Báo Đồng Nai điện tử
En

Bệnh lao và cách phòng tránh

10:03, 03/03/2020

Hiện nay, tất cả các thể lao được phát hiện sớm đều có thể điều trị khỏi gần như hoàn toàn trong thời gian dưới 1 năm bằng các thuốc chống lao đặc hiệu.

Hiện nay, tất cả các thể lao được phát hiện sớm đều có thể điều trị khỏi gần như hoàn toàn trong thời gian dưới 1 năm bằng các thuốc chống lao đặc hiệu.

* Bệnh lao

Bệnh lao có thể gặp ở tất cả các bộ phận của cơ thể và được chia ra thành 2 thể chính là lao phổi và lao ngoài phổi. Lao phổi là thể lao hay gặp nhất, chiếm tới 80-85% các trường hợp mắc lao và là nguồn lây chính cho người xung quanh. Lao ngoài phổi có thể gặp: lao hạch bạch huyết, lao màng phổi, lao màng não, lao màng bụng, lao ruột, lao xương khớp, lao hệ sinh dục - tiết niệu. Những người bị bệnh lao ngoài phổi ít có nguy cơ truyền bệnh cho người khác hơn.

Về phân loại, vi khuẩn gây bệnh lao cho người có tên là mycobacterium tuberculosis. Ngày nay, căn cứ vào đặc điểm kháng acid, người ta gọi chúng là vi khuẩn kháng cồn toan, viết tắt là AFB (acid fast bacilli).

Bác sĩ Bệnh viện Phổi Đồng Nai khám cho một bệnh nhân lao
Bác sĩ Bệnh viện Phổi Đồng Nai khám cho một bệnh nhân lao

Vi khuẩn lao đi vào cơ thể qua đường hô hấp là phổ biến nhất. Bệnh nhân lao khi ho, hắt xì, nói chuyện hay khạc nhổ làm bắn các hạt rất nhỏ lơ lửng trong không khí, phân tán xung quanh người bệnh, người lành hít các hạt này khi thở có thể bị bệnh. Các đường lây khác ít gặp hơn đó là đường tiêu hóa, đường da niêm mạc, đường máu qua tĩnh mạch dây rốn lây bệnh cho thai nhi hoặc qua nước ối nếu mẹ bị lao tử cung, âm đạo.

Tất cả các bệnh nhân lao đều có thể là nguồn lây, nhưng mức độ lây khác nhau. Nguồn lây chính của bệnh lao là những bệnh nhân bị lao phổi có AFB dương tính trong đờm (phát hiện bằng phương pháp nhuộm soi trực tiếp, tức là có khoảng trên 5 ngàn vi khuẩn trong 1ml đờm).

Bệnh lao có quá trình diễn tiến qua 2 giai đoạn: nhiễm lao và bệnh lao. Chỉ khoảng 10% ca nhiễm vi khuẩn lao tiến triển thành bệnh lao.

Giai đoạn nhiễm lao là khi cơ thể chưa bao giờ tiếp xúc với trực khuẩn lao, bị trực khuẩn lao xâm nhập lần đầu tiên. Đa số người bị lây chỉ ở tình trạng lao nhiễm, không chuyển sang giai đoạn lao bệnh.

Giai đoạn lao bệnh là thứ phát chỉ xảy ra khi có sự mất thăng bằng giữa khả năng gây bệnh của trực khuẩn lao và sức đề kháng của cơ thể. Khi có số lượng và độc tính của vi khuẩn lao vượt quá sức đề kháng của cơ thể thì dẫn đến lao thứ phát.

Người nghi lao phổi khi có các triệu chứng sau: ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu) là triệu chứng nghi lao quan trọng nhất. Ngoài ra có thể: sút cân, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi “trộm” ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở. Khi có các triệu chứng nghi ngờ trên cần đến ngay cơ sở chuyên khoa lao để thực hiện các xét nghiệm xác định sự tồn tại của vi khuẩn lao.

Nhóm nguy cơ cao bao gồm: người nhiễm HIV; người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt trẻ em; người mắc các bệnh mạn tính: loét dạ dày - tá tràng, đái tháo đường, suy thận mãn;  người nghiện ma tuý, rượu, thuốc lá, thuốc lào; người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hóa chất điều trị ung thư...

Đối với lao ngoài phổi khó chẩn đoán xác định hơn, luôn tìm kiếm xem có lao phổi phối hợp không, nếu có lao phổi sẽ là cơ sở quan trọng cho chẩn đoán lao ngoài phổi. Chẩn đoán lao ngoài phổi đơn thuần không kết hợp với lao phổi thường khó khăn, cần dựa vào triệu chứng nghi lao (sốt về chiều kéo dài, ra mồ hôi ban đêm, sút cân); triệu chứng tại chỗ nơi cơ quan bị tổn thương, nguy cơ mắc lao. Mức độ chính xác của chẩn đoán phụ thuộc nhiều vào khả năng phát hiện của các kỹ thuật hỗ trợ như: X-quang, siêu âm, sinh thiết, xét nghiệm vi khuẩn học. Cần luôn chẩn đoán phân biệt với các bệnh khác.

Để chẩn đoán xác định vi khuẩn lao có các phương pháp sau: nhuộm soi đờm trực tiếp tìm AFB, phương pháp nuôi cấy, phương pháp sinh học phân tử và một số kỹ thuật hiện đại khác như: phản ứng miễn dịch gắn men (ELISA), miễn dịch huỳnh quang...

* Cách phòng ngừa bệnh lao

Phương pháp phòng bệnh lao hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vaccine HCG phòng lao cho trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi.

Ngoài ra, bệnh lao là một bệnh xã hội, do đó cần cải thiện điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc và làm trong sạch môi trường sống để làm giảm nguy cơ mắc bệnh.

Đeo khẩu trang khi ra ngoài đường và khi vào bệnh viện, những nơi có nguy cơ lây nhiễm bệnh lao.

Với những người đang bị nhiễm lao cần tránh lây nhiễm lao cho người xung quanh: Dùng khẩu trang hoặc ít nhất có khăn che miệng khi tiếp xúc nói chuyện với người khác, khi hắt hơi, ho; không khạc nhổ bừa bãi, khạc đờm vào khăn giấy rồi đốt, rửa tay xà phòng thường xuyên; thường xuyên phơi nắng đồ dùng cá nhân, chiếu, chăn, màn.

BS.Hồ Thị Hồng (Trung tâm Kiểm soát bệnh  tật tỉnh)

Tin xem nhiều