Báo Đồng Nai điện tử
En

Trao vốn, trao niềm vui cho nạn nhân da cam/dioxin

11:02, 25/02/2020

Bên cạnh việc vận động cộng đồng hỗ trợ hằng tháng bằng tiền, thực phẩm cho nạn nhân da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn trao vốn để họ làm kinh tế.

Bên cạnh việc vận động cộng đồng hỗ trợ hằng tháng bằng tiền, thực phẩm cho nạn nhân da cam, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn trao vốn để họ làm kinh tế.

Bà Hoàng Thị Màng (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đang chăm sóc đàn gà kiểng của gia đình từ nguồn vốn vay không lãi suất do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ. Ảnh: V.Truyên
Bà Hoàng Thị Màng (thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) đang chăm sóc đàn gà kiểng của gia đình từ nguồn vốn vay không lãi suất do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh hỗ trợ. Ảnh: V.Truyên

Với khả năng lao động hạn chế do ảnh hưởng bởi chất độc da cam song nhiều năm qua, những nạn nhân da cam đã vận dụng có hiệu quả nguồn vốn được giao để có thể tự nuôi sống bản thân, giúp ích cho bản thân và gia đình.

* Niềm vui của nạn nhân da cam

Bà Hoàng Thị Màng (71 tuổi, ngụ KP.2, thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) là cựu chiến binh đồng thời cũng là nạn nhân da cam với tỷ lệ thương tật 81%. Cuối năm 2019, bà Màng bắt tay vào nuôi gà kiểng để bán. Vì phải đầu tư chuồng nuôi theo hình thức mỗi con một lồng nên bà Màng rất mong được vay vốn. Khi biết được nhu cầu này, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã hỗ trợ bà Màng vay 15 triệu đồng.

Từ năm 2017-2019, qua vận động của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, đã có 7 gia đình nạn nhân da cam được hỗ trợ bò giống với số tiền trên 71 triệu đồng. Đến nay, những hộ được nhận bò giống đều chăm sóc tốt vật nuôi.

“Ngoài được cho vay không lấy lãi, gia đình tôi còn được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh, huyện thường xuyên thăm hỏi tình hình để kịp thời có sự trợ giúp. Nghề này cũng không đòi hỏi nhiều sức lao động nên rất phù hợp với người bị nhiều thương tật như tôi. Sau gần nửa năm chăm sóc, lứa gà con đầu tiên được sinh ra từ gà kiểng bố mẹ đang phát triển rất tốt, hứa hẹn sẽ sớm đem lại thu nhập cho gia đình” - bà Màng nói.

Cũng được vay vốn không lãi suất từ Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh còn có trường hợp của nạn nhân da cam Mai Yến Phượng và mẹ là bà Nguyễn Thị Kiêm (ngụ phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). 5 năm qua, mỗi năm, 2 mẹ con bà Phượng đều được vay 5 triệu đồng để làm vốn lấy hàng buôn bán bánh kẹo, nước giải khát, gia vị ngay tại nhà. Bà Nguyễn Thị Kiêm cho biết: “Nhờ buôn bán nhỏ ở nhà mà con gái tôi dù không thể tự mình di chuyển nhưng lại được gặp gỡ, nói chuyện cùng những người đến mua hàng, từ đó mà tinh thần tốt lên rất nhiều”.

* Tiếp tục đồng hành với người kém may mắn

Theo Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Đào Nguyên, trên đây chỉ là hai trong số gần 200 lượt nạn nhân da cam tại TP.Biên Hòa và 2 huyện Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu được vay vốn không lãi suất để làm kinh tế từ năm 2014 đến nay. Đa số những người được vay vốn đều vận dụng tốt số tiền vay vào việc buôn bán, chăn nuôi nhỏ phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện sức khỏe của bản thân và hoàn trả số tiền vay đúng thời gian. Để giúp nạn nhân da cam có thêm điều kiện làm kinh tế, mỗi năm số tiền vay đều được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh điều chỉnh tăng lên sao cho phù hợp với nhu cầu người vay. Nhờ đó mà những khoản vay không lãi do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thực hiện đang ngày càng được người có nhu cầu mong chờ.

Bà Đinh Thị Khương (ngụ thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu), một nạn nhân da cam được vay vốn để làm kinh tế từ chương trình do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thực hiện cho hay: “Tôi bị thương tật tỷ lệ 81% do ảnh hưởng bởi chất độc da cam. Con trai lớn cũng bị dị tật bẩm sinh nên đời sống khó khăn. Tháng
11-2019, tôi được Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh cho vay 10 triệu đồng làm vốn. Sau đó vì thấy gia đình còn cần thêm tiền nên Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh tiếp tục cho vay thêm 5 triệu đồng. Cùng với số tiền tiết kiệm của gia đình, tôi mua gà, vịt và bò giống về nuôi nhằm tận dụng lúa, bắp, phụ phẩm từ cây trồng khác trong vườn làm thức ăn cho vật nuôi. Đến nay, vật nuôi của gia đình phát triển rất tốt”.

Song song với việc tiếp tục hỗ trợ hội viên vay vốn do Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh thực hiện, hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin cấp huyện, thành phố trong tỉnh cũng thực hiện hỗ trợ cây con giống cho hàng trăm gia đình nạn nhân da cam có thành viên còn khả năng lao động. Như trường hợp của gia đình cựu chiến binh Phan Văn Huynh (ngụ xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh, có 2 con bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam), sau gần 1 năm chăm sóc, con bò giống do Hội Chữ thập đỏ TP.Long Khánh trao tặng cho gia đình đang phát triển rất tốt, có khả năng sinh lời cao.

Võ Tuyên

Tin xem nhiều