Báo Đồng Nai điện tử
En

Dạy và học trên truyền hình: Quan trọng vẫn là ý thức của học sinh

10:03, 30/03/2020

Năm học 2019-2020 trở thành năm học khó quên khi thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài do dịch bệnh Covid-19. Nhiều phương pháp học tập thay thế đã được Sở GD-ĐT chủ động triển khai, trong đó có học trực tuyến và học qua truyền hình...

Năm học 2019-2020 trở thành năm học khó quên khi thời gian nghỉ học của học sinh kéo dài do dịch bệnh Covid-19. Nhiều phương pháp học tập thay thế đã được Sở GD-ĐT chủ động triển khai, trong đó có học trực tuyến và học qua truyền hình. Nhưng điều băn khoăn đặt ra là đánh giá và công nhận kết quả học tập của học sinh từ những phương pháp học này như thế nào? 

Học sinh Trường TH-THCS-THP Lê Quý Đôn (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) học trực tuyến
Học sinh Trường TH-THCS-THP Lê Quý Đôn (P.Quyết Thắng, TP.Biên Hòa) học trực tuyến. Ảnh: C.Nghĩa

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch cho biết: “Mỗi tiết dạy trên truyền hình đều được Hội đồng Chuyên môn của Sở lựa chọn nội dung cốt lõi, giáo viên đứng tiết dạy tại trường quay đều có chuyên môn giỏi, nhiều năm kinh nghiệm. Nếu học sinh học tập nghiêm túc chắc chắn sẽ có kết quả tốt”. 

* Lúng túng khi học qua truyền hình

Thay vì tiếp tục hỗ trợ học sinh ôn tập kiến thức học kỳ 1 qua truyền hình, từ ngày 23-3 đến nay Sở GD-ĐT đã cho học sinh lớp 9 và 12 được học tiếp chương trình học kỳ 2. Học sinh lớp 9 được học 3 môn cơ bản, riêng lớp 12 được học gần như đầy đủ các môn, trừ môn Thể dục.

Theo Trưởng phòng Nghiệp vụ 1 Sở GD-ĐT Trần Đình Vinh, ưu tiên học sinh lớp 9 và 12 học tiếp chương trình học kỳ 2 thay vì chỉ ôn tập kiến thức học kỳ 1 là cần thiết bởi học sinh lớp 9 sau khi kết thúc năm học sẽ phải xét tốt nghiệp THCS và nhiều em thi lên lớp 10. Còn với học sinh lớp 12 sẽ phải trải qua kỳ thi THPT quốc gia vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.

Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ: Khi đi học trở lại học sinh sẽ học chương trình giảm tải

Do học sinh phải nghỉ học nhiều ngày để phòng, chống dịch Covid-19 nên Bộ GD-ĐT buộc phải điều chỉnh kế hoạch năm học, đồng thời tinh giản chương trình nhưng vẫn đảm bảo kiến thức cho các em thi và tiếp thu được kiến thức ở năm học kế tiếp.

Khi đi học trở lại, học sinh cả nước sẽ được học chương trình giảm tải chứ không học đúng như chương trình học kỳ 2 đã xây dựng trước đó vì không còn đủ thời gian.

Việc dạy học qua truyền hình là một nỗ lực rất lớn của Sở GD-ĐT, thầy cô tham gia giảng dạy cũng khá vất vả để có thể thực hiện như những tiết dạy trực tiếp trên lớp. Tuy nhiên, cũng có không ít thầy cô vừa dạy vừa băn khoăn vì tính hiệu quả của phương pháp này. Điều quan trọng nhất là học sinh ở nhà có chủ động theo dõi lịch phát sóng, có ý thức tự giác lấy sách vở ra ngồi học với thầy cô qua màn hình tivi hay không. Tiếp đó, việc dạy học qua truyền hình đã làm mất đi cơ hội tương tác giữa giáo viên và học sinh, có thể khiến học sinh cảm thấy nhàm chán, thậm chí khi gặp khó khăn, vướng mắc lại không được giải đáp kịp thời sẽ dẫn đến khó tiếp thu những kiến thức ở những bài tiếp theo.

Cô Bùi Thị Minh Giao, giáo viên dạy môn Ngữ văn lớp 9 Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (P.Thanh Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Bình thường dạy học ở trên lớp có học sinh ngồi ở dưới giáo viên sẽ thấy hưng phấn hơn vì được tương tác, vấn đề chưa hiểu các em sẽ hỏi và giáo viên giải thích ngay. Còn dạy qua truyền hình giáo viên chỉ còn biết cố gắng dạy sao cho thật hay, còn học trò có theo dõi tiết dạy hay không, các em hiểu được bao nhiêu % nội dung bài học thì không thể biết chắc”.

Nhiều phụ huynh có con đang học lớp 9 và 12 khi biết Sở GD-ĐT triển khai giảng dạy chương trình học kỳ 2 trên truyền hình đã dành thời gian nhắc nhở con em đến giờ theo dõi truyền hình để học.

Anh Nguyễn Phú Vinh (ngụ P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) cho hay: “Năm nay con tôi đang học lớp 9, nếu không có dịch Covid-19 thì giờ này đang phải học cả ngày lẫn đêm để có kết quả học tập tốt xét tốt nghiệp THCS và thi vào lớp 10. Hiện tại tôi chỉ có thể nhắc nhở con cố gắng tận dụng các tiết học qua truyền hình, dù rằng phương pháp này sẽ không thể bằng học trực tiếp học ở trên lớp, có gì chưa hiểu là hỏi được thầy cô ngay”.

* Khó ràng buộc học sinh

Ngày 26-3 vừa qua, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn dạy học qua hai hình thức này đối với cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên. Có 4 mục tiêu mà Bộ muốn hướng đến, đó là giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian tạm nghỉ học; phát triển năng lực tự học đồng thời nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học trực tuyến và dạy học trên truyền hình cho giáo viên; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình hỗ trợ học sinh học tập và mục tiêu cuối cùng là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học.

Giáo viên ghi hình bài giảng môn Tiếng Anh tại trường quay Đài PT-TH Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa
Giáo viên ghi hình bài giảng môn Tiếng Anh tại trường quay Đài PT-TH Đồng Nai. Ảnh: C.Nghĩa

Giám đốc Sở GD-ĐT Huỳnh Lệ Giang cho biết, trước khi Bộ GD-ĐT có hướng dẫn về tổ chức dạy học trực tuyến và dạy trên truyền hình, Đồng Nai đã tiến hành cả hai hình thức này, trong đó việc hướng dẫn học trực tuyến đã được Viễn thông Đồng Nai hỗ trợ tập huấn và cài đặt phần mềm cho phần đông giáo viên. Đối với dạy học trên truyền hình, Đồng Nai là tỉnh triển khai sớm nhất cả nước, đến nay đang triển khai hỗ trợ ôn tập cho lớp 3, 4, 5, dạy chương trình mới cho lớp 9 và 12. Lịch phát sóng được sắp xếp ổn định trong nhiều ngày liên tục để tiện cho học sinh theo dõi. Ngoài ra, Sở còn thông báo lịch phát sóng trên Cổng thông tin điện tử và fanpage của Sở.

Một nội dung được nhiều giáo viên và học sinh quan tâm là việc tổ chức kiểm tra đánh giá kết quả học tập như thế nào. Theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, trong quá trình tổ chức dạy học trực tuyến và trên truyền hình, giáo viên phụ trách các môn học trực tiếp kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua hình thức trực tuyến. Kết quả kiểm tra, đánh giá thường xuyên này được sử dụng thay cho các bài kiểm tra thường xuyên theo quy định của Bộ GD-ĐT về đánh giá, xếp loại học sinh.

Tuy nhiên theo nhận định của nhiều giáo viên, việc đánh giá, kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ học tập của học sinh thông qua hình thức trực tuyến để xếp loại học sinh bằng phương pháp trực tuyến có thể không khách quan, thậm chí là thiếu đi sự công bằng. Một giáo viên của Trường THPT Trấn Biên (TP.Biên Hòa) băn khoăn, khi kiểm tra trên lớp các em làm bài hoàn toàn độc lập, có sự giám sát chặt chẽ của giáo viên, kết quả kiểm tra có thể coi là phản ánh đúng thực lực của học sinh. Còn khi các em làm bài kiểm tra trực tuyến thì điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào sự tự giác và tính trung thực, giáo viên không thể biết được là có sự “trợ giúp” của người lớn, hoặc tài liệu nhằm đạt được điểm cao khi kiểm tra, đánh giá hay không.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều