Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống dịch Covid-19: Những sáng tạo vì cộng đồng

10:03, 30/03/2020

Hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có những sáng chế, giải pháp nhằm góp phần chung tay cùng cộng đồng phòng, chống và hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19...

Hiện nay nhiều tổ chức, cá nhân đã có những sáng chế, giải pháp để chung tay phòng, chống dịch Covid-19.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN trải nghiệm sử dụng buồng khử khuẩn di động do các cán bộ, viên chức Trung tâm KH-CN thực hiện. Ảnh: H.Yến
Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN trải nghiệm sử dụng buồng khử khuẩn di động do các cán bộ, viên chức Trung tâm KH-CN thực hiện. Ảnh: H.Yến

* Tiết kiệm nhưng hiệu quả

Đầu tháng 2-2020, nhóm giảng viên Khoa Dược Trường đại học Lạc Hồng đã cùng nghiên cứu, điều chế nước rửa tay khô nano bạc. Nguyên liệu điều chế loại dung dịch này không khó tìm nhưng chai nhựa để đựng dung dịch lại không dễ mua. Một số sinh viên thay vì nghỉ học ở nhà phòng dịch đã tình nguyện cùng các thầy cô chạy khắp nơi tìm mua chai nhựa.

Sau khi điều chế nước rửa tay nano bạc thành công, Trường đại học Lạc Hồng đã tặng cho người dân, các cơ quan, đoàn thể, các trường học trong và ngoài tỉnh với số lượng lên đến 10 ngàn chai.

Cùng với Trường đại học Lạc Hồng, các trường đại học khác trên địa bàn tỉnh như: Trường đại học Công nghệ Miền Đông, Trường đại học Công nghệ Đồng Nai… cũng điều chế nước sát khuẩn để tặng cho các cơ quan, trường học.

Để sẵn sàng đón học sinh trở lại khi tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát, nhiều trường học trong tỉnh cũng đã tự pha chế nước sát khuẩn theo công thức mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra. Việc pha chế nước sát khuẩn được các trường giao cho giáo viên Tổ Hóa - Sinh thực hiện.

Thầy Đỗ Ngọc Thanh, Hiệu trưởng Trường THCS Trường Sa (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Trong thời điểm hiện tại, nước rửa tay diệt khuẩn ở thị trường giá rất cao và có thể không đảm bảo chất lượng. Vì thế, nhà trường đã giao cho Tổ Hóa - Sinh thực hiện chuyên đề về nước rửa tay sát khuẩn để vừa tiết kiệm ngân sách nhà trường, vừa phục vụ cho lợi ích của học sinh, giúp phụ huynh yên tâm khi học sinh đến trường”.

Với sĩ số gần 3.500 học sinh, việc tự làm nước sát khuẩn dự trữ sẵn khi học sinh quay lại trường sử dụng góp phần giúp Trường THCS Trường Sa chủ động hơn trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, đây cũng là giải pháp vừa giúp trường tiết kiệm nguồn chi, vừa yên tâm về chất lượng sản phẩm.

Cùng chung mục tiêu tiết kiệm, hiệu quả, nhiều trường học trong tỉnh đã tự trang bị bồn rửa tay trước cổng trường theo những thiết kế riêng. Thay vì mua bồn rửa tay làm sẵn ở ngoài thị trường với giá lên đến 2,5 triệu đồng/bộ sản phẩm nhưng chỉ dùng được cho 2 người cùng lúc, Trường THPT Thanh Bình (H.Tân Phú) đã đặt làm bồn rửa tay với giá 2,5 triệu đồng nhưng dùng cùng lúc được cho 10 người.

Theo đó, trường đã đặt thợ làm bồn rửa tay bằng nhôm, hình chữ nhật, có chiều dài gần 3m đặt dọc theo lối vào cổng trường. Bồn có khung bằng sắt, có thể di chuyển được. Cách làm này không chỉ tiết kiệm mà còn linh động, giúp dễ dàng điều chỉnh vị trí đặt cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của học sinh.

* Phát triển “công nghệ không chạm” thời dịch bệnh

Một trong những yếu tố giúp hạn chế lây lan dịch bệnh Covid-19 là hạn chế tiếp xúc với virus, trong đó có tiếp xúc bằng tay. Vì vậy, để tránh lây bệnh, “công nghệ không chạm” đã được nhiều cá nhân, tổ chức cùng nghiên cứu, áp dụng.

Ngày 23-3, GS Bùi Văn Ga (cựu Thứ trưởng Bộ GD-ĐT) đã bàn giao máy đo thân nhiệt từ xa cho Trường đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng). Đây là sáng chế của GS Bùi Văn Ga nhằm giúp nhân viên y tế giảm tiếp xúc, tránh lây nhiễm bệnh Covid-19. Hệ thống được thiết kế đơn giản, với một nhiệt kế hồng ngoại, một camera để ghi lại hình ảnh nhiệt độ, công tắc điều khiển và thiết bị nâng lên hạ xuống phù hợp với chiều cao người cần đo.

Mô hình bồn rửa tay của Trường THPT Thanh Bình (H.Tân Phú)
Mô hình bồn rửa tay của Trường THPT Thanh Bình (H.Tân Phú)

Máy đo thân nhiệt tự động do vị cựu Thứ trưởng sáng chế có 3 phiên bản với các mức giá từ 3-10 triệu đồng. Mức giá này rẻ hơn rất nhiều so với hệ thống camera hồng ngoại giám sát thân nhiệt từ xa đặt ở sân bay hay cảng biển (có giá từ 300-400 triệu đồng). GS Bùi Văn Ga sẵn sàng chuyển sơ đồ lắp đặt và hướng dẫn kỹ thuật để chế tạo cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu.

Mới đây, các đoàn viên, thanh niên thuộc Chi đoàn Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) đã nghiên cứu, chế tạo thành công bộ thiết bị rửa tay cảm biến. Theo đó, chỉ cần đưa tay vào vị trí, nước rửa tay sẽ tự động phun ra theo dạng tia, khi rút tay ra thì nước tự động ngắt. Sau khi chế tạo thành công, bộ thiết bị này đã được trang bị cho các công ty trực thuộc, văn phòng tổng công ty và tặng cho một số đơn vị công sở trên địa bàn tỉnh.

Những ngày này, một số cán bộ, viên chức thuộc Trung tâm KH-CN (Sở KH-CN) đã làm việc miệt mài để nghiên cứu cải tiến, lắp ráp buồng khử khuẩn di động. Với sự hỗ trợ ban đầu của một nhóm giảng viên Trường đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP.HCM), nhóm đã nghiên cứu nhằm tối ưu hóa và tích hợp nhiều tính năng cho buồng khử khuẩn di động để trang bị tại Sở KH-CN.

Theo đó, buồng khử khuẩn này sử dụng công nghệ phun sương với hệ thống phun sương siêu âm không gây ướt để phun dung dịch khử khuẩn trong thời gian từ 25-30 giây. Ngoài ra, buồng còn tích hợp máy rửa tay tự động ở bên ngoài. Hiện nay, các cán bộ của trung tâm đang tiếp tục nghiên cứu để tích hợp máy đo thân nhiệt tự động lắp bên trong buồng khử khuẩn này.

Kết hợp đeo khẩu trang, rửa tay sát khuẩn, sử dụng buồng khử khuẩn toàn thân sẽ là một biện pháp kết hợp để phòng chống dịch Covid-19 được Sở KH-CN sử dụng trong thời gian tới. Ngoài ra, việc tích hợp máy đo thân nhiệt tự động sẽ giúp hạn chế rủi ro lây nhiễm bệnh so với việc sử dụng người để đo trực tiếp.

Một nhiệm vụ quan trọng mà Giám đốc Sở KH-CN giao cho nhóm làm buồng khử khuẩn nói trên thực hiện là nghiên cứu, tìm minh chứng khoa học về khả năng khử khuẩn của buồng khử khuẩn di động. Bởi hiện nay, Bộ Y tế vẫn đang trong thời gian xem xét, đánh giá về hiệu quả diệt virus và an toàn đối với người sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở KH-CN cho biết: “Thực ra, hiện nay chưa thể nói được tác dụng của buồng khử khuẩn vì chưa có cơ sở khoa học để kiểm chứng. Đây chỉ là một giải pháp bước đầu để góp phần vào công tác phòng, chống dịch của Sở KH-CN. Đồng thời, với chức năng của Sở KH-CN, chúng tôi cũng giao nhóm thực hiện buồng khử khuẩn tiếp tục tìm các minh chứng khoa học về khả năng diệt vi khuẩn, virus của buồng khử khuẩn để có khuyến cáo cho người sử dụng”.         

Hải Yến

Tin xem nhiều