Báo Đồng Nai điện tử
En

Phòng, chống dịch Covid-19: Đa dạng nhiều hình thức ôn tập

11:03, 16/03/2020

Lo ngại thời gian tạm nghỉ học để phòng chống dịch bệnh Covid-19 còn có thể kéo dài nên nhiều phụ huynh đã và đang thực hiện các giải pháp để duy trì nền nếp học tập của con em mình...

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã nhiều lần “cản” học sinh trở lại trường, thậm chí Bộ GD-ĐT đã phải 2 lần ra quyết định điều chỉnh khung thời gian hoàn thành kế hoạch năm học 2019-2020. Lo ngại thời gian tạm nghỉ học còn có thể kéo dài nên nhiều phụ huynh đã thực hiện các giải pháp để duy trì nền nếp học tập của con em mình.

Em Phạm Thị Hương, học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom) tự ôn tập tại nhà.
Em Phạm Thị Hương, học sinh Trường THCS Lý Tự Trọng (xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom) tự ôn tập tại nhà. Ảnh: C.Nghĩa

Suốt thời gian phải tạm nghỉ học phòng tránh dịch Covid-19, vợ chồng anh Phạm Văn Bằng ở ấp Quảng Biên, xã Quảng Tiến (H.Trảng Bom) luôn chủ động duy trì nền nếp học tập và sinh hoạt cho con vì lo khi được đi học trở lại, con sẽ rất khó tiếp thu những kiến thức mới.

* Tạm nghỉ nhưng không ngừng học

Xác định tình hình dịch Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, kéo dài nên hằng ngày vợ chồng anh Bằng luôn nhắc nhở các con ôn tập theo hướng dẫn của giáo viên chủ nhiệm qua tin nhắn Zalo. Mỗi ngày, các con của anh đều phải thức dậy đúng giờ như những ngày đi học bình thường trước đây, sau khi vệ sinh cá nhân, ăn sáng sẽ tự giác ngồi vào bàn học.

Ngoài giờ tự học, vợ chồng anh còn rèn luyện cho các con làm một số việc nhà phù hợp như: quét dọn nhà cửa, giúp cha mẹ nấu cơm, rửa chén… Anh Bằng chia sẻ: “Dù các con tạm nghỉ học nhưng phụ huynh chúng tôi cũng an tâm phần nào vì hằng ngày giáo viên chủ nhiệm vẫn gửi nội dung cần ôn tập và bài tập đính kèm để các con không xao nhãng việc học. Chúng tôi cũng hy vọng dịch bệnh sớm kết thúc để việc học tập của các con trở lại bình thường”.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang: Giáo viên và phụ huynh cùng đồng hành với học sinh

Việc phải tạm nghỉ học thời gian dài đòi hỏi trách nhiệm lớn hơn của cả giáo viên và phụ huynh trong việc đồng hành với học sinh vượt qua khó khăn. Nếu việc duy trì ôn tập của các em không được quan tâm thì khi đi học trở lại sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức mới. Đặc biệt với học sinh lớp 9 chuẩn bị thi lên lớp 10, lớp 12 chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển đại học, cao đẳng thì phải tranh thủ “thời gian vàng” này để ôn tập thật sâu kiến thức. Các em cũng không nên lo lắng việc nghỉ học dài ngày thì thi sẽ không có kết quả tốt vì Bộ GD-ĐT đã điều chỉnh kế hoạch năm học kết thúc muộn hơn.

Em Phạm Thị Hương, con của vợ chồng anh Bằng năm nay đang học lớp 8 Trường THCS Lý Tự Trọng cho hay: “Khi phải tạm nghỉ học, con có thêm thời gian tự ôn luyện và hệ thống lại kiến thức cũ học kỳ I vừa qua. Những môn còn yếu, những phần kiến thức trước đây chưa được luyện tập nhiều con sẽ dành thời gian ôn tập sâu hơn, làm bài tập nhiều hơn.

Em Hương còn cho biết thêm, việc ôn luyện cũng trở nên thuận lợi hơn khi hằng ngày em được cô chủ nhiệm hỗ trợ qua điện thoại và internet. Khi có những bài khó hiểu, em có thể gọi điện trao đổi với giáo viên, thậm chí khi làm bài tập xong em có thể dùng điện thoại chụp và gửi qua Zalo nhờ cô giáo nhận xét.

Trong khi đó, các chương trình hỗ trợ học sinh học tập qua truyền hình được Sở GD-ĐT và Đài PT-TH Đồng Nai thực hiện liên tục từ đầu tháng 2 đến nay đã được nhiều học sinh, phụ huynh đón nhận và đánh giá cao.

Chị Nguyễn Thị Thủy, ngụ chung cư B2, P.Quang Vinh (TP.Biên Hòa), có con đang học lớp 9 Trường THCS Hùng Vương cho hay: “Qua quan sát có thể thấy các buổi ôn tập Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh trên truyền hình khá hiệu quả. Các con đều thích thú theo dõi những buổi ôn tập này vì giáo viên có sự chuẩn bị chu đáo nội dung, đặc biệt hình ảnh và ví dụ minh họa các buổi ôn tập sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu”.

* Cần thêm sự phối hợp

Trưởng phòng Giáo dục trung học Sở GD-ĐT Trần Đình Vinh cho biết, dù lần đầu xảy ra tình huống học sinh phải nghỉ học dài ngày do dịch bệnh nhưng với tinh thần chủ động, các nhà trường đã hỗ trợ học sinh duy trì ôn tập kiến thức để khi các em trở lại trường vẫn có nền kiến thức cũ để tiếp thu những kiến thức mới. Đặc biệt, Đồng Nai đã sớm triển khai hình thức hỗ trợ ôn tập trực tuyến, ôn tập qua truyền hình…

Ông Vinh cũng chia sẻ thêm, thời gian đầu thực hiện hỗ trợ học sinh ôn tập, Sở GD-ĐT phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai chỉ thực hiện được với học sinh khối 9 và 12. Hiện nay đã có thêm đối tượng học sinh lớp 3, 4, 5 nên phụ huynh có thể tận dụng kênh này để giúp con củng cố kiến thức tốt hơn.

 Phó tổng giám đốc thường trực Công ty CP Giáo dục Thành Thành Công (TTC Edu) Đinh Hoàng Triều cho hay, công ty hiện có trên 10 ngàn trẻ mầm non, học sinh phổ thông và sinh viên cao đẳng.  Những tác động của tình hình dịch bệnh tới hoạt động của các đơn vị, nhất là với học sinh, là rất lớn. Song cán bộ, giáo viên các đơn vị đã có sự sáng tạo khi ứng dụng công nghệ và internet giúp học sinh có thể ôn tập trực tuyến khá dễ dàng.

Đối với trẻ mầm non, giáo viên thực hiện ghi hình những tiết học kỹ năng sau đó gửi cho phụ huynh mở để các con xem và phụ huynh cũng có thể tham gia cùng con. Đối với học sinh tiểu học, THCS, yêu cầu bắt buộc giáo viên hằng ngày phải gửi bài tập và định hướng cho học sinh tự học ở nhà. Còn với học sinh THPT, khi các em đã có đủ kỹ năng tin học thì hoàn toàn có thể học trực tuyến dễ dàng.

Tuy nhiên, theo không ít phụ huynh, nhất là những phụ huynh ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện tiếp cận với công nghệ thông tin và thiết bị công nghệ còn hạn chế, việc duy trì ôn tập cho con em mình không dễ dàng. Cô Đinh Thị Tươi, giáo viên Trường tiểu học Liên Sơn (xã Thanh Sơn, H.Định Quán) phản ảnh, do nhiều phụ huynh hoàn cảnh khó khăn, mải lo làm ăn nên gần như không duy trì cho con em tự ôn tập ở nhà trong thời gian phải nghỉ học.

Thậm chí, cũng theo cô Tươi, giáo viên dù có gửi tin nhắc nhở phụ huynh chú ý đến việc giúp các em ôn tập tại nhà, nhưng không nhận được phản hồi, hoặc gửi bài tập qua Zalo thì không kết nối được do phụ huynh không có điện thoại thông minh, không có máy tính. Cô Tươi chia sẻ, việc không thể duy trì ôn tập tốt trong thời gian nghỉ học, khi hết dịch, học sinh trở lại trường giáo viên sẽ rất vất vả.

Không chỉ có những học sinh ở vùng sâu, vùng xa, ngay cả ở thành phố nếu giáo viên không chủ động thì học sinh cũng vẫn khó khăn trong việc ôn tập. Chị Nguyễn Thị Thanh H., phụ huynh có con đang theo học tại một trường THCS ở TP.Biên Hòa cho biết, từ khi con nghỉ học đến nay chưa nhận được một tin nhắn nào của giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn hay nhắc nhở việc ôn tập tại nhà. Vì vậy, mỗi tuần chị phải thuê gia sư đến nhà dạy kèm 2 buổi, đồng thời khai thác bài tập trên mạng cho con làm thêm nhằm giúp con duy trì thói quen ôn tập, củng cố kiến thức, giảm bớt thời gian chơi game hay xem tivi quá nhiều.

Công Nghĩa

 

Tin xem nhiều