Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhìn lại tình hình thương mại điện tử Việt Nam

10:03, 15/03/2020

Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, mọi người đều hạn chế đi lại, tiếp xúc. Vì vậy việc mua hàng qua mạng trở thành nhu cầu cần thiết hơn trước rất nhiều. Cái khó của nhiều ngành nghề lại trở thành thời cơ thuận lợi cho thương mại điện tử (TMĐT).

Trong tình hình dịch bệnh như hiện nay, mọi người đều hạn chế đi lại, tiếp xúc. Vì vậy việc mua hàng qua mạng trở thành nhu cầu cần thiết hơn trước rất nhiều. Cái khó của nhiều ngành nghề lại trở thành thời cơ thuận lợi cho thương mại điện tử (TMĐT). Trong tình hình đó, ta cùng nhìn lại bản đồ TMĐT Việt Nam năm 2019 để dự báo sự phát triển TMĐT năm 2020.

10 ứng dụng dẫn đầu thương mại điện tử tại Việt Nam thì chỉ 2 ứng dụng có trụ sở chính ở Việt Nam
10 ứng dụng dẫn đầu thương mại điện tử tại Việt Nam thì chỉ 2 ứng dụng có trụ sở chính ở Việt Nam

Bản đồ TMĐT Việt Nam là bảng thống kê do iPrice Insights thực hiện xếp hạng tốp 50 doanh nghiệp TMĐT tại Việt Nam dựa trên lượt truy cập trung bình theo quý, xếp hạng ứng dụng di động và số người theo dõi trên mạng xã hội. Bản đồ năm 2019 vừa được công bố đầu tháng 3 năm nay.

Tốp ứng dụng TMĐT được sử dụng nhiều nhất năm 2019:

Thứ hạng

Quý I-2019

Quý II-2019

1

Shopee

Shopee

2

Lazada

Lazada

3

Tiki.vn

Tiki.vn

4

Sendo

Sendo

5

Adayroi

AliExpress

6

AliExpress

Adayroi

7

Amazon

Amazon

8

eBay

eBay

9

Alibaba.com

Lotte.vn

10

Lotte.vn

Alibaba.com

Bốn ông lớn trong lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam là Shopee, Lazada, Tiki.vn và Sendo đã xác định vị trí dẫn đầu vững chắc trong suốt cả năm, và cả thứ hạng tương đối của 4 công ty này với nhau.

Vị trí thứ 5 là Adayroi (A đây rồi), rất tiếc là trang TMĐT này suy yếu dần rồi sau đó tuyên bố đóng cửa hồi tháng 12-2019. Do vậy, AliExpress (công ty con của Alibaba, Trung Quốc) đã từ vị trí thứ 6 vươn lên thứ 5 từ quý I-2019 và giữ vững vị trí đó tới cuối năm 2019.

Kế tiếp là Amazon của Mỹ, giữ vị trí thứ 7 trong suốt 3 quý, và đến quý IV khi Adayroi rút lui thì thay vào vị trí thứ 6 của ứng dụng này. Vị trí kế tiếp khá ổn định dành cho eBay (Mỹ). Các vị trí còn lại là các ứng dụng ít quen thuộc hơn: Lotte.vn, Wish, Taobao, Alibaba.com.

Điều đáng chú ý là khi ứng dụng Adayroi của Việt Nam ngừng cuộc chơi thì trong Tốp 10 này chỉ còn 2 ứng dụng của Việt Nam là Tiki.vn và Sendo. Hai công ty này đã rất nỗ lực để có ứng dụng đứng trong Tốp 4, nhưng cũng chỉ là 2 vị trí đứng sau trong Tốp 4 (sau Shopee và Lazada). Đáng chú ý hơn nữa là phân nửa trong số các ứng dụng trong Tốp 10 này không có văn phòng đại diện tại Việt Nam (AliExpress, eBay, Taobao, Wish, Alibaba.com).

Việc Tốp 4 giữ nguyên vị trí trong cả năm 2019 cho thấy người tiêu dùng Việt Nam có độ trung thành rất cao với các ứng dụng mua sắm trực tuyến, nghĩa là đã mua hàng từ ứng dụng nào là vẫn tiếp tục mua hàng từ ứng dụng đó.

Tốp 10 website TMĐT được truy cập nhiều nhất Việt Nam:

Doanh nghiệp

Lượng truy cập trung bình tháng trong năm 2019

Shopee

33.593.224

Thế giới di động

29.277.320

Sen Đỏ

26.896.076

Tiki

24.427.577

Lazada

23.825.474

Điện máy xanh

10.556.735

FPT Shop

8.392.027

CellphoneS

5.353.875

Điện máy Chợ Lớn

4.813.362

Hoàng Hà Mobile

4.171.398

 

4 công ty ở tốp đầu trong các ứng dụng thịnh hành nhất cũng vẫn nằm trong Tốp 10 website TMĐT được truy cập nhiều nhất Việt Nam, tuy nhiên ở đây đã có sự chen chân của một đơn vị khác: Thế giới di động.

Bảng này cũng cho thấy các vị trí từ thứ 5 đến thứ 10 của bảng Tốp các ứng dụng TMĐT được sử dụng nhiều nhất đã biến mất, thay vào đó là công ty điện thoại, điện máy.

Từ đó, có thể nhận xét rằng đối với nhu cầu mua sắm hàng điện máy, điện thoại, người tiêu dùng có xu hướng đặt hàng qua website hơn là ứng dụng trên thiết bị di động.

Khảo sát về các kênh thu hút lượng truy cập website chính của Tốp 4 sàn TMĐT Việt Nam cho thấy:

Kênh thu hút

Tỷ lệ

Truy cập trực tiếp

45%

Tìm kiếm tự nhiên

37%

Mạng xã hội

7%

Quảng cáo
tìm kiếm

3%

Khác

8%

Gần một nửa khách hàng truy cập trực tiếp đã minh chứng cho sự phát triển của thói quen mua sắm trực tuyến tại Việt Nam và sức mạnh thương hiệu của các sàn TMĐT.

Tìm kiếm tự nhiên là kênh thu hút lượng truy cập hiệu quả, cho thấy tầm quan trọng của Search engine optimization (SEO) đối với hoạt động kinh doanh TMĐT tại Việt Nam.

Tỷ lệ lượng truy cập từ mạng xã hội cao hơn mức trung bình của Đông Nam Á (5,9%), phần nào giải thích cho nỗ lực quảng bá trên mạng xã hội của các sàn TMĐT tại Việt Nam.

Dự báo cho năm 2020

iPrice Insights đưa ra những dự báo cho lĩnh vực TMĐT tại Việt Nam trong năm 2020 như sau:

Hiệu quả kinh doanh là ưu tiên: Diễn biến thị trường cuối năm 2019 cho thấy khả năng sinh lợi nhuận về lâu dài sẽ đóng vai trò quan trọng với các công ty TMĐT trong năm 2020.

Cơ sở hạ tầng hỗ trợ phát triển mạnh: Các dịch vụ hỗ trợ TMĐT như giao hàng nhanh và thanh toán trực tuyến sẽ phát triển mạnh nhằm bắt kịp yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ: Nhu cầu mua sắm trực tuyến tăng cao tạo ra cơ hội mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào thị trường nhằm giải quyết những bài toán cụ thể.

Những diễn biến bất ngờ từ đầu năm

Sự bùng phát dịch bệnh Covid-19 từ đầu năm 2020 dẫn đến những diễn biến bất ngờ mà iPrice chưa tính đến trong bảng phân tích và dự báo của mình. Chắc chắn rằng việc hạn chế giao tiếp nơi đông người, hạn chế đi lại để ngăn ngừa lây lan dịch bệnh sẽ khiến người ta mua hàng trực tuyến nhiều hơn, thúc đẩy phát triển TMĐT mạnh hơn. Tuy nhiên hiện nay chưa có bảng thống kê phân tích nào để thấy được sự tác động này.

Dù vậy, có một dạng hàng hóa mua trực tuyến tăng đột biến một cách bất ngờ từ đầu năm tới nay khiến có thể nhận thấy ngay, đó là… sách.

Theo ghi nhận từ hệ thống nhà sách Phương Nam, doanh số bán sách trực tuyến tháng 2-2020 tăng 70% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 30% so với tháng 1-2020. Kênh TMĐT của Fahasa cho biết, trong 2 tháng đầu năm doanh thu tăng đến 55%. Kênh TMĐT Tiki cho biết tỷ lệ tăng trưởng của ngành sách trên Tiki trong 2 tháng đầu năm 2020 tăng gấp 1,5 lần so với cùng thời điểm của năm ngoái.

Lý giải cho điều này là do hạn chế đi đến nhà sách nên người ta mua online, vì nghỉ ở nhà nhiều (giáo viên, học sinh) nên mua sách đọc để tận dụng thời gian, vì lo lắng nên mua sách tìm hiểu thêm kiến thức phòng bệnh, chữa bệnh…

Bức tranh TMĐT Việt Nam trong năm 2020 hứa hẹn còn nhiều nét chấm phá hấp dẫn.

Phạm Hoài Nhân

Tin xem nhiều