Thư (theo Google)

Tin xem nhiều