Báo Đồng Nai điện tử
En

Bác sĩ của những ca mổ đặc biệt

12:03, 04/03/2020

Cụ bà Trương Thị Truyền (99 tuổi, ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) vừa trải qua một ca phẫu thuật rất đặc biệt, bởi bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật chính là con trai cụ – ThS-BS CKII.Lê Ngân, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai).

Cụ bà Trương Thị Truyền (99 tuổi, ngụ P.Tân Hiệp, TP.Biên Hòa) vừa trải qua một ca phẫu thuật rất đặc biệt, bởi bác sĩ thực hiện ca phẫu thuật chính là con trai cụ – ThS-BS CKII.Lê Ngân, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai).

BS.Lê Ngân (giữa) thực hiện ca phẫu thuật nội soi cho một bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo gối phải. Ảnh: Hạnh Dung
BS.Lê Ngân (giữa) thực hiện ca phẫu thuật nội soi cho một bệnh nhân bị đứt dây chằng chéo gối phải. Ảnh: Hạnh Dung

Hơn 10 ngày sau ca phẫu thuật thay khớp háng, cụ Truyền đã có thể đi lại bình thường.

* 30 phút “chiến đấu” trong phòng mổ

Ngày 20-2, trong khi sinh hoạt tại nhà, cụ Truyền không may bị trượt chân té ngã gãy cổ xương đùi. Sau khi cụ Truyền nhập viện, BS.Ngân cùng các bác sĩ trong khoa đã tiến hành hội chẩn và đưa ra quyết định sẽ mổ thay khớp háng cho cụ càng sớm càng tốt.

Theo BS.Ngân, trước đây với những trường hợp bệnh nhân lớn tuổi, có nhiều bệnh nền, bị gãy cổ xương đùi, nhiều bác sĩ thường không dám mổ vì rất dễ xảy ra tai biến trong quá trình phẫu thuật. Đa số bệnh nhân thường được bó bột nằm tại chỗ, không nhúc nhích được, rất đau đớn. Việc ăn uống, vệ sinh cũng thực hiện tại chỗ gây lở loét và đa phần bệnh nhân tử vong do bội nhiễm cùng nhiều nguyên nhân khác.

BS.Lê Ngân tâm sự: “Mỗi ca mổ đối với tôi là một “trận chiến” sinh tử. Khi nằm trên bàn mổ, bệnh nhân chỉ có một niềm tin duy nhất - đó là niềm tin vào bác sĩ phẫu thuật. Chỉ một sơ suất nhỏ, một đường dao run cũng có thể dẫn đến những hậu quả không thể cứu vãn được. Do đó, bản thân tôi luôn tự dặn mình phải rất thận trọng trong từng thao tác để làm những điều tốt nhất có thể cho người bệnh”.

Đến nay, khi y học đã phát triển, những người bị gãy cổ xương đùi như cụ Truyền có cơ hội bình phục và tỷ lệ thành công lên đến 95% nếu được phẫu thuật thay khớp háng sớm.

Được con trai động viên, cộng với niềm tin vào tay nghề của con, cụ Truyền đồng ý lên bàn mổ. Quá trình phẫu thuật, cụ được gây tê, không cần gây mê nên biết rất rõ đang được chính con trai mình phẫu thuật.

Về phần BS.Lê Ngân, mặc dù đã thực hiện gần 7 ngàn ca phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng lớn nhỏ, quá quen với việc cầm dao và không khí trong phòng mổ nhưng đây lại là ca mổ đặc biệt nhất với anh trong vòng 23 năm qua, bởi bệnh nhân không ai khác chính là người đã sinh ra anh.

“Phải công nhận tôi có gặp phải một chút áp lực lúc đầu ca mổ. Nhưng sau đó, tôi nhanh chóng bình tâm và phối hợp nhịp nhàng với ê-kíp để thực hiện thành công ca mổ trong vòng 30 phút. 24 giờ sau mổ, mẹ tôi đã có thể ngồi dậy, 48 giờ có thể chống được nạng để đi. Đến ngày thứ 5 sau mổ, cụ đã có thể bỏ nạng ra và tập đi. Với tôi, hạnh phúc đó không gì đo đếm được” - BS.Lê Ngân bộc bạch.

Là người thường xuyên tham gia phụ giúp các ca mổ do BS.Lê Ngân thực hiện, BS.Nguyễn Tiến Dũng cho biết, 2 năm qua, anh học được ở BS.Lê Ngân tính siêng năng, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc. Ở mỗi cuộc mổ, BS.Lê Ngân đều thực hiện rất thành thục, tỉ mỉ, cẩn thận nhưng dứt khoát.

* Làm điều tốt nhất cho bệnh nhân

Nói về lý do đến với nghề y, BS.Lê Ngân cho biết, lúc nhỏ bản thân anh và người thân trong gia đình hay bị bệnh. Vài ngày sau khi được cho thuốc uống thấy hết bệnh nên anh rất “mê” nghề y và tự nhủ sẽ cố gắng học thật tốt để sau này trở thành một bác sĩ giỏi, có thể cứu chữa cho nhiều người.

Sau khi tốt nghiệp Trường đại học Y dược TP.HCM năm 1995, BS.Lê Ngân tiếp tục theo học thạc sĩ rồi bác sĩ CKII chuyên ngành chỉnh hình. Đến năm 1997, BS.Ngân về đầu quân cho Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai. Trong ngày đầu tiên làm việc tại bệnh viện, anh được BS.Ngô Đức Đễ (khi đó là Trưởng khoa Ngoại tổng hợp) giao thực hiện ca mổ cấp cứu cho một bệnh nhân bị vết thương ở nách cùng một bác sĩ đàn anh khác.

Mỗi ngày, các bác sĩ trong Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai thực hiện từ 20-30 ca phẫu thuật. Trong đó, BS.Lê Ngân đảm nhận những ca phẫu thuật khó, những bệnh nhân lớn tuổi. Có rất nhiều bệnh nhân trên 100 tuổi đã được BS.Lê Ngân phẫu thuật thành công. Với những thành tích xuất sắc đạt được, năm 2019, BS.Ngân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

10 năm sau, ca phẫu thuật nối bàn tay trái đứt lìa cho bệnh nhân P.A.D. (P.Thống Nhất, TP.Biên Hòa) đem đến bước ngoặt trong nghề của BS.Lê Ngân.

Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng mạch, huyết áp không đo được, bị choáng và mất máu nặng. Nếu chuyển viện, bệnh nhân có khả năng không qua khỏi trên đường đi hoặc không còn khả năng nối cánh tay do quá “giờ vàng”. Trước tình thế cấp bách, BS.Ngân cùng ê-kíp phẫu thuật quyết định thực hiện ca mổ để cứu bệnh nhân. Trong 7 giờ đồng hồ, BS.Ngân cùng ê-kíp đã thực hiện thành công ca phẫu thuật lịch sử - nối cánh tay đứt lìa đầu tiên tại Đồng Nai.

Sau ca phẫu thuật, BS.Ngân cùng ê-kíp được UBND tỉnh, Sở Y tế, bệnh viện khen ngợi. Cũng từ đó trở đi, các bác sĩ trong Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã mạnh dạn thực hiện thêm nhiều ca phẫu thuật nối cánh tay, bàn tay đứt lìa khác.

Đến nay, dưới sự dẫn dắt của BS.Lê Ngân, Khoa Chấn thương chỉnh hình Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã thực hiện được hầu hết các kỹ thuật liên quan đến phẫu thuật ngoại khoa. Gần đây, khoa đã triển khai một số kỹ thuật mới như: đóng đinh Gama trong gãy liên mấu chuyển xương đùi ở người lớn tuổi; đưa nội soi khớp vai vào thường quy; phẫu thuật trật khớp vai, viêm co rút, xử lý trật khớp quanh cổ tay, khớp giả xương thuyền; vỡ, gãy khung chậu, vi phẫu tạo hình…

“Trong tương lai gần, khoa sẽ tạo điều kiện để các bác sĩ trong khoa được đi học chuyên sâu nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Qua đó, đem đến những phương pháp chữa trị tốt nhất cho bệnh nhân, giúp bệnh nhân không cần phải chuyển tuyến như trước kia” - BS.Lê Ngân chia sẻ.

Hạnh Dung

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều