Báo Đồng Nai điện tử
En

Nhiều mô hình mới trong hoạt động nhân đạo

09:02, 09/02/2020

Cùng với việc duy trì các mô hình từ thiện nhân đạo đang phát huy hiệu quả, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh còn thực hiện nhiều mô hình, cách làm mới, góp phần giúp đỡ người dân khó khăn.

Cùng với việc duy trì các mô hình từ thiện nhân đạo đang phát huy hiệu quả, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh còn thực hiện nhiều mô hình, cách làm mới.

Bưu điện tỉnh tổ chức đóng góp ủng hộ vào thùng quỹ nhân đạo tại Bưu điện tỉnh. Ảnh: Thanh Tiên
Bưu điện tỉnh tổ chức đóng góp ủng hộ vào thùng quỹ nhân đạo tại Bưu điện tỉnh. Ảnh: Thanh Tiên

Những mô hình nhân đạo này đã, đang và sẽ góp phần giúp đỡ ngày càng thiết thực hơn đối với người dân khó khăn.

* Thêm mô hình mới

Một trong những mô hình mới đang được Hội Chữ thập đỏ các cấp triển khai thực hiện là bán hàng theo thời vụ để gây quỹ và bán hàng giúp đỡ nông dân gặp khó khăn về đầu ra nông sản. Theo bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, tùy theo điều kiện thực tế ở từng nơi mà mô hình này được triển khai với những mức độ khác nhau. Các cấp Hội sẽ tìm hiểu nhu cầu thị trường để bán các mặt hàng theo thời vụ, bán nông sản giúp nông dân giảm thiểu rủi ro do mất giá… Số tiền lời có được sẽ nộp vào quỹ Hội của từng đơn vị để từ đó sử dụng vào các hoạt động do Hội tổ chức. Năm 2019, bằng việc bán các mặt hàng theo thời vụ, Hội Chữ thập đỏ tỉnh đã thu được số tiền trên 22 triệu đồng.

Cùng với bán hàng gây quỹ, bán hàng giúp nông dân, một mô hình từ thiện nhân đạo mới vừa được triển khai tại Đồng Nai là đặt thùng quỹ nhân đạo tại bưu điện các huyện, thành phố. Bà Dương Thị Việt Hương, Phó giám đốc Bưu điện tỉnh Đồng Nai cho biết, mô hình này được Bưu điện tỉnh phối hợp cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện từ tháng 5-2019. Đến nay đã có 11 thùng quỹ nhân đạo tại bưu điện các huyện, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa nhằm gây quỹ giúp đỡ người nghèo, người khuyết tật gặp hoàn cảnh khó khăn, cán bộ, nhân viên hệ thống bưu điện gặp khó khăn đột xuất...

Theo kế hoạch thì từ 3-6 tháng, 2 đơn vị sẽ mở thùng quỹ, sau đó kiểm đếm rồi bàn giao cho Hội Chữ thập đỏ tỉnh sử dụng hỗ trợ cho người khó khăn. Trong năm 2020, mô hình này sẽ tiếp tục được Bưu điện tỉnh và Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện. Đặc biệt, ngoài đóng góp của khách hàng, người dân, Bưu điện tỉnh sẽ vận động cán bộ, nhân viên hệ thống bưu điện các cấp tham gia đóng góp cho thùng quỹ để ủng hộ chương trình hoạt động nhân đạo.

Từ năm 2019, Hội Chữ thập đỏ TP.Long Khánh cũng triển khai mô hình thùng từ thiện. Những thùng từ thiện được đặt ở các quán ăn có lượng khách đông, trụ sở UBND các xã, phường. Tại các phường Xuân Thanh, Xuân Bình, Suối Tre, Xuân Hòa… mô hình này đang được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Ngoài ra, thành phố cũng đang thực hiện mô hình mượn ruộng đất người dân bỏ không canh tác để cho hộ nghèo có nhu cầu sử dụng trồng trọt, chăn nuôi. Bước đầu đã có nhiều chủ đất đồng ý để cho người nghèo, người khó khăn mượn đất để canh tác.

* Cải tiến cách làm cũ

Bà Lê Hồng Thúy, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP.Long Khánh cho biết, các cấp Hội trên địa bàn thành phố đang nâng chất lượng mô hình từ thiện cây - con nhân đạo. Với mô hình này, những gia đình có vườn cây lớn và chăn nuôi nhiều sẽ để dành riêng số tiền thu hoạch được từ việc bán nông sản để hỗ trợ cho hộ nghèo.

Riêng tại huyện Long Thành, theo bà Nguyễn Thị Ngọc Đẹp, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện, sau nhiều năm gián đoạn bởi những lý do khác nhau, đầu năm 2020, Hội đã thực hiện lại mô hình đội bệnh khám cấp thuốc miễn phí. Với mô hình này, Hội Chữ thập đỏ huyện Long Thành vận động các y, bác sĩ đã nghỉ hưu làm lực lượng nòng cốt, kết hợp với các y, bác sĩ trẻ tình nguyện tổ chức khám bệnh, tư vấn điều trị cho người dân. Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ huyện Long Thành cũng tiến hành vận động mạnh thường quân ủng hộ kinh phí cho hoạt động khám bệnh, cấp thuốc, tặng quà cho người dân.

Một mô hình từ thiện nhân đạo khác cũng đang được cải tiến để phù hợp với thực tế cuộc sống là mô hình ngân hàng bò. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Đỗ Thị Phước Thiện cho biết, sau thời gian dài thực hiện, mô hình ngân hàng bò đã bộc lộ nhiều yếu tố không còn phù hợp như: người được nhận bò không có điều kiện để chăm sóc, tìm kiếm nguồn thức ăn cho vật nuôi mà phải thuê mướn người chăn nuôi… Từ thực tế đó, hiện nay Hội Chữ thập đỏ huyện, xã, phường đang chuyển nguồn kinh phí của mô hình ngân hàng bò sang hỗ trợ cho người dân cây, con giống khác phù hợp với điều kiện của họ. Hiện Hội Chữ thập đỏ tỉnh đang tìm hiểu, lắng nghe ý kiến từ các huyện, thành phố để sớm có sự đánh giá, điều chỉnh đối với mô hình này trong thời gian tới.

Năm 2020, Hội Chữ thập đỏ các cấp trong tỉnh đặt mục tiêu vận động được 180 tỷ đồng cho hoạt động trợ giúp nhân đạo, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trao học bổng cho học sinh nghèo…

Võ Tuyên

Tin xem nhiều