Báo Đồng Nai điện tử
En

Hưởng bảo hiểm xã hội một lần: Lợi trước mắt, thiệt về sau

09:03, 20/03/2020

Việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần nếu không được cân nhắc kỹ sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sau. Đặc biệt, bản thân người hưởng BHXH một lần sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi.

Việc hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần nếu không được cân nhắc kỹ sẽ gây ra nhiều hệ lụy về sau. Đặc biệt, bản thân người hưởng BHXH một lần sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi.

Rất đông người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: H.Dung
Rất đông người lao động đến nộp hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần tại cơ quan Bảo hiểm xã hội tỉnh. Ảnh: H.Dung

Từ đầu tháng 2 đến nay, số người nộp hồ sơ để hưởng BHXH một lần tăng mạnh so với những tháng trước đó.

* Muôn vàn lý do

Theo thống kê của BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 2-2020, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc trong toàn tỉnh là hơn 809 ngàn người, giảm hơn 20 ngàn người so với tháng 1 nhưng tăng 26,8 ngàn người so với cùng kỳ năm ngoái.

Sau Tết Nguyên đán 2020, số lượng người nộp hồ sơ để được hưởng BHXH một lần tăng cao. Cụ thể, tháng 2 có hơn 1,5 ngàn hồ sơ trong khi tháng 1 là 784 hồ sơ. Chỉ 10 ngày đầu tháng 3, cơ quan BHXH tỉnh đã tiếp nhận hơn 1,2 ngàn hồ sơ đề nghị hưởng BHXH một lần.

Chị Phạm Thị Lan Anh (ngụ P.Tam Phước, TP.Biên Hòa) có thời gian tham gia BHXH bắt buộc gần 6 năm cho biết, cách đây 2 năm, chị sinh con nhỏ nên nghỉ việc ở công ty. Sau đó, chị đã làm hồ sơ để nhận chế độ bảo hiểm thất nghiệp được gần 10 triệu đồng. Đến nay, khi vẫn chưa xin được công việc mới mà gia đình lại đang kẹt tiền nên chị quyết định nộp hồ sơ để hưởng BHXH một lần.

Còn ông Đoàn Văn Tuấn (ngụ P.Bửu Hòa, TP.Biên Hòa) thì quyết định chốt sổ bảo hiểm và ở nhà vì mắt kém, sức khỏe yếu, cảm thấy không thể làm việc tại công ty như trước được nữa.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Trinh (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) mới tham gia BHXH bắt buộc được 9 tháng, đã nghỉ việc được hơn 1 năm cũng quyết định khép sổ BHXH và làm hồ sơ đề nghị hưởng chế độ. Chị Trinh cho hay, chị chốt sổ và không có ý định sẽ tham gia BHXH bắt buộc vì sẽ tự mở cửa hàng kinh doanh tại nhà.

* Nhiều thiệt thòi về sau

Ông Huỳnh Anh Tú, Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng (BHXH tỉnh) cho biết, việc người lao động nộp hồ sơ hưởng BHXH một lần tăng mạnh có nhiều lý do. Theo quy định, người lao động sau khi nghỉ việc đủ 12 tháng mà không có việc làm mới thì đủ điều kiện để hưởng BHXH một lần. Do đó, rất nhiều người lao động chốt sổ bảo hiểm vì không xin được việc làm mới. Mặt khác, người lao động dù biết sẽ bị ảnh hưởng đến lợi ích lâu dài, nhưng vì khó khăn nên cần tiền để lo cuộc sống trước mắt.

Có những trường hợp người lao động đã đóng BHXH bắt buộc gần đủ thời gian để hưởng lương hưu nhưng do chưa hiểu biết hoặc vì lý do nào đó đã nộp hồ sơ để hưởng BHXH một lần mà không lường hết được những rủi ro về sau. Như trường hợp ông T.D.T. (ngụ P.Hố Nai, TP.Biên Hòa) nghỉ việc tại công ty vào tháng 5-2018 khi đã có thời gian đóng BHXH bắt buộc 19 năm 10 tháng. Đến tháng 6-2019, khi đã hưởng đủ 9 tháng bảo hiểm thất nghiệp, ông T. làm hồ sơ hưởng BHXH một lần với số tiền hơn 170 triệu đồng.

 

Từ đầu năm đến nay, người được hưởng BHXH một lần với số tiền lớn nhất là 752,4 triệu đồng. Đó là ông V.M.N. (ngụ xã Vĩnh Thanh, H.Nhơn Trạch). Tính đến tháng 12-2019, ông N. có thời gian đóng BHXH bắt buộc là 26 năm 9 tháng. Trong khi đó, bà L.T.M.T. (ngụ H.Trảng Bom) là người nhận được số tiền BHXH một lần thấp nhất với 494,5 ngàn đồng.

 

“Số tiền nhận được không quá lớn nhưng về sau tôi sẽ phải chịu nhiều thiệt thòi do không còn được hưởng lương hằng tháng khi tuổi cao, sức yếu, không được cấp thẻ bảo hiểm y tế...” - ông T. trải lòng.

Theo ông Huỳnh Anh Tú, số tiền đóng BHXH bắt buộc chính là thành quả của quá trình lao động, là một khoản tích lũy, dự phòng cho bản thân người lao động khi về già. Số tiền này không mất đi mà vẫn được cơ quan bảo hiểm quản lý, đầu tư tăng trưởng. Người tham gia có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc BHXH tự nguyện cho đủ thời gian hưởng lương hưu.

Chính vì vậy, khi còn trẻ, còn khả năng lao động tạo ra thu nhập, người lao động không nên sử dụng “của để dành” này. Bởi khi không còn khả năng lao động, nếu không có một khoản dự phòng, người đó sẽ có thể trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội, ảnh hưởng đến mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội bền vững của Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, việc duy trì đóng BHXH để đủ thời gian quy định giúp người lao động được hưởng nhiều quyền lợi về sau. Cụ thể, ở các thời điểm khác nhau, Nhà nước sẽ có sự điều chỉnh về lương hưu để phù hợp với mức sống của người dân. Người lao động khi đủ thời gian đóng BHXH, ngoài quyền lợi về lương hưu còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế để dự phòng những lúc bệnh tật.

Đến khi qua đời, người thân của người đó cũng được hưởng trợ cấp mai táng phí bằng 10 tháng lương cơ sở tại thời điểm người hưởng lương hưu qua đời; được hưởng trợ cấp tuất một lần tối thiểu bằng 3 tháng lương hưu hiện hưởng. Trường hợp có thân nhân đủ điều kiện hưởng trợ cấp tuất hằng tháng thì được hưởng tối đa 4 định suất, trong đó con nhỏ được hưởng cho đến khi trưởng thành, cha mẹ già được hưởng cho đến khi qua đời.

“Trước khi làm hồ sơ hưởng BHXH một lần, người lao động nên đến cơ quan BHXH để được tư vấn và cân nhắc kỹ để đưa ra quyết định sáng suốt, phù hợp” - ông Tú nhấn mạnh.

            Hạnh Dung

Tin xem nhiều