Báo Đồng Nai điện tử
En

Nghiện rượu và những hệ lụy

09:03, 19/03/2020

Khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 hiện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân rối loạn tâm thần và hành vi do nghiện rượu trong thời gian dài. Việc điều trị khá khó khăn và vất vả do bệnh nhân không hợp tác.

Khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 hiện đang điều trị cho nhiều bệnh nhân rối loạn tâm thần và hành vi do nghiện rượu trong thời gian dài. Việc điều trị khá khó khăn và vất vả do bệnh nhân không hợp tác.

Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân nghiện rượu đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Ảnh: Hạnh Dung
Bác sĩ thăm khám cho một bệnh nhân nghiện rượu đang được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2. Ảnh: Hạnh Dung

* Những tác hại khôn lường

Cách đây ít ngày, bệnh nhân N.N.T. (ngụ xã Phú Lâm, H.Tân Phú) được gia đình đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 trong tình trạng run rẩy, có lúc không nhận biết được người thân.

Theo người nhà, bệnh nhân đã sử dụng rượu hơn 10 năm nay nhưng khoảng 3 năm gần đây thường uống rượu mỗi ngày vào nhiều thời điểm trong ngày, có khi uống một mình, có khi uống với bạn bè khoảng hơn 1 lít rượu trắng/ngày.

Rượu, bia là một trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Trong đó 20% ca tử vong do tai nạn giao thông, 30% ca tử vong do ung thư thực quản, ung thư gan, động kinh, giết người, 50% ca tử vong do ung thư gan. Sử dụng rượu, bia cũng là yếu tố nguy cơ xếp thứ 2 trong 10 yếu tố nguy cơ gây bệnh tật và tử vong hàng đầu.

Cách đây một tuần, anh T. cảm thấy mệt mỏi và ngưng uống rượu. Trong thời gian ngưng uống rượu, anh T. càng cảm thấy mệt hơn, mất ngủ, chân tay run rẩy, đi lại dễ bị té, lúc nào cũng trong tâm trạng căng thẳng, bồn chồn, thường xuyên độc thoại, tưởng tượng thấy rắn rết, thấy có người đòi đuổi đánh nên hay bò dưới nền nhà, gầm giường để trốn gây trầy xước chân tay. Cảm thấy nếu để tình trạng kéo dài sẽ nguy hiểm, gia đình quyết định đưa anh T. vào bệnh viện.

Qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị rối loạn tâm thần và hành vi do sử dụng rượu - trạng thái cai rượu có mê sảng. Đặc biệt, bệnh nhân không biết được mình đang được điều trị trong bệnh viện, không xác định được thời gian trong ngày. Khi bác sĩ, điều dưỡng hỏi bệnh chỉ biết nói họ tên và quê quán. Ngoài ra, bệnh nhân không nhận thức được thêm điều gì khác, tiên lượng bệnh nặng.

Không riêng gì bệnh nhân N.N.T., còn có nhiều bệnh nhân nghiện rượu khác cũng được gia đình đưa vào bệnh viện để chữa trị. Đa phần trong số họ không thể đi lại, nói chuyện, sinh hoạt, vệ sinh cá nhân bình thường mà phải có sự giúp đỡ của người thân hoặc điều dưỡng. Có những bệnh nhân còn rất trẻ nhưng lúc nào cũng phải ngồi xe lăn. Khi được đưa lên giường bệnh thì phải cột 2 tay vào thành giường để tránh những hành động không kiểm soát được.

* Khó chữa trị

BS CKII Nguyễn Lợi, Trưởng khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 cho hay, bệnh nhân đang nghiện rượu mà mắc phải 1 bệnh nội khoa khác hoặc sự cố gì đó như té, chấn thương, mệt mỏi rồi ngưng uống rượu sẽ xuất hiện hội chứng cai rượu với những biểu hiện như bệnh nhân N.N.T.

Lúc này nhiều bệnh nhân sẽ quậy phá do hoang tưởng, thậm chí có thể hành hung người khác, giết người do tưởng tượng đó là ma quỷ. Gia đình nào có người nghiện rượu sẽ thường xuyên rơi vào cảnh xào xáo, kinh tế suy sụp, vợ chồng cãi vã, bạo lực gia đình, mất trật tự an toàn xã hội.

Đối với bản thân người nghiện rượu có thể mắc rất nhiều bệnh khác như: thiếu máu, xơ gan và bệnh mạn tính khác. Đặc biệt, bệnh nghiện rượu sẽ làm thoái hóa bộ não, não bị xơ, teo, lâu dần sẽ làm chết tế bào não, dẫn đến con người bị biến đổi nhân cách, dễ nóng giận, ích kỷ.

Theo BS Lợi, để có thể điều trị hiệu quả cho bệnh nhân nghiện rượu, trước hết bệnh nhân phải cai rượu. Khi bệnh nhân có ý thức và nhận thức được về vấn đề của mình, bác sĩ sẽ tiếp tục có những hướng điều trị tiếp theo tùy vào giai đoạn tiến triển của bệnh nhân.

Ở giai đoạn cấp (điều trị hội chứng cai rượu và rối loạn tâm thần), các bác sĩ sẽ bù nước, bù điện giải, vitamin nhóm B liều cao theo đường truyền tĩnh mạch và đường uống. Nếu bệnh nhân có các bệnh nhiễm trùng thì điều trị nhiễm trùng; thiếu máu thì phải truyền máu. Trường hợp bệnh nhân bị kích động mạnh thì bác sĩ buộc phải sử dụng thuốc an thần cho bệnh nhân.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích