Báo Đồng Nai điện tử
En

Trường tư ''gồng mình'' giữ chân nhân viên

10:03, 26/03/2020

Hai tháng học sinh không đi học đồng nghĩa với việc các cơ sở giáo dục tư thục (từ mầm non đến THPT) không có nguồn thu nhưng vẫn phải "gồng mình" trả lương để giữ chân giáo viên.

Hai tháng học sinh không đi học đồng nghĩa với việc các cơ sở giáo dục tư thục (từ mầm non đến THPT) không có nguồn thu nhưng vẫn phải “gồng mình” trả lương để giữ chân giáo viên.

Một trường mầm non trên địa bàn P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa tạm đóng cửa do dịch bệnh. Ảnh: H.Yến
Một trường mầm non trên địa bàn P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa tạm đóng cửa do dịch bệnh. Ảnh: H.Yến

Trước tình hình khó khăn trên, một số nhà trẻ, nhóm trẻ ngoài công lập không trụ nổi đã phải làm đơn giải thể.

* Lao đao vì dịch Covid-19

Cũng như tất cả các trường học trong tỉnh, suốt 2 tháng qua, hệ thống Trường Đinh Tiên Hoàng (từ mầm non đến THPT) của Công ty CP Đinh Thuận (TP.Biên Hòa) hầu như không hoạt động. Hơn 4 ngàn học sinh không đến trường, đồng nghĩa với việc trường không có nguồn thu. Nhưng 180 cán bộ, giáo viên, nhân viên của hệ thống trường thì vẫn cần phải đảm bảo cuộc sống.

Vì thế, Công ty CP Đinh Thuận đã phải trích nguồn tiền của công ty để chi trả lương cho cán bộ, giáo viên của toàn hệ thống. Mức chi trả được thực hiện theo Khoản 3, Điều 98, Bộ luật Lao động (bằng mức lương tối thiểu vùng).

Giáo viên bán hàng online để chờ việc

Trong thời gian phải tạm ngưng việc để phòng dịch Covid-19, nhiều giáo viên đã phải tìm việc làm thêm. Có không ít giáo viên mầm non đã xin đi làm công nhân nhưng tìm một công việc ổn định trong thời điểm này là rất khó. Vì vậy, đa số họ xin làm các công việc thời vụ, đặc biệt bán hàng online là công việc được nhiều người lựa chọn.

Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) là trường tư thục có số lượng giáo viên, học sinh đông. Suốt thời gian qua, nhà trường vẫn thực hiện chi trả lương cho giáo viên, nhân viên. Trong những ngày học sinh nghỉ học, giáo viên của trường vẫn đến trường để sinh hoạt chuyên môn, soạn đề ôn tập gửi cho học sinh.

Đầu năm học 2019-2020, Trường mầm non Sao Khuê (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) đầu tư xây mới và thay toàn bộ trang thiết bị, đồ dùng, đồ chơi. Nhưng mới hoạt động được nửa năm thì gặp phải tình cảnh trớ trêu do dịch Covid-19. Những tuần nghỉ đầu tiên, nhà trường vẫn huy động giáo viên đến trường để làm đồ dùng, đồ chơi, trao đổi nghiệp vụ. Nhưng đến nay thì chỉ còn lại hiệu trưởng và 3 giáo viên, nhân viên khác đến trường để dọn dẹp, vệ sinh trường lớp.

Trong tháng 1, Trường mầm non Sao Khuê trả đủ 100% lương cho 31 giáo viên, nhưng đến tháng 2, tháng 3 thì trường chỉ trả được 50% lương và hỗ trợ khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Trên thực tế, để san sẻ trong lúc khó khăn và cũng nhằm giữ chân giáo viên, hầu hết các trường đều cố gắng trả một phần lương và đóng BHXH cho giáo viên. Tuy nhiên, thời gian học sinh nghỉ học càng dài thì nguy cơ các đơn vị giảm hoặc không trả lương cho giáo viên càng cao, nhất là đối với các nhà trẻ, nhóm trẻ mầm non.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, chuyên viên giáo dục mầm non (Phòng GD-ĐT H.Trảng Bom) cho biết, huyện hiện có gần 140 trường, nhà trẻ, nhóm trẻ mầm non ngoài công lập. Tình hình chung, trong tháng 2, đa số các nhóm đều hỗ trợ cho giáo viên ở mức 50-75% lương, cá biệt có vài nhóm không trả lương. Tuy nhiên, sang đến tháng 3 thì nguy cơ đa số các nhóm sẽ dừng trả lương mà chỉ hỗ trợ đóng BHXH cho giáo viên.

* Một số nhóm trẻ giải thể

Cũng theo bà Nguyễn Thị Thu Hà, trong hơn 120 nhóm trẻ tư thục ở H.Trảng Bom có khoảng 30% đơn vị phải thuê mặt bằng với giá thuê từ 10-20 triệu đồng/tháng. Hợp đồng thuê thường từ 5 năm trở lên. Trong thời gian phải tạm ngưng hoạt động, nhiều nhóm trẻ xin chủ nhà giảm tiền thuê nhưng không được.

Không thể gắng gượng trả tiền thuê mặt bằng và lương giáo viên, nhiều nhóm trẻ đã quyết định giải thể. “Các nhóm trẻ muốn giải thể sẽ làm tờ trình gửi UBND xã rồi mới gửi về phòng GD-ĐT. Hiện nay, đã có 5 nhóm thông báo giải thể. Trong tháng này, khả năng sẽ thêm nhiều nhóm nữa giải thể” - bà Hà cho hay.

Giáo viên Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) đến trường để soạn nội dung ôn tập gửi cho học sinh trong thời gian nghỉ học phòng dịch Covid-19
Giáo viên Trường TH-THCS-THPT Bùi Thị Xuân (TP.Biên Hòa) đến trường để soạn nội dung ôn tập gửi cho học sinh trong thời gian nghỉ học phòng dịch Covid-19

TP.Biên Hòa là nơi có số lượng các cơ sở mầm non ngoài công lập nhiều nhất tỉnh. Theo đó, hiện thành phố có 76 trường mầm non tư thục, gần 500 nhóm trẻ được cấp phép hoạt động và gần 180 nhóm nhỏ (có dưới 7 trẻ).

Bà Ngô Diệu Thanh, Phó trưởng phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa cho biết: “Khó khăn nhất là những trường phải đi thuê mặt bằng. Nhiều chủ trường đã cố gồng mình trả tiền thuê mặt bằng, lương và đóng BHXH cho giáo viên trong tháng 2. Nhưng đến tháng 3 thì nhiều nơi không gồng nổi. Một số chủ nhóm trẻ đã có ý định giải thể cơ sở. Họ lo lắng khi hết đợt nghỉ dịch này sẽ không có học sinh. Thực tế, vì nghỉ học dài ngày nên nhiều phụ huynh đã gửi con về quê và có khả năng sẽ để con ở quê với ông bà luôn”.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Thùy, Nhóm trưởng Nhóm trẻ Sóc Nhí (KP.2, P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Nhóm trẻ của chúng tôi thuê mặt bằng và hoạt động được hơn 3 năm nay với 50 trẻ. Trong tháng 1, tôi trả đủ lương cho 5 giáo viên, nhân viên nhưng sang tháng 2 chỉ hỗ trợ tiền đóng BHXH thôi. Còn đến tháng 3 này nữa thì các giáo viên chủ động nghỉ, xin việc làm khác. Tôi thấy khả năng học sinh phải nghỉ học phòng dịch sẽ tiếp tục kéo dài nên chắc là tôi phải làm thủ tục để giải thể”. 

Hải Yến

Tin xem nhiều