Báo Đồng Nai điện tử
En

Khi trường quay thành trường học

10:03, 27/03/2020

Gần 1,5 tháng qua, Đài PT-TH Đồng Nai đã ưu tiên dành 2 trường quay lớn phục vụ việc ghi hình phát sóng các chương trình hỗ trợ ôn tập học kỳ 1 và dạy kiến thức mới học kỳ 2 cho học sinh 5 khối lớp trong toàn tỉnh. Với nhiều thầy cô, những lần đầu dạy học qua truyền hình là việc làm không mấy dễ dàng so với dạy học ở trên lớp nhưng tất cả đều cố gắng vì học trò.

Gần 1,5 tháng qua, Đài PT-TH Đồng Nai đã ưu tiên dành 2 trường quay lớn phục vụ việc ghi hình phát sóng các chương trình hỗ trợ ôn tập học kỳ 1 và dạy kiến thức mới học kỳ 2 cho học sinh 5 khối lớp trong toàn tỉnh. Với nhiều thầy cô, những lần đầu dạy học qua truyền hình là việc làm không mấy dễ dàng so với dạy học ở trên lớp nhưng tất cả đều cố gắng vì học trò.

Đạo diễn, trợ lý trường quay Đài PT-TH Đồng Nai hướng dẫn giáo viên chuẩn bị bước vào buổi ghi hình. Ảnh: Công Nghĩa
Đạo diễn, trợ lý trường quay Đài PT-TH Đồng Nai hướng dẫn giáo viên chuẩn bị bước vào buổi ghi hình. Ảnh: Công Nghĩa

Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường tiểu học Tam Phước 2 (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) là một trong số hàng chục giáo viên được mời tham gia ghi hình các buổi hướng dẫn học sinh ôn tập. Ra khỏi trường quay, khi được hỏi về cảm giác của mình, cô đã rơi nước mắt: “Chưa bao giờ tôi phải xa học trò lâu như vậy. Tôi ngồi dạy học trước nhiều máy quay hướng về phía mình nhưng áp lực quá. Tôi ước sớm có buổi dạy mà ngồi phía trước là những gương mặt học trò thân quen và các cánh tay đưa lên xin phát biểu”.

* Khi giáo viên lên truyền hình dạy học

Từ khi Sở GD-ĐT phối hợp với Đài PT-TH Đồng Nai ghi hình và phát sóng các chương trình hướng dẫn ôn tập và dạy kiến thức mới, tuần nào cô Thủy cũng sắp xếp 3 buổi đi bằng xe máy từ P.Tam Phước lên đài ghi hình các tiết dạy. Cô được chọn thực hiện tiết dạy cho học sinh lớp 5 là bởi có nhiều kinh nghiệm dạy và từng là giáo viên giỏi của thành phố. Cô Thủy cho hay, để có được những buổi hướng dẫn học sinh ôn tập, cô đã phải thảo luận với nhiều thầy cô trong Hội đồng Chuyên môn của Sở GD-ĐT. Sau khi thống nhất nội dung và phương pháp, cô bắt đầu soạn bài và chuẩn bị thêm các nội dung trình chiếu minh họa trên máy tính.

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang: Học sinh nên tận dụng những tiết dạy chất lượng

Những tiết dạy trên truyền hình được đầu tư công phu chất lượng, vì tham gia đều là giáo viên giỏi, có nhiều kinh nghiệm. Nội dung các bài giảng được hội đồng chuyên môn của Sở tư vấn, chọn lọc trực tiếp cho giáo viên tham gia giảng nên đảm bảo được các kiến thức cơ bản và cốt lõi. Do đó, học sinh nên tận dụng những tiết dạy chất lượng để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn của bệnh dịch.

Đồng Nai là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước thực hiện ôn tập và giảng dạy kiến thức mới trên truyền hình sau khi quyết định cho học sinh tạm nghỉ học vì dịch Covid-19. Hiện nay đang có 5 khối lớp được học tập qua truyền hình gồm: khối 3-4-5-9 và 12 với 28 tiết học mỗi tuần. Đài PT-TH Đồng Nai ghi hình và phát sóng 1.260 phút/tuần phục vụ học sinh ôn tập và học kiến thức mới.

Vì là lần đầu tiên dạy học trên truyền hình nên như phần lớn giáo viên khác cô Thủy đều lo lắng, hồi hộp. Cô Thủy chia sẻ, khi các em xem trên truyền hình tiết dạy chỉ có thời lượng 45 phút nhưng để hoàn thành việc ghi hình có khi cần đến 70 phút vì ngoài việc chuẩn bị chu đáo nội dung bài trước khi bước vào trường quay, giáo viên còn được chuyên gia trang điểm của đài trang điểm để khung hình thêm đẹp. Các cô được đạo diễn căn dặn nhiều việc cần làm khi thực hiện buổi ghi hình, trong đó khó nhất là làm sao giữ được vẻ tự nhiên như những buổi dạy trên lớp.

Còn với cô Bùi Thị Minh Giao, giáo viên dạy Văn lớp 9 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) cho hay: “Dưới áp lực đạo diễn và ánh sáng trường quay, tôi luôn phải bình tĩnh vừa đảm bảo được nội dung bài dạy, vừa giữ được nét mặt tự nhiên như đang giảng bài cho các em trên lớp. Dù có kinh nghiệm dạy học lâu năm nhưng đôi khi đạo diễn vẫn yêu cầu phải ghi hình lại một số đoạn”.

Trong khi đó, cô Nguyễn Thị Phương Liên, giáo viên môn Tiếng Anh của Trường tiểu học Lê Văn Tám (P.Quang Vinh, TP.Biên Hòa) chia sẻ, quá trình ghi hình các buổi hướng dẫn học sinh ôn tập tại trường quay khá căng thẳng, giáo viên phải nỗ lực ngay từ việc chuẩn bị nội dung ôn tập sao cho thật ngắn gọn nhưng vẫn đủ nội dung, đảm bảo học sinh khi theo dõi đều có thể hiểu bài. Quá trình thực hiện buổi ghi hình giáo viên phải lấy thật nhiều ví dụ minh họa và đặt một số câu hỏi để các em tư duy và tự trả lời.

* Dồn sức ưu tiên cho học trò

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Sở GD-ĐT quyết định ưu tiên học sinh khối 9 và 12 được học kiến thức mới học kỳ 2 thay vì chỉ ôn tập kiến thức học kỳ 1 như trước đây. Ông Trần Đình Vinh, Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 (Sở GD-ĐT) cho biết: “Học sinh khối 9 và 12 đều đang ở thời điểm rất quan trọng, trong đó học sinh khối 9 sẽ phải hoàn thành chương trình THCS để xét tốt nghiệp và thi tuyển vào lớp 10, học sinh khối 12 cũng cần kết thúc sớm chương trình để tập trung ôn tập thi tốt nghiệp THPT quốc gia và xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2020. Do đó, phải tiếp tục cho các em học chương trình mới qua truyền hình để đảm bảo tiến độ”.

Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường tiểu học Tam Phước 2 (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) ghi hình ôn tập kiến thức cho học sinh
Cô Nguyễn Thị Thủy, giáo viên Trường tiểu học Tam Phước 2 (P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) ghi hình ôn tập kiến thức cho học sinh

Cô Hoàng Thị Thúy Nga, giáo viên Địa lý Trường THPT Long Khánh (TP.Long Khánh) là một trong hơn 10 giáo viên được mời tham gia giảng dạy kiến thức học kỳ 2 cho học sinh khối 12. Cô cho biết, mỗi tuần cô đến trường quay ghi hình kéo dài hơn 1 giờ, sau đó biên tập viên của đài sẽ biên tập để phân bố thành tiết dạy phát sóng trong 45 phút. Việc giảng dạy trên truyền hình khó hơn trên lớp nhiều vì áp lực về thời gian, giáo viên sẽ phải giảng bài liên tục nhưng không thể tương tác với học trò. Còn học sinh cũng sẽ gặp khó khăn vì không thể hỏi trực tiếp giáo viên những vấn đề thắc mắc, do vậy khi chuẩn bị bài giảng giáo viên phải cân nhắc rất kỹ sao cho học sinh nắm được kiến thức cơ bản chứ không phải nâng cao, tránh tình trạng học sinh không hiểu bài mà đâm ra chán.

Theo Ban giám đốc Đài PT-TH Đồng Nai, do phải ghi hình phục vụ học sinh trong toàn tỉnh ôn tập và học kiến thức mới trên truyền hình nên từ ngày 17-2 đến nay, ngày nào 2 trường quay chính của đài cũng sáng đèn hoạt động hết công suất từ 7 giờ tới chiều. Đài đã huy động tối đa nhân lực cho các trường quay như: đạo diễn hình ảnh, quay phim, kỹ thuật âm thanh, vi tính, biên tập… Trung bình mỗi trường quay cần khoảng 6-8 người phụ trách các đầu việc khác nhau và gần như không có thời gian nghỉ ngơi.

Em Phạm Trung Kiên, học sinh lớp 12 Trường THPT Nguyễn Hữu Cảnh (P.Long Bình Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Những ngày qua em theo dõi khá đầy đủ các môn học phát sóng trên kênh ĐN1 của Đài PT-TH Đồng Nai. Việc học qua truyền hình khiến em phải tập trung nhiều hơn để nghe giảng vì không có cơ hội tương tác trực tiếp với giáo viên. Khi muốn tìm hiểu bài sâu hơn thì có nhiều cách khác như “tua” lại chương trình, xem lại trên trang web của đài hoặc của Sở. Những vấn đề nâng cao em có thể gọi hỏi giáo viên bộ môn của trường mình”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích