Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa môn Công nghệ gần gũi hơn với học sinh

08:02, 19/02/2020

Bằng cách tổ chức dạy học dự án, áp dụng bài giảng E-learning kết hợp giáo dục STEM (science - khoa học; technology - công nghệ; engineering - kỹ thuật và maths - toán học), thầy Nguyễn Trường Sinh (giáo viên Trường THCS Hàng Gòn, TP.Long Khánh) đã làm cho môn Công nghệ trở nên gần gũi, hấp dẫn hơn với học sinh.

Bằng cách tổ chức dạy học dự án, áp dụng bài giảng E-learning kết hợp giáo dục STEM (science - khoa học; technology - công nghệ; engineering - kỹ thuật và maths - toán học), thầy Nguyễn Trường Sinh (giáo viên Trường THCS Hàng Gòn, TP.Long Khánh) đã làm cho môn Công nghệ trở nên gần gũi, hấp dẫn hơn với học sinh.

Thầy Nguyễn Trường Sinh nhận giải nhì chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập. Ảnh: H.Yến
Thầy Nguyễn Trường Sinh nhận giải nhì chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập. Ảnh: H.Yến

* Dạy học theo dự án

Năm 2015, thầy giáo trẻ Nguyễn Trường Sinh tham gia cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin và được lọt vào vòng chung kết toàn quốc (tổ chức tại Hà Nội). “Đem chuông đi đánh xứ người”, thu hoạch lớn nhất của thầy Sinh chính là được mắt thấy, tai nghe, được học hỏi kinh nghiệm dạy học dự án của các giáo viên giỏi trong cả nước.

“Tìm hiểu cách dạy học dự án của những giáo viên ở Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh đã cho tôi mở mang tầm mắt. Tôi cũng thấy rõ một điều là học trò của mình đang thua thiệt rất nhiều so với các bạn ở những thành phố lớn. Vì thế, tôi quyết tâm tổ chức dạy học dự án cho học trò của mình” - thầy Sinh nhớ lại.

Sống an toàn với hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật

Đó là tên một dự án mà thầy Nguyễn Trường Sinh đã triển khai cho học sinh khối 7 thực hiện. Trong dự án này, học sinh phải tìm hiểu về những ảnh hưởng của hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật đối với sức khỏe con người. Đồng thời, mỗi nhóm học sinh phải đi thực tế, thực hiện các clip phỏng vấn nông dân về nhận thức của họ trong việc sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật khi sản xuất nông nghiệp.

Ngoài dự án này, thầy Sinh còn tổ chức các dự án học tập liên quan đến những vấn đề thiết thực trong cuộc sống như: phòng chống biến đổi khí hậu và thiên tai bằng việc làm hữu ích; khi gan lên tiếng…

Lần đầu triển khai dạy học dự án, thầy giáo trẻ này đã gặp không ít khó khăn do thầy thì thiếu kinh nghiệm, học sinh chưa quen cách học mới. Vì thế, một số nhóm đã bỏ cuộc giữa chừng. Nhưng những nhóm trụ lại được đến cùng đã đạt được những thành quả rất đáng khích lệ. Đây chính là niềm tin để thầy Sinh tiếp tục triển khai những dự án học tập tiếp theo.

Kể từ năm 2016 đến nay, mỗi năm thầy Sinh tổ chức một dự án học tập. Hai năm gần đây, với lợi thế là Tổng phụ trách Đội, thầy Sinh không chỉ triển khai cho các lớp do thầy dạy môn Công nghệ mà còn phát động rộng rãi trong toàn trường. Kết thúc dự án, những nhóm có thành tích tốt sẽ được tuyên dương, khen thưởng trước toàn trường.

Trong dạy học dự án, giáo viên chỉ là người đóng vai trò hỗ trợ, học sinh sẽ tự làm lấy mọi việc. Vì thế, tuy số lượng dự án ít nhưng vẫn có thể góp phần giúp học sinh phát huy được vai trò tích cực, sự sáng tạo.

Em Nguyễn Thanh Nhi (học sinh lớp 9/3, Trường THCS Hàng Gòn) vui vẻ kể: “Khi học môn Công nghệ lớp 7 với thầy Sinh, em đã được tham gia làm dự án Sống an toàn với hóa chất và thuốc bảo vệ thực vật. Khi nghe thầy triển khai dự án, chúng em cảm thấy rất thú vị và bắt tay vào làm ngay. Theo em, cách học theo dự án rất bổ ích, vì chúng em có thể học được nhiều kiến thức từ thực tế chứ không phải chỉ qua sách vở. Cách dạy học như vậy khiến em thấy môn học gần gũi hơn. Em rất mong muốn các thầy cô sẽ vận dụng cách dạy này”.

* Lan tỏa “giáo viên tích cực”

Không chỉ tổ chức dạy học dự án, thầy Sinh còn ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các bài giảng E-learning, thậm chí thầy còn xây dựng hẳn một website cung cấp các bài giảng điện tử, bài luyện tập… để phục vụ học sinh tự học. Ngoài ra, thầy Sinh cũng chủ động tìm hiểu và bước đầu tổ chức dạy học theo hình thức giáo dục STEM.

Học sinh Trường THCS Hàng Gòn đang thử nghiệm sản phẩm Mô hình đèn bẫy côn trùng gây hại. Đây là sản phẩm từ quá trình dạy học theo dự án kết hợp với giáo dục STEM của thầy Nguyễn Trường Sinh và thầy Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: H.Yến
Học sinh Trường THCS Hàng Gòn đang thử nghiệm sản phẩm Mô hình đèn bẫy côn trùng gây hại. Đây là sản phẩm từ quá trình dạy học theo dự án kết hợp với giáo dục STEM của thầy Nguyễn Trường Sinh và thầy Nguyễn Anh Tuấn. Ảnh: H.Yến

Cùng với những đổi mới trong hình thức dạy học đó, thầy Sinh cùng với các học trò đã tạo được nhiều sản phẩm để làm đồ dùng dạy học môn Công nghệ và các sản phẩm phục vụ cuộc sống. Trong đó có một số sản phẩm nổi bật như: máy tách hạt bắp, máy bơm không cần nhiên liệu, mô hình đèn bẫy côn trùng gây hại…

Trong năm 2019, thầy Sinh tiếp tục tham gia cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng công nghệ thông tin và là 1 trong 150 tác giả có dự án được lọt vào vòng bình chọn. Cũng trong năm này, thầy Sinh cùng với một đồng nghiệp là thầy Nguyễn Anh Tuấn đã tham gia và đoạt giải nhì chương trình Phát huy sáng kiến, sáng tạo trong lao động và học tập.

Nhận xét về giáo viên năng động này, Hiệu trưởng Trường THCS Hàng Gòn Nguyễn Văn cho biết: “Thầy Sinh là một giáo viên nhiệt tình, có nhiều thành tích cao trong dạy học. Thầy là người tiên phong trong việc đổi mới hình thức, phương pháp dạy học của nhà trường. Việc triển khai dạy học dự án của thầy Sinh đã đạt được hiệu quả cao và có tính lan tỏa. Hiện nay, trường chúng tôi đã có khoảng 1/3 giáo viên tổ chức hình thức dạy học theo dự án. Với sự lan tỏa đó, tôi hy vọng là trong thời gian tới, việc dạy học theo dự án, giáo dục STEM của trường sẽ tiếp tục phát triển”.

Nhà trường cùng đồng hành

Thầy Nguyễn Trường Sinh bộc bạch: “Lần đầu tiên tổ chức dạy học dự án, niềm hạnh phúc của tôi chính là thấy được hình ảnh năng động, tích cực, sáng tạo của học sinh. Những ý tưởng mà các em đưa ra khiến chính tôi cũng ngạc nhiên và phải học hỏi. Lần đó, tôi nhớ là do kinh phí hạn hẹp nên tôi chỉ thưởng được cho nhóm đoạt giải nhất 10 cuốn tập, nhóm giải nhì 5 cuốn tập. Tuy nhiên, những dự án sau này của tôi đều có sự ủng hộ, giúp đỡ của Ban giám hiệu. Nhà trường đã tài trợ kinh phí cho học sinh in poster, trao giải và tổ chức khen thưởng dưới cờ cho các nhóm học sinh. Đó cũng là một phần động lực để thầy trò chúng tôi tiếp tục tổ chức dạy học dự án”.

Hải Yến

Tin xem nhiều