Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhân Ngày quốc tế Hạnh phúc (20-3): Hạnh phúc rất gần

09:03, 19/03/2020

Ngày quốc tế Hạnh phúc (20-3) năm nay tiếp tục có thông điệp Yêu thương và chia sẻ, kêu gọi mọi người sống thân ái, hòa bình, cùng tạo dựng thế giới hạnh phúc.

Ngày quốc tế Hạnh phúc (20-3) năm nay tiếp tục có thông điệp Yêu thương và chia sẻ, kêu gọi mọi người sống thân ái, hòa bình, cùng tạo dựng thế giới hạnh phúc.

Yêu thương và chia sẻ là cách gia đình anh Ưng Cún Tắc (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) gìn giữ hạnh phúc dài lâu. Ảnh: Ly Na
Yêu thương và chia sẻ là cách gia đình anh Ưng Cún Tắc (xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) gìn giữ hạnh phúc dài lâu. Ảnh: Ly Na

Bằng nhiều hoạt động, cách làm, nhiều gia đình trên địa bàn Đồng Nai đã đồng lòng gìn giữ và nhân lên hạnh phúc.

* Đi tìm chân dung hạnh phúc

Kết hôn năm 2011 và hiện tại đã có 2 cậu con trai kháu khỉnh, gia đình chị Bùi Thị Chinh (Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) cũng như bao gia đình trẻ khác nhiều lúc không tránh khỏi những mâu thuẫn, bất hòa. Đặc biệt là khi 2 con trai đang còn rất nhỏ, quan điểm dạy dỗ và chăm sóc con chưa có sự thống nhất giữa các thành viên trong gia đình.

Sau khi kết hôn, vợ chồng chị Chinh phải mất hơn 2 năm “loay hoay” mới tìm ra được giải pháp giữ hòa khí trong nhà và ổn định kinh tế. Hiện tại, sau mỗi ngày làm việc, họ cùng nhau trở về tổ ấm, chia sẻ với nhau việc nhà trong niềm vui, trong tiếng cười của trẻ thơ.

Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình cho hay: “Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngành Văn hóa không tổ chức các sự kiện mà tập trung cho công tác tuyên truyền đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về Ngày quốc tế Hạnh phúc thông qua các phương tiện thông tin. Qua đó, nhằm phát huy những giá trị văn hóa của gia đình trong thời kỳ mới như: bình đẳng giới, vai trò của phụ nữ; phê phán lối sống thực dụng, ích kỷ, thiếu sự quan tâm sẻ chia và bạo lực gia đình”.

Hỏi bí quyết giữ hạnh phúc, chị Chinh cười hiền nói rằng, dù có lúc lâm cảnh khó khăn, nhưng vợ chồng chị không nản mà tìm cách vượt qua bằng chính sự cần cù lao động, bằng tình yêu thương. Tất nhiên là cả 2 người cùng bàn bạc, thống nhất cách làm. “Vợ chồng tôi luôn thống nhất quan điểm là thành thật, hạn chế xung đột và cãi nhau. Chúng tôi đều đặt con làm động lực mà cố gắng. Con cái là sợi dây kết nối hạnh phúc của gia đình” - chị Chinh chia sẻ.

Anh Ưng Cún Tắc, người dân tộc Hoa (ngụ xã Bảo Quang, TP.Long Khánh) cho rằng, hạnh phúc là khi anh có sức khỏe tốt, công việc như ý và một gia đình ấm cúng. Vì thế, ngoài những lúc không lên rẫy, anh đều sẵn sàng giúp vợ việc nhà như: nấu cơm, chăm con... Những việc làm đơn giản ấy giúp thắt chặt tình cảm của các thành viên lại với nhau.

Vốn khác biệt về phong tục tập quán (vợ anh Tắc là chị Thị Tuyền - người Chơro) nhưng anh Tắc luôn xem đó là sự bổ trợ cho nhau. Anh Tắc tâm sự: “Chúng tôi luôn ý thức được sự khác biệt về bản sắc, nếp nghĩ, cách ăn nết ở… sẽ dẫn đến nhiều bất đồng và khoảng cách. Do vậy, ngay từ lúc mới quen cả 2 đã thẳng thắn, thống nhất là phải tôn trọng lẫn nhau. Khi về chung một nhà, chúng tôi cùng nỗ lực để đoàn kết, thương yêu. Đây chính là nền tảng giúp gia đình tôi vượt qua những sóng gió, là chỗ dựa vững chắc cho con cái”.

Nói về hạnh phúc, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (giảng viên Trường đại học Sư phạm TP.HCM) bày tỏ: “Câu hỏi lớn nhất đời người là mình sống để làm gì? Và câu trả lời rất đơn giản, sống vì 2 từ: Hạnh phúc.  Xét đến cùng, hầu như không ai nằm ngoài 2 từ đó. Để cảm nhận được hạnh phúc trong cuộc sống, mỗi người hãy biết yêu thương, đề ra cho mình những mục tiêu cụ thể, phù hợp và nỗ lực đạt được những mục tiêu ấy. Ý nghĩa của cuộc đời nằm ở những gì mình làm theo ý thích trong chính khoảng thời gian hạn hẹp trước khi sự sống bị tước đi”.

* Để chạm vào hạnh phúc

Theo TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, đi tìm hạnh phúc và để chạm vào hạnh phúc, bản thân mỗi người cần biết điều gì mang đến hạnh phúc cho mình rồi, từ đó bắt đầu học loại bỏ những thứ “râu ria”. Phải dám nói “không” với những thứ mang đến cho mình mệt mỏi, ngừng phục vụ cho tham vọng của người khác. “Mỗi người cần tập xây ước mơ của riêng mình, học cách tha thứ để nhẹ nhõm hơn. Về nhà với ba mẹ và gia đình nhiều hơn hay đơn giản là tập thể dục và làm một số điều mình thích” - TS Hiếu nói.

Trưởng phòng Tư pháp H.Cẩm Mỹ Nguyễn Hữu Chiến quan niệm, yêu thương và sẻ chia là cách mỗi người chạm đến hạnh phúc. Một cử chỉ quan tâm hay một lời hỏi thăm không cần hoa mỹ, hành động tưởng chừng đơn giản ấy cũng đủ giúp chúng ta cảm nhận được thế nào là hạnh phúc. Anh chiến bộc bạch: “Vui đùa cùng con, hỏi han chuyện trò, cùng nhau trong bữa cơm tối... đó là lúc tôi tập cho các con cách sống hòa đồng, biết cho đi và biết vì người khác. Cho đi không đồng nghĩa với vật chất hay tiền bạc mà cho nhau thời gian, bằng tất cả tình yêu thương và sự chân thành. Đó là lúc chúng ta chạm vào hạnh phúc”.

Theo Phó giám đốc Sở VH-TTDL Nguyễn Thị Mộng Bình, không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của Ngày quốc tế Hạnh phúc 20-3 hằng năm được chọn là Yêu thương và chia sẻ. Hầu hết ở các gia đình hôm nay, người đàn ông vẫn là trụ cột, họ có nhiệm vụ gánh vác kinh tế gia đình. Nhưng người phụ nữ cũng phải “kiêm” nhiều nhiệm vụ hơn, không chỉ là một người vợ đảm, mẹ hiền, họ còn tham gia công tác xã hội, phấn đấu cho sự nghiệp của bản thân. Vì thế, để chạm được hạnh phúc và giữ gìn nó, mỗi gia đình cần sự đồng lòng, chia sẻ. Đây là chìa khóa để mỗi người mở ra cánh cửa tương lai tươi đẹp cho mình.

Ly Na

Tin xem nhiều