Báo Đồng Nai điện tử
En

Hiệu quả trong điều trị hẹp động mạch cảnh

08:07, 05/07/2020

Hẹp động mạch cảnh là một trong những bệnh lý gây nên tình trạng đột quỵ, có thể để lại biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Hẹp động mạch cảnh là một trong những bệnh lý gây nên tình trạng đột quỵ, có thể để lại biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh đang nằm điều trị tại Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân bị hẹp động mạch cảnh đang nằm điều trị tại Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Ảnh: H.Dung

Trong gần 2 năm qua, các bác sĩ Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã điều trị thành công hơn 100 ca hẹp động mạch cảnh, không có ca nào tử vong, không để lại biến chứng, không đột quỵ sau mổ, đạt tiêu chuẩn của các hội chuyên ngành châu Âu và Hoa Kỳ (cho phép tỷ lệ đột quỵ sau mổ hẹp động mạch cảnh dưới 3%).

* Dấu hiệu nhận biết của hẹp động mạch cảnh

Động mạch cảnh là mạch máu đi từ tim qua cổ lên để nuôi não, là động mạch lớn nhất, quan trọng nhất để nuôi não, quyết định các hoạt động thần kinh của cơ thể. Nếu động mạch cảnh bị tổn thương hay bị tắc sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não, khiến người bệnh rơi vào trạng thái yếu liệt, nằm một chỗ, phải phụ thuộc vào sự chăm sóc của người khác.

Triệu chứng nhận biết một người bị hẹp động mạch cảnh là máu lên não thiếu làm chức năng hoạt động của não kém dẫn đến các biểu hiện từ thoáng quên, tiếp xúc chậm, suy nghĩ chậm đến những cơn thiếu máu não, ngất, té ngã, mất ý thức, yếu liệt tay chân… Những biểu hiện này nếu hồi phục trong thời gian ngắn khoảng vài giờ có thể gọi là thiếu máu não thoáng qua. Ngược lại, nếu kéo dài hơn thì gọi là bị tai biến mạch máu não, đột quỵ.

Ông N.X.N. (ngụ P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho biết, cách đây 3 tháng, khi đang ngồi chơi với cháu, ông đứng lên không được, miệng méo xệch, được các con đưa vào bệnh viện cấp cứu kịp thời nên qua cơn nguy hiểm. Tháng 6 vừa qua, ông bị yếu nửa người bên trái, cảm giác mất thăng bằng khi di chuyển. Vào bệnh viện để khám, ông được bác sĩ kết luận bị hẹp động mạch cảnh và đang được cho sử dụng thuốc tại Khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch.

Ông N. cho biết, ông có thâm niên hút thuốc lào từ năm 13 tuổi, có một thời gian hút thuốc lá và chỉ khi bị tai biến, nghe bác sĩ khuyên thuốc lá, thuốc lào là một trong những nguyên nhân gây bệnh, ông mới bỏ thuốc lào.

Trong khi đó, ông V.V.M. (ngụ xã La Ngà, H.Định Quán) chia sẻ, 6 năm trước ông bị tai biến, liệt tay trái, cánh tay chỉ đưa lên được còn bàn tay thì không cử động được. Bác sĩ khám và nói ông bị tắc nghẽn động mạch, đã mổ và thông mạch máu. Cách đây khoảng 1 tháng, ông M. tiếp tục nhập viện do hẹp động mạch cảnh, đã được bác sĩ phẫu thuật nong động mạch cảnh, hiện chân ông đã bớt nhức, tiếp tục được theo dõi, điều trị tại bệnh viện.

* Đề phòng các yếu tố nguy cơ

Theo TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, những bệnh nhân được chẩn đoán bị hẹp động mạch cảnh đều có chỉ định phẫu thuật nhằm thông động mạch cảnh, phòng ngừa đột quỵ tái phát. Tuy nhiên, phẫu thuật để nong động mạch cảnh là một trong những kỹ thuật rất khó, đòi hỏi bác sĩ phải có tay nghề, chuyên môn cao, phải thật sự khéo léo, không cho phép sai sót. Bởi nếu xảy ra sai sót, thay vì phải nong, thông động mạch cảnh thì lại làm động mạch cảnh tắc thêm, gây nguy hiểm đến tính mạng cho bệnh nhân.

Đến nay, mới chỉ có một số bệnh viện lớn ở TP.HCM như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, Bệnh viện Thống Nhất thực hiện được kỹ thuật này và đã có kết quả. Việc một bệnh viện tuyến tỉnh như Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện được kỹ thuật này và đã trở thành thường quy, cho thấy người dân trong và ngoài tỉnh có thể an tâm khi lựa chọn bệnh viện để điều trị nếu chẳng may bản thân hoặc người thân mắc bệnh.

Cũng theo TS-BS Dũng, hẹp động mạch cảnh thường gặp ở người lớn tuổi, nằm trong bệnh cảnh của người bị bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch. Khi lớn tuổi, các thành mạch có xu hướng dày lên và lắng đọng mỡ gây hẹp dần động mạch cảnh.

Ngoài ra, những người có nguy cơ bị hẹp động mạch cảnh gồm: người già bị huyết áp cao, đái tháo đường, mỡ trong máu cao, béo phì, hút thuốc lá. Nếu không phòng ngừa tốt các yếu tố nguy cơ, người dân sẽ có nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, trong đó có hẹp động mạch cảnh. Nếu phòng ngừa tốt, điều trị các yếu tố nguy cơ tốt thì khả năng bị các bệnh mạch máu ít hơn.

Để phòng ngừa, bác sĩ khuyên người dân hạn chế ăn các thức ăn có nhiều đường, chất béo, nên ăn nhiều rau, củ quả có tinh bột, nên ăn dầu tránh ăn mỡ, hạn chế các loại thịt đỏ. Đồng thời, nên vận động, tập thể dục đều đặn, tránh xa thuốc lá và khói thuốc lá.

TS-BS Nguyễn Anh Dũng, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực - tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, 80% bệnh nhân đột quỵ có nguyên nhân do thiếu máu như: hẹp các mạch máu, tắc mạch máu. Trong số này, có 20% bệnh nhân bị tổn thương hẹp động mạch cảnh ở cổ.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều