Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗ lực phòng chống dịch bệnh

08:02, 12/02/2020

Có những thời điểm các loại dịch bệnh như: sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng… bùng phát dữ dội trong toàn tỉnh. Song, với nỗ lực và quyết tâm của ngành Y tế, các đơn vị liên quan cùng sự đồng lòng của người dân, số ca bệnh nặng và tử vong năm sau luôn giảm so với năm trước.

Có những thời điểm các loại dịch bệnh như: sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng… bùng phát dữ dội trong toàn tỉnh. Song, với nỗ lực và quyết tâm của ngành Y tế, các đơn vị liên quan cùng sự đồng lòng của người dân, số ca bệnh nặng và tử vong năm sau luôn giảm so với năm trước.

Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc men, máy móc, vật tư y tế để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Ảnh: H.Dung
Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc men, máy móc, vật tư y tế để ứng phó với dịch bệnh Covid-19. Ảnh: H.Dung

Kết quả trong công tác phòng chống dịch bệnh đang tiếp tục được ngành Y tế phát huy trong thời điểm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (Covid-19, tên gọi cũ là nCoV) gây ra bùng phát, lan rộng ở nhiều quốc gia.

* Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Năm 2019, toàn tỉnh ghi nhận hơn 20,5 ngàn ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tăng 1,7 lần so với năm 2018. Số ca mắc tăng ở tất cả các địa phương trong tỉnh, cao nhất ở huyện Cẩm Mỹ, tiếp đến là các huyện: Long Thành, Trảng Bom. Nhơn Trạch là địa phương có số người mắc bệnh sốt xuất huyết/100 ngàn dân cao nhất (hơn 1,1 ngàn người mắc/100 ngàn dân, trong khi tỷ lệ chung của cả tỉnh là 656 người mắc/100 ngàn dân).

Dịch bệnh sởi cũng ghi nhận số ca tăng rất cao so với những năm trước đó với hơn 1,9 ngàn ca. TP.Biên Hòa và các huyện Nhơn Trạch, Long Thành - những địa phương tập trung đông dân nhập cư, có nhiều khu nhà trọ là những nơi có số ca mắc bệnh sởi cao nhất.

Lý giải về sự gia tăng đột biến của các bệnh sốt xuất huyết, sởi trong thời gian vừa qua, các chuyên gia y tế nhận định, nguyên nhân là do chu kỳ của dịch sốt xuất huyết 4-5 năm lặp lại một lần. Bên cạnh đó, sự nóng lên toàn cầu, thời tiết nóng ẩm, thay đổi thất thường thích hợp để muỗi vằn sinh đẻ, là tác nhân gây bệnh. Còn dịch sởi bùng phát do thời điểm đó, tỷ lệ tiêm vaccine phòng bệnh của người dân chưa cao. Cộng với điều kiện ăn ở, sinh hoạt tại các khu nhà trọ ẩm thấp, nước thải, rác thải không được xử lý tốt… khiến dịch bệnh lan rộng và ảnh hưởng không nhỏ đến các gia đình có người mắc bệnh.

Bác sĩ Bạch Thái Bình, Giám đốc Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh cho hay, trước tình hình dịch bệnh bùng phát, lây lan nhanh trong cộng đồng, ngành Y tế đã chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm dập dịch, sớm đẩy lùi dịch bệnh. Phải kể đến là công tác tuyên truyền theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để người dân có biện pháp tự phòng tránh bệnh tật; tổ chức giám sát huyết thanh; giám sát côn trùng truyền bệnh sốt xuất huyết, triển khai 4 vòng chiến dịch diệt lăng quăng tại 520 lượt xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Đặc biệt, việc phun hóa chất dập dịch, xử lý ổ dịch sốt xuất huyết, tay chân miệng được tiến hành quyết liệt, kịp thời.

Một cách làm cũng mang tính đột phá và đem lại hiệu quả cao trong công tác phòng chống dịch bệnh sởi của Đồng Nai là tổ chức các chiến dịch tiêm vét vaccine sởi - rubella cho các đối tượng từ 12-60 tháng tuổi và từ 6-15 tuổi trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, nâng cao hệ miễn dịch cho trẻ, ngăn chặn dịch bệnh lây lan mạnh hơn nữa.

* Xử lý nhanh nếu dịch bệnh xảy ra

Huyện Long Thành là địa phương có nhiều khu công nghiệp, đông dân cư, nhiều khu nhà trọ. Vì thế, mỗi khi xảy ra dịch bệnh, Long Thành luôn nằm trong tốp những địa phương có số ca mắc bệnh cao trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, sự phối hợp đồng bộ giữa khối dự phòng và khối điều trị của ngành Y tế Long Thành đã giúp dịch bệnh được đẩy lùi, trong năm 2019 không ghi nhận trường hợp nào tử vong do dịch bệnh.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cao, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa khu vực Long Thành cho hay, bệnh viện có Khoa Nhiễm là nơi điều trị cho những bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm. Khoa này được cách ly với những khoa, phòng khác trong bệnh viện. Những bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm có lối đi riêng nhằm không gây ảnh hưởng đến những bệnh nhân khác đang điều trị trong bệnh viện.

“Với tinh thần tập trung cao độ, bệnh viện luôn chuẩn bị đầy đủ các loại thuốc men, máy móc trang thiết bị để kịp thời ứng phó khi có dịch bệnh xảy ra. Dù có những lúc, số ca bệnh mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng vượt quá số giường trong khoa, nhân viên y tế phải làm việc vất vả hơn nhưng ai cũng cố gắng để khống chế dịch bệnh, không để xảy ra trường hợp bệnh nặng hoặc tử vong” - bác sĩ Cao chia sẻ.

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Tài, sau dịch sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, hiện Đồng Nai, cả nước và toàn thế giới đang phải đối phó với dịch Covid-19. Đây là loại dịch bệnh rất nguy hiểm, có tính lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao. Do đó, ngành Y tế đang rất nỗ lực cùng cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm chung tay hạn chế sự lây lan của dịch bệnh trong cộng đồng.

“Qua đợt kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19 của Sở Y tế vừa qua cho thấy, các địa phương đã chủ động lên phương án ứng phó kịp thời nếu dịch bệnh xảy ra. Đồng thời, thực hiện nghiêm việc cách ly người Trung Quốc và những người đi từ vùng có dịch trở về. Người dân hiện nay cũng rất có ý thức phòng bệnh, không còn chủ quan, lơ là như đối với nhiều dịch bệnh khác” - bác sĩ Tài cho biết.

Năm 2020, ngành Y tế đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm; khống chế kịp thời, không để xảy ra trường hợp ổ dịch lây lan, kéo dài. 85% cán bộ làm công tác phòng chống dịch bệnh, thống kê báo cáo tại tuyến huyện được tập huấn hoặc tái tập huấn về giám sát bệnh truyền nhiễm, công tác thông tin, báo cáo bệnh truyền nhiễm; giảm hơn 5% số người mắc/100 ngàn dân đối với các bệnh truyền nhiễm phổ biến như: sốt xuất huyết, sởi, tay chân miệng, bạch hầu, ho gà, bệnh dại, quai bị, thủy đậu, viêm màng não, cúm A/H5N1…

Hôm nay 13-2, tại UBND tỉnh diễn ra hội nghị tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh năm 2019 trên địa bàn tỉnh và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu trong năm 2020, mà trước mắt là dịch Covid-19.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều