Báo Đồng Nai điện tử
En

Thêm nhiều ứng dụng mua sắm online

10:03, 16/03/2020

Hạn chế đi đến nơi đông người nhưng vẫn mua sắm được các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống trong mùa dịch bệnh Covid-19, nhiều người đã lựa chọn mua sắm online thay vì giao dịch trực tiếp.

Hạn chế đi đến nơi đông người nhưng vẫn mua sắm được các mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống trong mùa dịch bệnh Covid-19, nhiều người đã lựa chọn mua sắm online thay vì giao dịch trực tiếp.

Mua sắm online đang được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn thay cho những giao dịch mua sắm trực tiếp vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19
Mua sắm online đang được nhiều người dân ưu tiên lựa chọn thay cho những giao dịch mua sắm trực tiếp vì lo ngại nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19

Trước nhu cầu mua sắm online tăng cao, một số ứng dụng phục vụ hoạt động này cũng ra đời.

* Hạn chế giao dịch trực tiếp

Chị Lê Thanh Ngân (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) cho biết: “Khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở nhiều nước, tôi bắt đầu hạn chế đi mua sắm ở các siêu thị, cửa hàng. Không biết ai là người đang ủ bệnh nên tốt nhất là hạn chế tiếp xúc với người lạ. Vì vậy, những gì không cần gấp và có thể đợi giao hàng được thì tôi chủ động mua online”.

Theo thống kê của Bộ Công thương, ảnh hưởng từ dịch bệnh Covid-19, doanh thu tại các chợ ở Hà Nội đã giảm từ 50 - 80%. Trong khi đó, doanh thu từ mua sắm online qua các sàn thương mại điện tử của một số doanh nghiệp lại tăng từ 20-30%. Đó cũng là tình hình chung của thị trường mua sắm trên cả nước trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tiếp tục có những diễn biến phức tạp như hiện nay.

Thống kê của các sàn thương mại điện tử lớn ở Việt Nam hiện nay như: Tiki, Shopee, Lazada… đều cho thấy số đơn hàng mua sắm trong 2 tháng đầu năm nay tăng so với năm 2019. Theo Tiki, sản phẩm chủ lực của sàn là sách đã tăng 1,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngoài ra, sức mua các mặt hàng khẩu trang, khăn ướt, máy lọc không khí... cũng tăng mạnh.

Không chỉ các sàn thương mại điện tử chuyên nghiệp, tiểu thương ở các chợ truyền thống cũng tăng cường quảng bá để bán hàng online thay vì ngồi đợi khách hàng đến chợ mua sắm trực tiếp như trước đây.

Chị Minh Tuyền, chủ shop bán mặt hàng mũ, khẩu trang vải ở chợ Tân Hiệp (TP.Biên Hòa) cho biết, mấy tuần vừa qua chị thường xuyên đăng hình các loại khẩu trang vải lên Zalo để chào bán. Thông thường, khách vào xem và đặt mua với số lượng từ
10-20 cái. Còn khách vãng lai mua hàng trực tiếp tại chợ thường mua số lượng ít hơn, từ 3-5 cái mỗi lần.

Cùng với việc tăng cường mua sắm online, nhiều khách hàng cũng hạn chế dùng tiền mặt khi mua bán. Đối với các đơn hàng online, khách thường dùng hình thức chuyển khoản thay vì ship cod (thanh toán khi giao hàng) như trước đây. Với những khách phải mua sắm trực tiếp ở cửa hàng, thanh toán bằng thẻ tín dụng đã được ưu tiên sử dụng nhiều hơn.

Chị Trần Thị Dung (P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Bây giờ đi rút tiền ở các trụ ATM cũng sợ bị lây virus nếu chẳng may có người đang ủ bệnh đã rút tiền ở đó. Vì vậy, tôi ưu tiên thanh toán bằng thẻ khi đi mua sắm để đỡ phải rút tiền mặt”.

* Thêm nhiều ứng dụng hỗ trợ mua sắm online

Phục vụ nhu cầu mua sắm online tăng cao của người dân, nhiều ứng dụng hỗ trợ hình thức mua sắm này vừa ra đời trong thời gian gần đây. Các nhà cung cấp dịch vụ cũng tranh thủ quảng bá và khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thay cho việc mua sắm trực tiếp.

Ngoài các mặt hàng truyền thống đã bán lâu nay, các trang thương mại điện tử Shopee, Lazada đã bổ sung các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng hằng ngày như: thực phẩm sấy khô, chế biến sẵn, ăn liền, mì gói…

Vào đầu tháng 3, ứng dụng gọi xe “be” đã ra mắt tính năng “be Đi chợ”. Dịch vụ này cho phép khách hàng có thể yêu cầu tài xế beBike đi mua các mặt hàng nhu yếu phẩm và giao đến tận nhà với hóa đơn tối đa 500 ngàn đồng.

Theo công bố của be, dịch vụ sẽ ra mắt ở tất cả các tỉnh, thành phố hiện đang có mặt dịch vụ beBike hoạt động (TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Cần Thơ, Đồng Nai, Khánh Hòa). Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, hiện tại, ứng dụng “be Đi chợ” chưa phục vụ khu vực Đồng Nai. Khi mở ứng dụng be, khách hàng ở Đồng Nai không tìm thấy tính năng “be Đi chợ”.

Ứng dụng VinID của nhà cung cấp VinMart cũng mới ra mắt tính năng Scan&Go. Theo đó, khi sử dụng ứng dụng này, khách hàng vào mục Scan&Go để chọn mua sản phẩm. Các mặt hàng khá phong phú, từ thực phẩm tươi sống, rau củ quả tươi đến các nhu yếu phẩm hằng ngày. Với mỗi đơn hàng trên 300 ngàn đồng, khách hàng sẽ được miễn phí vận chuyển trong phạm vi bán kính 10km. Nhân viên sẽ giao hàng trong khoảng thời gian từ 2-5 tiếng kể từ khi khách đặt mua.

Tuy nhiên, cũng như “be Đi chợ”, ứng dụng Scan&Go mới chủ yếu được sử dụng rộng rãi ở khu vực Hà Nội, TP.HCM. Một nhân viên ở cửa hàng VinMart trên đường Đồng Khởi (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay, hiện nay khách hàng khu vực TP.Biên Hòa chưa sử dụng chức năng Scan&Go nhưng vẫn có thể mua hàng online của các cửa hàng VinMart. “Những khách hàng quen thường gọi điện thoại đặt mua hàng. Với tổng tiền hàng trên 250 ngàn đồng, chúng tôi vẫn hỗ trợ giao hàng tận nơi” - nhân viên này cho biết.

Nguy cơ lây nhiễm virus từ tiền mặt

Ngày 2-3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát đi thông điệp cho biết người tiêu dùng nên rửa sạch tay sau khi có những tiếp xúc với tiền mặt trong giao dịch để phòng ngừa lây nhiễm bệnh Covid-19. Nguyên nhân vì virus corona chủng mới gây nên đại dịch này có khả năng tồn tại trong một vài ngày trên các bề mặt như tờ bạc giấy.

Cho tới nay, giới khoa học vẫn chưa thể biết chính xác virus corona chủng mới có khả năng tồn tại bao lâu bên ngoài cơ thể người. Tuy nhiên, tờ bạc giấy cũng như các bề mặt khác như tay nắm cửa, điện thoại, thẻ tín dụng đều có thể là nơi lưu trú của nhiều loại vi khuẩn cũng như virus. Để phòng ngừa việc lây nhiễm virus corona, nhiều cửa hàng đã kêu gọi khách hàng sát khuẩn tay khi vào mua hàng và trước khi thanh toán.

Hải Yến

Tin xem nhiều