Báo Đồng Nai điện tử
En

Lớp học ''thời'' nCoV

11:02, 11/02/2020

Bước sang tuần nghỉ học thứ 2 để phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp nCoV, rất nhiều trường học trong tỉnh đã chủ động dạy học, ôn tập online cho học sinh...

Bước sang tuần nghỉ học thứ 2 để phòng ngừa dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona (nCoV), rất nhiều trường học trong tỉnh đã chủ động dạy học, ôn tập online cho học sinh. Hình thức dạy học khá phong phú, tùy vào điều kiện của từng trường, từng giáo viên, học sinh.

Các giáo viên của Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) trực lớp học online tại trường. Các giáo viên sẽ giảng bài, trả lời ý kiến thắc mắc của học sinh qua điện thoại, internet. Ảnh: H.Yến
Các giáo viên của Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) trực lớp học online tại trường. Các giáo viên sẽ giảng bài, trả lời ý kiến thắc mắc của học sinh qua điện thoại, internet. Ảnh: H.Yến

Nhờ tinh thần chủ động đó mà dù đang trong kỳ nghỉ, học sinh vẫn không xao nhãng việc học. Hơn nữa, cả thầy và trò còn được trải nghiệm thêm những hình thức dạy - học khác với thường lệ.

* Lớp học online

Mặc dù không đến trường nhưng bắt đầu từ thứ hai ngày 10-2, em Dương Bảo Trân, học sinh lớp 8/1 Trường THCS Trần Hưng Đạo (TP.Biên Hòa) vẫn học 4 môn: Toán, Giáo dục công dân, Lịch sử và Vật lý theo thời khóa biểu của nhà trường. Thời khóa biểu này được nhà trường ban hành để áp dụng tạm thời trong tuần tạm nghỉ học thứ 2 do dịch nCoV.

Theo đó, toàn bộ 68 lớp đều có chung 1 thời khóa biểu. Mỗi ngày, học sinh sẽ học 4 môn. Trước mỗi môn học, các em lên email chung của lớp hoặc Zalo để đọc trước nội dung bài học, bài tập do giáo viên bộ môn đưa ra. Nếu chưa hiểu bài, các em có thể lên YouTube để xem các bài giảng mà giáo viên đã chọn sẵn hoặc cũng có thể gọi điện thoại để trao đổi trực tiếp với giáo viên.

Lần đầu tiên được trải nghiệm hình thức học online này, Bảo Trân chia sẻ: “Em ấn tượng nhất là bài giảng môn Vật lý do các thầy cô trong trường tự quay rồi tải lên YouTube. Trong bài giảng đó, cô giáo đã làm thí nghiệm, sau đó mới đặt ra câu hỏi và yêu cầu bài tập. Nhờ cách học sinh động này mà em tiếp thu bài tốt”.

Để có được một tiết học như Bảo Ngọc kể ở trên, cô Lê Bá Mỹ Lệ và các đồng nghiệp đã phải chuẩn bị bài từ thứ bảy tuần trước. Theo đó, các thầy cô trong nhóm Vật lý lớp 7 và lớp 8 đã cùng nhau chuẩn bị nội dung, dụng cụ dạy học, quay clip bằng điện thoại, dựng clip rồi sau đó đăng tải lên YouTube. Lần đầu tiên dạy học theo phương pháp này, cô Lệ không khỏi bỡ ngỡ.

“Ban đầu, chúng tôi gửi clip cho học sinh qua Zalo, email nhưng do dung lượng clip lớn quá nên tải không nổi. Sau đó, chúng tôi mới nghĩ ra cách đăng lên trang YouTube. Cách này thuận tiện hơn rất nhiều. Lần đầu tiên ghi hình nên bản thân tôi cũng chưa được tự nhiên. Nhưng phải nói thật rằng, nhờ quay clip nên chúng tôi chăm chút cho bài giảng hơn, hình thức cũng chỉn chu hơn. Nếu có thời gian chuẩn bị nhiều hơn thì đây là hình thức dạy học khá hay” - cô Lệ vui vẻ kể về trải nghiệm lần đầu dạy online của mình.

Theo cô Đỗ Thị Cao Sang, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo, trong thứ bảy (ngày 8-2), nhà trường đã tổ chức họp và yêu cầu toàn bộ giáo viên (trừ môn Thể dục và Mỹ thuật) tổ chức dạy học online cho học sinh theo thời khóa biểu chung. Các giáo viên phải có mặt tại trường theo đúng thời khóa biểu để trực, giải đáp thắc mắc cho học sinh. Mỗi môn học có thời gian từ 60-90 phút. Để thuận lợi cho việc dạy học online, nhà trường đã lập 68 địa chỉ email cho 68 lớp học, đồng thời thông báo kế hoạch dạy học, lịch học, mật khẩu truy cập email cho phụ huynh toàn trường qua hệ thống tin nhắn VNEdu.

“Trong ngày đầu tiên triển khai dạy học online, có trục trặc đã xảy ra như: học sinh nghịch đổi mật khẩu email chung, học sinh xóa bài đã đăng trong email làm những người truy cập sau không xem được… Tuy nhiên, những rắc rối này sau đó đều đã được giải quyết. Những ngày tiếp theo, nhà trường vẫn sẽ tiếp tục triển khai hình thức học tập này” - cô Sang cho hay.

* Chủ động giữ liên lạc với học sinh trong kỳ nghỉ

Không có được những điều kiện thuận lợi để tổ chức học, ôn tập online như một số trường học ở TP.Biên Hòa nhưng giáo viên ở các địa phương khác vẫn thường xuyên giữ liên lạc với phụ huynh để phối hợp nhắc nhở học sinh ôn tập, học bài. 

Phòng GD-ĐT huyện Cẩm Mỹ đã triển khai đến các trường, yêu cầu giáo viên giữ liên lạc, nắm bắt tình hình dịch bệnh của học sinh. Trưởng phòng GD-ĐT huyện Cẩm Mỹ Bùi Thị Vinh cho hay: “Thời gian học sinh phải nghỉ học chắc chắn đã gây nên những xáo trộn nhất định cho các gia đình, nhất là ở khu vực thành thị. Về chuyên môn, do có khoảng thời gian dự phòng nên việc học sinh nghỉ 2 tuần cũng không đáng lo”.

Theo cô Lý Thị Lũy, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phú Điền (huyện Tân Phú), trong trường hợp giáo viên không liên lạc để giao bài tập cho học sinh, phụ huynh có thể yêu cầu các con mỗi ngày chỉ cần dành ra 30 phút đọc lại bài cũ hoặc những bài học sắp tới. Với những em chưa có khả năng tự học, phụ huynh nên chú ý giúp con ôn bài.

Ngoài việc chủ động tổ chức ôn tập cho học sinh, một số trường còn tổ chức phong trào thi đua trong học sinh. Thông qua hệ thống tin nhắn VNEdu, Trường tiểu học Nguyễn An Ninh (TP.Biên Hòa) đã phát động học sinh tham gia thi vẽ tranh với chủ đề Phòng, chống dịch bệnh nCoV và bảo vệ môi trường. Phụ huynh có thể chụp ảnh các bé phụ giúp cha mẹ làm việc nhà gửi cho giáo viên chủ nhiệm để nhà trường, lớp có hình thức khen ngợi kịp thời.

Bên cạnh việc giao bài ôn tập, Trường tiểu học Nguyễn An Ninh còn yêu cầu giáo viên soạn thời gian biểu các hoạt động trong ngày cho học sinh và khuyến khích phụ huynh nhắc nhở học sinh thực hiện. Đây là một hình thức để hạn chế tình trạng học sinh sa đà vào việc xem tivi, điện thoại…

Hải Yến

Tin xem nhiều